Lời toà soạn:  Sau mỗi bài giảng, sau mỗi buổi học...các thầy cô giáo đều có những suy nghĩ, chia sẻ về sự nghiệp giáo dục. Cuối tháng 2 vừa qua, VietNamNet nhận được bài viết của một cô giáo ở TP.HCM bày tỏ “nỗi bất ngờ và niềm hy vọng” mà cô cảm nhận được trong công việc của mình. VietNamNet xin giới thiệu ý kiến này và mong nhận được nhiều chia sẻ khác của các thầy cô giáo theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin trân trọng cảm ơn.

{keywords}

Ngày ngày đầu năm mới, tôi cho học sinh thảo luận chủ đề “Nhân việc có gia đình bày biện thức ăn trên đường cao tốc tết vừa qua, chúng ta cùng thảo luân về đề tài: Tai nạn giao thông và ứng xử của học sinh”.

Ý tưởng lấy đề tài xã hội đưa vào bài giảng tạo hứng khởi học văn không ngờ tạo hiệu ứng đáng ngạc nhiên.

Và từ sự nhiệt tình thảo luận của học sinh, những câu hỏi canh cánh trong lòng tôi lại trở về:

Đầu năm mới, sao ta không dành những lời chúc yêu thương, những ý tưởng tích cực nhất cho ngành giáo dục? Vì sao chúng ta cứ hay kêu ca về những điều còn hạn chế, chưa hoàn thiện,vì sao cứ phải hành xử kiễu “đến hẹn lại lên”? Đợi đến 8/3 mới nhớ về người phụ nữ. Đợi 20/11 lại ào ạt tri ân thầy cô. Có phải sẽ hay hơn, tốt đẹp hơn khi chúng ta bớt kêu ca, chỉ trích, than vãn hay tô hồng thực tế?".

Chúng ta đều biết, giáo dục là một hành trình dài mà người giáo viên như những hoa tiêu âm thầm đứng trên lộ trình, nâng bước, tiếp lửa từng ngày cho học sinh. Chúng tôi luôn đứng sát cạnh học trò của mình sau từng thất bại, tiếp sức cho các con bằng niềm tin trọn vẹn. Và học sinh của chúng ta cũng “không phải dạng vừa đâu!”.

Vậy nên điều xã hội cần ở giáo dục, là bên cạnh mục tiêu dạy chữ, bồi dưỡng kiến thức là dạy người để trau dồi kỹ năng trong cuộc sống. Và để làm được điều đó, chúng ta sẽ chăm chút, vun bồi những nhân tố tích cực ngay từ những điều nhỏ nhất!

Thiển ý của tôi là, từng giáo viên phải có ý thức mình là “giáo chức” (chớ không phải “thợ dạy”) và chức phận của chúng ta là chăm chút, vun bồi từng hạt mầm thiện lành.

 

Thầy robot có biết xoa đầu em không?

Những ngày cuối năm 2018, tôi cho đề kiểm tra tập trung định kỳ môn văn “Hãy phát biểu cảm nhận của em về vai trò của người giáo viên trong thời đại 4.0”.

Những tưởng trường tư thục đầu vào điểm thấp, học trò sẽ viết đoạn văn cho có để kiếm điểm.

Nhưng không! Các con đã khiến chúng tôi xúc động nghẹn ngào!

Những cô, cậu lớp 10 ham chơi hiếu động tưởng lười học (vì học trường tư) lại chăm chút suy tư: "Dù thời đại nào, dù công nghệ có tiên tiến đến đâu, dù rôbôt có thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, nhưng vai trò của người giáo viên không bao giờ thay đổi. Vì chỉ có thầy cô với ánh mắt quan tâm, những lời động viên an ủi sẽ giúp hoc sinh vượt qua mọi thứ thử thách khó khăn trong cuộc sống".

Có cô bé học trò tên Nguyễn Đặng Hồng Nhung (lớp 10A1) bộc bạch: “Làm sao robot có thể thay cô giáo dạy văn xoa đầu bạn Lâm mà nói Cố gắng lên nhen thằng chó con của cô!”

Dễ thương và ấm áp biết bao! Nếu giáo viên chúng tôi không đủ yêu thương, không truyền năng lượng, không trao trọn niềm tin thì học sinh sẽ ra sao?

