- Từng là một giáo viên đứng lớp, hai cô giáo Trần Thị Mai Phương và Lê Thị Thu Ngân quyết định nghỉ dạy ở trường sau 8 năm để thành lập một doanh nghiệp giáo dục.
Cô giáo Trần Thị Mai Phương và Lê Thị Thu Ngân |
Mới đây, phần mềm học song ngữ Full Look – sản phẩm của các cô – đã được chọn là một trong 3 công trình xuất sắc nhất trong chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2017.
Full Look là phần mềm học song ngữ, hiện tại đã được thiết kế hoàn thiện cho khối lớp 5. Cô giáo Mai Phương cho biết: “Hiện tại, trên thị trường có một số phần mềm dạy song ngữ tích hợp với nội dung toán và khoa học. Những nội dung như văn, sử, địa, kiến thức đời sống, xã hội Việt Nam thì chưa có. Đó là điểm khác biệt trong phần mềm của chúng tôi. Full Look bao gồm nội dung có 10 môn học và nội dung như toán, văn, khoa học, sử, địa, tiếng Anh… Ngoài ra còn có các nội dung như kỹ năng sống, hiểu biết xã hội”.
Hiểu biết xã hội là một nôi dung mà cô Mai Phương cho là bản sắc riêng của phần mềm này. Ở đây sẽ có những kiến thức về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, phong tục tập quán, người nổi tiếng trong quá khứ và hiện tại.
Một chức năng khác của phần mềm, đó là 3 chế độ hiển thị: tiếng Anh, tiếng Việt và song ngữ. Theo cô Phương, điều này sẽ phù hợp hơn với khả năng ngoại ngữ của học sinh Việt Nam. “Nếu học tích hợp luôn kiến thức các môn thì rất khó để các em tiếp cận. Phần mềm cũng có bộ từ vựng hệ thống chuyên ngành để người dùng làm quen”.
Nội dung của phần mềm được thiết kế dựa trên chương trình 35 tuần của sách giáo khoa, tuy nhiên được chuyển đổi thành các dạng năng lực của người học, có mở rộng kiến thức trong sách giáo khoa và ứng dụng vào đời sống.
Cô giáo Mai Phương và Thu Ngân là hai người đưa ra ý tưởng, thiết kế từ mặt hình thức cho tới nội dung cũng như chỉ đạo sản xuất. Cùng với hai cô là một nhóm chuyên gia trong nước và nước ngoài phụ trách dịch thuật, hiệu đính chương trình theo đúng chuyên ngành của từng người.
Hiện tại, phần mềm Full Look đã được đưa ra thị trường từ hè năm 2017 và đã đến tay học sinh. Mức chi phí cho 2 năm sử dụng phần mềm không phải là lớn với các gia đình ở thành thị, tuy nhiên hai cô giáo vẫn luôn trăn trở và mong muốn nhận được sự đồng hành của các đơn vị để có thể hỗ trợ, tặng phần mềm miễn phí cho học sinh những khu vực khó khăn và phát triển ngành du lịch.
Rời bục giảng để thực hiện những dự án ấp ủ
Sản phẩm Full Look của hai cô giáo là một trong 3 sản phẩm xuất sắc nhất của cuộc thi "Tri thức trẻ vì giáo dục" |
Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội, sau khi ra trường, cô Mai Phương từng trở về quê và dạy ở trường THPT Nguyễn Khuyến, Nam Định. Sau này khi lên Hà Nội học Thạc sĩ, cô cũng từng dạy ở ĐH Dân lập Đông Đô và Trường Quốc tế Việt Úc (Hà Nội).
Chia sẻ về lý do dừng lại việc giảng dạy ở trường để gây dựng và phát triển một doanh nghiệp giáo dục, cô Mai Phương nói: “Từ thời sinh viên, mình đã có rất nhiều ý tưởng về giáo dục. Mình luôn luôn muốn được cống hiến và đưa những ý tưởng đó tới người học. Nhưng việc dạy ở trong nhà trường khiến mình không còn đủ thời gian để thực hiện những dự định đó. Ngoài giờ dạy là họp hành, công tác chủ nhiệm…. rất nhiều vướng bận. Mặc dù vẫn rất yêu thích những công việc đó nhưng mình không đủ thời gian để thực hiện những dự án riêng. Và mình quyết định nghỉ việc để thực hiện những dự án mình đã ấp ủ từ thời sinh viên cho tới bây giờ”.
Sinh năm 1983, cả hai cô giáo đã có 5 năm tìm tòi, thử nghiệm và nỗ lực rất nhiều để cho ra đời sản phẩm đầu tay. “Khó khăn lớn nhất với chúng tôi là vấn đề tài chính. Xuất phát là những giáo viên, chúng tôi không có sự hỗ trợ nào đằng sau, mọi thứ đều phải tự thân vận động để mang lại thành quả bước đầu như ngày hôm nay. Chi phí ban đầu để hoạt động doanh nghiệp là rất lớn, chi phí thuê các chuyên gia không phải là rẻ. Nhiều lúc cũng thấy nản chí, nhưng hai chị em từng bước cố gắng và vượt qua và cũng chưa bao giờ hối tiếc về quyết định của mình” – cô giáo Mai Phương chia sẻ.
Chính vì những khó khăn đó mà khi sản phẩm được Bộ GD-ĐT và Trung ương Đoàn ghi nhận, các cô cảm thấy vô cùng hạnh phúc và tự tin để bước tiếp con đường đang đi mặc dù còn rất nhiều chông gai phía trước.
Mong muốn lớn nhất của các cô bây giờ là nhận được sự đồng hành, đóng góp về mặt ý tưởng cũng như về mặt tài chính của các đơn vị, bộ ngành để nhóm thực hiện sản phẩm có thể hoàn thiện phần mềm cho chương trình học đến hết lớp 12.
Nguyễn Thảo