Câu chuyện giảm cân đến suy nhược cơ thể của Bùi Thị Thu Hương (SN 1998, quê xã Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) gây xôn xao mạng xã hội cách đây không lâu.
Thu Hương từng có gương mặt xinh xắn, vóc dáng đầy đặn với cân nặng 52kg. Sau 3 năm không ăn cơm để giảm cân, cô suy nhược cơ thể, ngày càng gầy rộc, chỉ còn da bọc xương. Ở tuổi 26, Thu Hương nặng có 18kg.
Nhiều năm không ăn cơm
Gặp gỡ Thu Hương vào ngày cuối cùng điều trị tại bệnh viện ở Hà Nội, trông cô tươi tắn hơn, giọng nói vang hơn. Hương vui vẻ khoe, sau 10 ngày được các bác sĩ tích cực điều trị, bố mẹ chăm sóc, cô đã tăng 1kg. Cân nặng hiện tại là 19kg.
“Nếu là nửa tháng trước, dù có muốn mình cũng không thể gặp gỡ, trò chuyện với ai bởi yếu quá, đi lại cũng cần người dìu đỡ. Giờ mình ngồi được lâu hơn, có thể tự đứng dậy đi lại, không phải bám vịn vào ai nữa”, Hương kể.
Những ngày qua, Hương tích cực điều trị theo phác đồ của bệnh viện, mỗi ngày ăn thành nhiều bữa, vừa ăn vừa uống sữa. Hương chủ yếu ăn cháo, cơm xay, rau củ quả và thịt, cá, trứng. Thức ăn đều được nấu chín mềm, cắt nhỏ.
“Mình ăn được, chỉ có sữa là phải uống lai rai, có khi mất cả tiếng đồng hồ mới xong cốc sữa”, Hương chia sẻ.
Đôi bàn tay gầy guộc của Hương lướt nhanh trên màn hình điện thoại. Khi bấm vào bức ảnh cũ, Hương trầm ngâm. Trước đây, Hương từng xinh xắn nổi tiếng trong làng. Là chị cả trong nhà, bố mẹ đi làm ăn xa, Hương rất chịu khó, tháo vát.
Tốt nghiệp cấp 3, Hương xin vào làm việc tại một công ty may. Thấy bản thân có phần mũm mĩm, Hương quyết tâm giảm cân bằng cách không ăn cơm, chỉ ăn rau củ quả, thức ăn và những món đồ ăn vặt.
Hương xác nhận, trong nhiều năm, cô không ăn hạt cơm nào.
Năm 2021 là khoảng thời gian khủng hoảng của Hương. Cô tăng ca liên miên, mỗi ngày làm việc 12 tiếng đồng hồ. Thời điểm đó, gia đình xảy ra biến cố, cô buồn phiền đến mức chán ăn, chán ngủ.
“Trong khoảng 5-6 tháng, mình ăn uống thất thường, có những ngày không ngủ tiếng nào, thức trắng đêm rồi sáng dậy đi làm. Đó là lúc mình sút cân nhiều nhất, cơ thể suy kiệt”, Hương kể.
Năm 2022, cô bị ngã xe máy, phải vào viện đa khoa tỉnh điều trị hơn 1 tuần. Kể từ sau đó, cô càng suy nhược hơn, cơ thể gầy gò, sức khỏe suy yếu. Soi mình trong gương, Hương không nhận ra chính bản thân.
“Hàng xóm thấy mình thì ngỡ ngàng, bạn bè cũ gặp lại không nhận ra. Thời gian qua, mình luôn nghe được câu hỏi: 'Ôi sao gầy thế?'. Dần dần, mình cũng ngại ra đường”, Hương chia sẻ.
Nhìn cơ thể tàn tạ của hiện tại, Hương hối tiếc nhiều hơn là lo lắng. Cô hối hận khi trước đây không ăn uống nghiêm túc, bỏ bê bản thân suốt thời gian dài.
