"Con chết chắc mẹ đỡ cực hơn"
Trên bộ ván gỗ đã sờn cũ, bà Tuôi dùng đôi tay có phần chai sạn và lấm tấm những đồi mồi vân vê con hạc giấy do con gái mình gấp bằng… lưỡi. Bà Tuôi chìa chúng ra một cách nâng niu trên tay của mình rồi khấp khởi: "Mấy cô mấy chú thấy đó, bao nhiêu đây là một mình nó gấp, nó làm bằng lưỡi đó".
Giọng nói tự hào nhưng cũng không thể nào giấu được nỗi buồn từ sâu thẳm trong lòng người mẹ, trước mặt là đứa con gái dù đã gần tuổi 40 nhưng cơ thể vẫn y hệt một đứa trẻ.
Sinh ra với một cơ thể lành lặn như bao đứa trẻ khác, thế nhưng năm lên 5 tuổi, chị Trần Thị Thúy An (37 tuổi, ngụ tại phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) mắc chứng bệnh còi xương, chân tay teo tóp, sa sút.
Đến khi lên 7, các khớp xương tay, chân chị An bắt đầu rời rạc, mất khả năng vận động. Kể từ đó, mọi sinh hoạt chị An đều nhờ một tay mẹ là bà Nguyễn Thị Kim Tuôi (SN 1955).
Theo kết luận của các bác sĩ ở TPHCM, chị An bị nhiễm chất độc da cam không thể chữa trị. "Nhiều khi người nó đau quá, nó nói: "Con chết chắc mẹ đỡ cực hơn", nghe đau lắm. Tôi nghe chịu không nổi", bà Tuôi nói.
Bà Tuôi cho hay trong một lần tình cờ xem cách gấp giấy trên tivi, chị An học rồi tập làm theo bằng lưỡi và miệng cho đến khi thuần thục.
Ban đầu là xếp thuyền, sau đó chị An xếp ngôi sao và khiến ai nấy đều thán phục khi gấp cả hạc giấy mà không thông qua sự luyện tập nào.
Lấy miếng giấy kiếng vuông đưa vào miệng con gái, bà Tuôi nhắc: "Nè cô cậu coi nó làm nè". Ngậm giấy kiếng, chị Thúy An dùng chiếc lưỡi uốn éo qua lại, rồi dùng môi bặm chặt tờ giấy làm đôi, sau đó gấp từng nếp gấp nhỏ, động tác uyển chuyển giữa môi và lưỡi thuần thục đến khó tin.
Chăm chú nhìn một lát, từ miệng chị Thúy An, chúng tôi nhìn thấy một con hạc giấy xinh xắn với những nếp gấp hoàn chỉnh. Được đà, chị An gấp những con hạc tiếp theo trong sự thán phục của những người chứng kiến. "Nó gấp đủ thứ, bây giờ may vá tôi hay mượn nó xỏ kim", bà Tuôi nói.
Mừng phát khóc khi thấy con xỏ kim bằng lưỡi
Không nói suông, bà Tuôi đặt kim và chỉ lên lưỡi con gái, chị An nhận lấy sau đó ngậm lại chừng 5 phút, không hở một kẽ răng, một lúc sau nhả ra thành phẩm là cây kim được xỏ chỉ hoàn tất. Nếu không tận mắt chứng kiến mà chỉ nghe qua lời kể, có lẽ đây là chuyện khó tin.
Bà Tuôi kể, trong một lần bà tìm cách xỏ chỉ qua lỗ kim vá lại chiếc mùng cũ. Loay hoay được khoảng 10 phút, bà nghe chị Thúy An nói: "Mẹ đưa kim đây con xỏ cho", nghĩ bụng con chỉ chọc mình.
Bà Tuôi đáp: "Thôi tài lanh quá, mẹ xỏ còn không được". Sau nhiều lần nghe con nài nỉ, bà An thách thức: "Nè, con xỏ được thì xỏ coi".
"Tôi hồi hộp nhìn con lận cây kim dưới lưỡi, không hở môi một chút nào. Uốn éo lưỡi ngậm kim chỉ đâu chừng 5 phút. Nó nhả ra cây kim đã xỏ chỉ ra hoàn chỉnh cho tôi, tôi giật mình hỏi "Sao con làm được vậy Thúy An?", rồi nước mắt tôi trào xuống".
Bà Tuôi hồi tưởng đến những ngày đầu khi phát hiện con có biệt tài, bà chạy ra đường tìm mua giấy kiếng, kim chỉ cho con gái, trong lòng không khỏi hân hoan, quên cả trời đang nắng như đổ lửa lên đầu: "Tôi không còn nhớ gì hết, đi kể cho cậu nó nghe, cậu nó thách xỏ được cùng lúc 2 rồi 3 sợi chỉ qua lỗ kim, ai mà ngờ đâu nó làm được".
Ngoài gấp hạc, xỏ kim, giờ đây chị An còn gấp được cả những ngôi sao 5 cánh, xỏ chuỗi,…
"Mai mốt tôi không còn, con An sống làm sao?"
"Tôi ở với nó dần dà tôi mất cảm giác. Bản thân tôi cũng đang bệnh nhưng chẳng còn thấy đau đớn nữa", bà Tuôi nói.
Bà Tuôi bộc bạch thêm về tình hình sức khỏe của mình. Nhiều năm nay dành thời gian lo cho con gái và nhà cửa trong ngoài, ở tuổi gần 70 nhưng vì bận rộn việc gia đình bà cũng chẳng còn thời gian chữa bệnh cho bản thân.
Theo bà Tuôi, do tuổi ngày một lớn nhưng chỉ nằm một chỗ, nhìn thấy mẹ cực nhọc, chị An cũng trầm ngâm và kiệm lời hơn trước. Những cuộc trò chuyện ngắn ngủi giữa hai mẹ con có phần ảm đạm và mệt nhọc. "Mai mốt tôi không còn, không biết con An sống làm sao", người mẹ già lo lắng.
Dù bị bại liệt nhưng chị An lại có thể làm những thứ mà người bình thường không làm được nên nhiều người rất thương. "Năm đó tôi với An đi bán vé số, thấy nó có tài nhiều người kêu làm cho họ xem rồi họ cho tiền. Được một thời gian, tôi gom góp và xây được căn nhà này", bà Tuôi kể.
Bà Tuôi có 5 người con, trong đó chị An là con út trong nhà và cũng là người cận kề với bà nhất. Ở nhà chuyện gì, bà cũng đều thủ thỉ với chị. Tuy không giúp mẹ bằng tay chân lành lặn nhưng theo bà Tuôi, chị An cũng là người hiểu bà nhất.
Có lẽ chính vì thế mà những khi nhìn về chị An, bà Tuôi luôn đau đáu trong lòng, rằng sau này nếu vợ chồng bà không còn đủ sức khỏe chăm lo cho con gái thì chị An sẽ sống với ai.
Theo Dân trí
Cô gái khuyết tật tốt nghiệp cử nhân Dược, nỗ lực kiếm tiền để sống tự lập
Bị cấm cản vì muốn cưới cô gái khuyết tật chàng trai rủ người yêu 'đi trốn'
Chọn yêu và lấy cô gái khuyết tật làm vợ, Việt (30 tuổi, Hà Tĩnh) gặp phải sự phản đối của gia đình, dù vậy anh vẫn kiên định bảo vệ tình yêu của mình, thuyết phục bố mẹ chấp nhận.