Cơ sở để Bộ GD-ĐT "bỏ chấm điểm thường xuyên cho học sinh tiểu học" hướng đến giảm áp lực cho trò, nhưng xem ra quy định vào thực tế khó triển khai vì giáo viên than khổ.

Từ ngày 15/10, các trường tiểu học trên cả nước sẽ tiến hành việc bỏ chấm điểm thường xuyên. Trong khi nhiều trường đang chờ hướng dẫn thực hiện khi không ít nơi đã tiến hành ngay từ tháng 9.

Tại Hà Nội, một giáo viên khối lớp 3 tại quận Đống Đa cho hay: Ngay khi nhận được Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT triển khai việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét với học sinh tiểu học nhà trường đã quán triệt đến từng giáo viên nghiêm túc thực hiện.

{keywords}
Từ 15/10 giáo viên trên cả nước thay vì chấm điểm sẽ nhận xét thường xuyên vào bài vở của học sinh tiểu học. (Ảnh minh họa, Ảnh: Văn Chung)

Thay từ chấm điểm bằng điểm số (định lượng) bằng cách nhận xét (định tính) khiến giáo viên này phải dành thời gian nghỉ trưa sửa, nhận xét bài cho học sinh.

Trước đây, cùng một thời gian cô có thể chấm 2-3 bài cho một học sinh. Nay thời gian cho công việc này của cô tăng lên gấp đôi mới nhận xét xong 1 bài của học sinh. Có khi cô mất 2 ngày để nhận xét xong một đầu vở cho học sinh. Thời gian tự nghiên cứu, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ gần như không còn.

Từ kinh nghiệm 1 năm thực hiện không chấm điểm cho trò lớp 1, một giáo viên khác quận Đống Đa than thở: “Trò không được chấm điểm, cô không giao bài tập về nhà, không nhận xét so sánh, không chê, chỉ khen khiến trò không áp lực.Với học trò có ý thức không sao. Các em không tập trung hoặc học yếu có thể bị tụt lại so với các bạn.

Nhiều phụ huynh bức xúc tới mức xin cô cho cháu một điểm bé xíu bằng bút chì, xem xong họ sẽ xóa nhưng mình không được phép làm vậy”.

Công việc nhận xét cho học sinh cũng chiếm gần trọn buổi tối mỗi khi cô về nhà. Là giáo viên dạy giỏi cấp quận nhưng nhiều khi cô cũng loay hoay, mệt mỏi với cách làm mới này. Ngoài nhận xét trên vở học trò, cô còn phải ghi nhận xét thường xuyên trong sổ của giáo viên,..Dù có con nhỏ học tiểu học song gần như cô không còn thời gian kèm cặp con.

Một hiệu trưởng trường tiểu học tại Hà Nội cho rằng thời điểm đầu tháng 9 Bộ GD-ĐT mới đưa ra thông tư là quá muộn. Bộ cần đưa chủ trương vào khoảng cuối tháng 6, sau đó có các biểu mẫu, hướng dẫn cụ thể cách nhận xét để đến đầu tháng 9 giáo viên triển khai sẽ thuận lợi hơn.

Dự kiến cuối tháng 9, đầu tháng 10 này tất cả các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội sau khi nghiên cứu sẽ tiến hành họp cùng phụ huynh toàn trường để phổ biến việc thay chấm điểm bằng nhận xét thường xuyên với học sinh.

Tại Nghệ An, một giáo viên lớp 2 ở TP.Vinh cho biết tuần vừa rồi cô đã mang bài tập của HS ra để chấm thử theo phương pháp mới, thay vì chấm điểm.

Tranh thủ một tiết trống vào cuối buổi chiều, nhưng cô giáo chỉ kịp nhận xét được phân nửa trong số hơn 40 bài tập môn toán. Bình thường nếu chấm điểm thì ngay ở lớp cô đã có thể chấm khoảng 1/3 số bài tập với các các bài hoàn thành bài sớm. Số còn lại có thể chấm luôn vào các giờ giải lao để kịp trả bài cho HS.

Với cách nhận xét mới, mỗi ngày giáo viên phải mất ít nhất 1 tiếng ngoài giờ để tập trung hoàn thành. Trong khi đó, với chương trình dạy học kín mít hiện nay, giáo viên chỉ có thể sử dụng thời gian ngoài giờ để làm công việc này.

“Nếu chương trình dạy học vẫn quá nặng như hiện tại, sẽ là một áp lực không nhỏ cho giáo viên khi vừa giảng dạy, vừa phải bao quát kỹ lưỡng từng học sinh để có các đánh giá sát sườn” – giáo viên này chia sẻ.

Tại Vĩnh Phúc, hiệu phó một trường tiểu học cho biết đón nhận chủ trương mới này không ít giáo viên vẫn lo lắng. Mục đích không gây áp lực cho học trò là tốt nhưng phần việc của giáo viên có thể tăng gấp 2-3 lần vì nhận xét bài vở cho học sinh cần tỉ mỉ. Sẽ rất khó khi các bài toán, tiếng Việt ở các lớp 3, lớp 4, lớp 5 giáo viên chỉ ghi nhận xét, không cho điểm. Việc ghi nhận xét thế nào cũng phải cân nhắc lời phê để khuyến khích trò cố gắng, không nản chí.

  • Phong Đăng