Căn bệnh mắt bẩm sinh và một tai nạn đã vĩnh viễn cướp đi thị lực của Nghiêm Vũ Thu Loan (SN 1998).
Lớn lên bên nếp nhà ở vùng ngoại ô huyện Ứng Hòa, Hà Nội, cô gái trẻ chia sẻ: “20 năm tôi có mặt trên thế gian này, điều nuối tiếc nhất của tôi là không bao giờ được nhìn rõ mặt những người tôi thương nhất. Điều hạnh phúc nhất là tôi được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình, được gặp gỡ những người thầy và quen những người bạn tốt”.
Với nghị lực phi thường, cô gái đã trở thành sinh viên năm thứ 2 một trường đại học và là tác giả của một tập truyện ngắn với tên gọi “Giấc mơ nơi thiên đường”. Nhưng hành trình để đến với ngày hôm nay của em không hề dễ dàng…
Nghiêm Vũ Thu Loan |
“Thi thoảng, mình bị những đứa trẻ khác phân biệt, bị các bạn khác gọi là “con lác”, “con mù”… không muốn chơi với mình”, Loan nói.
“Buồn và chán nhưng mình là mẹ, mình cứ như vậy thì con mình cũng sẽ rất buồn. Mình cố tạo cảm giác là không có vấn đề gì để con không suy nghĩ. Dù có thế nào thì bố mẹ vẫn luôn đồng hành cùng con”, bà Vũ Thị Hương, mẹ của Thu Loan, chia sẻ.
Thu Loan cũng thừa nhận: “Mẹ thường giấu tất cả khó khăn, chỉ nói với em về niềm vui, động viên em học tập để có việc làm, có thể sống tự lập”.
Tốt nghiệp THCS, gần 10 trường THPT không nhận hồ sơ của Loan với các lý do không có trang thiết bị hỗ trợ, giáo viên chưa được đào tạo về dạy người khiếm thị…
“Em nhớ như in, mùa hè nóng trên 40 độ, mẹ em đi khắp nơi để gõ cửa, tìm trường học cho em. Khi em đi học đại học, mẹ cũng phải ra Hà Nội làm giúp việc, bán hàng, xe ôm… chỉ để ở gần con”, Loan kể.
Những nỗ lực không mệt mỏi đã giúp Loan 2 lần đạt giải trong Cuộc thi viết thư Quốc tế UPU. Em có huy chương vàng và huy chương bạc của kỳ thi thể thao cấp quốc gia… Loan cũng là sinh viên duy nhất nhận được học bổng “Chắp cánh ước mơ” của một trường đại học quốc tế.
“Mẹ em không thể chọn công việc ổn định chỉ vì muốn đồng hành cùng con. Em mong muốn một ngày nào đó, mẹ được đi mọi nơi nhưng đi vì bản thân mẹ chứ không phải đi vì công việc của con”, cô gái trẻ trăn trở.
Cô sinh viên cũng mong muốn trở thành một nhà văn, một diễn giả truyền cảm hứng cho cộng đồng.
Bởi vậy, chương trình "Điều ước thứ 7" với tên gọi “Giấc mơ nơi thiên đường” mở đầu bằng một vở nhạc kịch. Ngồi ở hàng ghế khán giả, Loan nhận ra đây là vở kịch được dựng trên truyện ngắn xuất bản vào năm 2019 của mình. “Trên 50% nội dung truyện chính là chuyện của bản thân em”, Loan nói.
Cô gái chia sẻ thêm: “Ngày nhỏ, em mong ước trở thành họa sĩ nhưng biến cố xảy ra khiến em tạm dừng chân trên con đường trở thành họa sĩ.
Khi trưởng thành, em có ý nghĩ, muốn khắc họa thế giới, mình không nhất thiết phải dùng màu sắc, mình có thể làm bằng tiếng nói, lời văn. Em muốn trở thành nhà văn hiện thực xã hội và diễn giả trong tương lai”.
Cuốn sách của Thu Loan xuất bản năm 2019. |
Ngay tại chương trình, Thu Loan đã trở thành một diễn giả trước hàng triệu khán giả. Trong bài nói chuyện của mình, Loan nói về lòng biết ơn – một bài học con người phải học từ tấm bé.
Thu Loan nói, ngày nhỏ không được đến trường, chị gái của Loan chính là một người bạn cũng là người thầy của em. Chị không chỉ dạy về văn học, toán học mà còn dạy về lòng tri ân.
“Vì em là người khuyết tật, không được đến trường nên tự ti, cảm thấy cuộc sống không hạnh phúc. Chị đi du lịch biển về, tặng cho em gái những con sò. Ban đầu em không hứng thú với món quà trên.
Nhưng chị nói, con sò này thể hiện lòng biết ơn, em nên để nơi dễ thấy. Mỗi lần chạm vào, em hãy nghĩ đến người đem đến cho mình hạnh phúc”.
Thu Loan làm theo và trở thành cô gái lạc quan, hoạt bát hơn.
“Lời cảm ơn không chỉ là sức mạnh với người được nhận mà còn đối với người nói”, bài diễn văn của cô gái trẻ đã nhận được tràng vỗ tay nhiệt liệt từ khán giả trường quay.
Chị Nghiêm Thu Trang - chị gái của Loan cũng xuất hiện tại chương trình, đem lại bất ngờ cho nhân vật chính.
“Chị cũng là người khiếm thị. Chị là sứ giả của em, là người bạn đồng hành lúc em gặp gian nạn, khó khăn nhất”, Loan nói.
Bà Vũ Thị Hương - mẹ của 2 cô gái rơi nước mắt chia sẻ thêm: “Rơi vào hoàn cảnh như vậy, tôi không biết làm gì hơn là đồng hành cùng con. Tôi động viên các con, ngoài kia còn có những hoàn cảnh khó khăn hơn mình và con không được bỏ cuộc”.
Từ ước mơ mẹ có một công việc ổn định của Loan, chị Hương đã được hiệu trưởng một trường mầm non ở Hà Nội mời về làm việc, để có thêm chi phí trang trải cho cuộc sống.
Chị bán đậu phụ và tâm huyết với những suất cơm đặc biệt cho bệnh nhân nghèo
Bốn năm qua, chị Lý cùng những người phụ nữ ở thôn Yến Vĩ đã cung cấp miễn phí thực phẩm để nấu cơm tặng các bệnh nhân nghèo.
Nam Phương