Hãy tôn trọng học sinh

Quay trở lại chủ đề "Tai nạn giao thông và ứng xử của học sinh”, những HS lớp 10, 11 đã khiến tôi bất ngờ.

Các con đưa ra gần 30 nguyên nhân khiến tai nạn giao thông gia tăng đột biến.

Các con hào hứng giơ tay, tranh nhau phát biểu. Cuối cùng, lớp phân loại nguyên nhân: Một là do cơ sở vật chất: dù đã được đầu tư nhưng chất lượng đường xá chưa ổn định. Nơi thì tồn tại ổ gà, ổ voi, nơi thì dải phân cách, BOT đặt chưa hợp lý. Thứ 2 là do lỗi ý thức của người tham gia giao thông: Lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, đèn, còi, kính xe bị thiếu hoặc lắp sai quy định. Do người lái xe nghe điện thoại, dùng chất kích thích, chạy lấn tuyến, do tài xế mở cửa xe ôtô tùy tiện, ngủ gật...v.v..

Các con khẳng định: Tai nạn giao thông đang trở thành vấn nạn và nước ta chưa có văn hóa giao thông.

Vậy đó! Trong khi giới hữu trách chưa đưa ra bộ quy tắc ứng xử kịp lúc, khi người lớn ồn ào chỉ trích và vô ý làm sai, thì con cái chúng ta thấy hết mọi nguyên nhân. Ngay cả những điều giáo viên chưa đặt ra, các con cũng am hiểu (như BOT, dải phân cách đặt ở vị trí chưa hợp lý).

Các con nêu ra ví dụ: Tình trạng dừng xe ôtô trên cao tốc tiểu tiện nhìn thiếu mỹ quan chính là do không tìm thấy nhà vệ sinh!

Có những lý do tưởng ngô nghê mà hết sức thiết thực: Dải phân cách và khu vực dành riêng cho người đi bộ - đặc biệt là ở các khu chế xuất, khu công nghiệp,đặt sai chỗ, bất hợp lý nên tình trạng tai nạn là khó tránh khỏi. Bản thân các con hay leo qua dải phân cách khi làn cho người đi bộ quá xa. Và thật lãng phí khi hàng loạt cầu bộ hành trên xa lộ Võ Văn Kiệt - Nguyễn Văn Linh ít bao giờ có.. người đi.

Vậy đó! Học trò không phải luôn là con nít, người trẻ không phải cứ chậm trưởng thành hay hời hợt vô cảm trước các vấn đề thời sự. Vấn đề là do cách xã hội hay nhìn nhận chưa đúng và áp đặt,xem học sinh là trẻ con!

“Những cái ôm động viên sau thất bại” và việc dạy học sinh theo kiễu gõ đầu trẻ, học vẹt theo mẫu, cầm tay chỉ việc đã thực sự lỗi thời!

Chúng ta cần dạy các con biết phản biện hợp lý, biết tranh luận, biết tự giải quyết vấn đề. Ta cần trao niềm tin thật sự cho học sinh chớ không phải đợi đến lúc con thất bại mà xuê xoa cho qua hay ôm ấp vỗ về như trẻ nhỏ.

Giáo dục con em tự đứng lên, tự trưởng thành sau từng thất bại để rút kinh nghiệm làm tốt cho lần sau. Xin đừng đợi có sự kiện gì ta lại “đón trend”tạo trào lưu, hô khẩu hiệu.

Ta hãy yêu thương, trân trọng trong từng việc làm đúng, từng ý tưởng hay để nhân lên những hạt mầm tươi tốt. Và việc kịp thời ngợi khen dù từ những điều nhỏ nhoi ,đơn giản nhất cũng sẽ tiếp lửa,trao niềm tin,tạo động lực cho giới trẻ trưởng thành.

Nguyễn Thị Mai Loan (GV Trường THCS, THPT Đào Duy Anh, quận 6, TP.HCM)

“Muốn con hạnh phúc, bố mẹ hãy tránh sang một bên!”

“Muốn con hạnh phúc, bố mẹ hãy tránh sang một bên!”

Neil deGrasse Tyson, một nhà Vật lý thiên văn, vũ trụ học nổi tiếng người Mỹ cho rằng, cha mẹ hiện đại đang kiểm soát mọi thứ và "điều khiển" con cái lớn lên theo quỹ đạo mà họ kỳ vọng.