Hương vốn là cô gái vô tư, nhưng những lúc không thể tự mình đứng dậy, trong đầu cô le lói suy nghĩ: “Thà chết quách cho xong”.
Dù rất muốn được đi làm, yêu đương, lập gia đình, sinh con như chúng bạn nhưng Hương tự thấy, mong ước đó quá xa vời. Điều cô mong mỏi nhất ở hiện tại là có thể hồi phục sức khỏe 70%, có thể tự lo cho bản thân để bố mẹ bớt vất vả.
"Còn nước còn tát"
10 ngày điều trị tại bệnh viện, người chăm sóc chính cho Hương là mẹ ruột – chị Nguyễn Thị Anh (sinh năm 1978).
Chị Anh nhẹ nhàng đỡ cánh tay Hương ngồi dậy. Thấy con gái kêu đau, chị thắc mắc: “Sao lại đau nhỉ? Mẹ đỡ nhẹ thế rồi mà”. Rồi chị chợt hiểu, con gái gầy rộc, chẳng còn mấy da thịt nâng đỡ, chỉ cần chạm nhẹ đã đến xương nên dễ bị đau.
Chị Anh nói: “Giờ chăm sóc con chẳng khác nào chăm em bé sơ sinh”.
Chị Anh kể, từ nhỏ Hương đã sống cùng ông bà ngoại ở xã Phú Thịnh do vợ chồng chị đi làm ăn xa. Sau này, vợ chồng chị về quê sinh sống ở xã Đức Hợp, nhưng thấy con đã quen với cuộc sống ở nhà bà ngoại nên không đón về.
Thời điểm thấy Hương gầy ốm, chị Anh hết lòng khuyên nhủ con chấm dứt chuyện giảm cân, ăn uống cẩn thận nhưng con không nghe. Đến khi con sút cân nghiêm trọng, cơ thể gầy yếu, chỉ còn da bọc xương, chị xót xa vô cùng.
“Làm cha, làm mẹ, thấy con ốm yếu thế này ai cũng đau lòng. Chúng tôi không có cách nào, ngoài việc đưa con đến các bệnh viện lớn thăm khám, chạy chữa.
Mấy năm qua, chúng tôi cho Hương đi khám ở nhiều bệnh viện lớn, nằm viện 4 – 5 lần nhưng tình trạng vẫn không cải thiện”, chị Anh bật khóc chia sẻ.
Lần này nghe mọi người mách bảo, vợ chồng chị quyết “liều một phen”, đưa con vào bệnh viện quốc tế khám với mong muốn tìm ra nguyên nhân bệnh.
“Chúng tôi may mắn được mọi người quyên góp, ủng hộ hơn 40 triệu đồng. Sẵn khoản tiền đó, hai vợ chồng bảo nhau ‘thôi liều đưa con vào đây xem sao’.
Vào đây, được các bác sĩ tận tình thăm khám, chữa trị, sau 10 ngày, thần sắc của cháu đã tươi tỉnh hơn, sức khỏe cũng ổn định. Đặc biệt, cháu đã tăng được 1kg”, chị Anh kể, gương mặt ánh lên nét vui vẻ.
Chị Anh làm công nhân may từ thứ 2 đến thứ 7. Chủ nhật, chị đi nhặt ve chai, buôn đồng nát kiếm thêm chút tiền sinh hoạt. Mỗi chiều đi làm về, chị lại chạy xe 6 cây số lên nhà ngoại tắm rửa, chuẩn bị cơm nước cho con gái.
Cuộc sống vất vả, cực nhọc nhưng chị luôn tâm niệm: “Còn nước còn tát".
“Thấy con gái còn hy vọng hồi phục, vợ chồng tôi nỡ lòng nào từ bỏ. Bằng mọi cách, chúng tôi cố gắng chạy chữa cho con, không dám mong con hồi phục hoàn toàn, chỉ mong con hồi phục được 80% so với lúc trước”, chị Anh tâm sự.