Là người lính đeo quân hàm xanh nhập ngũ năm 1972, sau trận chiến đấu khốc liệt ngày 17/2/1979, đã 40 năm nhưng với ông Hoàng Như Lý, người dân tộc Tày, chuẩn úy trinh sát Đồn CAVT 209 Pò Hèn (huyện Hải Ninh, nay là TP Móng Cái, Quảng Ninh), sự kiện đó còn in đậm trong tâm khảm.

Ngày đầu xuân mới, dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn, ông lặng lẽ ngồi rất lâu bên 2 tấm bia khắc tên 86 liệt sĩ... Ông cho biết, đây chính nơi diễn ra trận chiến đấu không cân sức của cán bộ chiến sĩ (CBCS) Đồn 209 Pò Hèn. Ở đây, cứ vào ngày 17/2 hằng năm, Đồn Biên phòng Pò Hèn đều tổ chức lễ giỗ chung cho các liệt sĩ.

{keywords}
Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và nhân dân dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn

Nheo mắt chỉ tay về phía chốt đồi Quế, ông Lý cho biết, đó là nơi diễn ra trận chiến đấu khốc liệt nhất. Bên quả đồi thấp là vị trí anh em ở Trạm kiểm soát những buổi tối rút vào và sáng 17/2 có 5 chiến sĩ cùng hy sinh tại đó.

Ông Hoàng Như Lý kể tiếp, Đồn 209 Pò Hèn ngày ấy phụ trách đoạn biên giới Việt-Trung qua 2 xã Pò Hèn và Thán Phún, thuộc huyện Hải Ninh. Người dân hầu hết là người dân tộc Dao, Sán Chỉ, Kinh và Hoa…

Tại Pò Hèn, vào sáng sớm ngày 17/2/1979, nhà cầm quyền Trung Quốc lúc bấy giờ đã xua quân với chiến thuật biển người tràn qua dòng sông Ka Long (con sông phân giới lịch sử) vào Việt Nam.

{keywords}
 Nhân chứng của trận chiến năm 1979, ông Hoàng Như Lý làm lễ tất niên tại Đài tưởng niệm vào chiều 28 Tết vừa qua cho đồng đội đã hy sinh

Đồn 209 Pò Hèn và các chốt đồi Quế, chốt quan sát của đồn, các đội của công nhân Lâm trường Hải Sơn cùng bị đạn pháo và cối bắn cấp tập. Hôm đó, Đồn trưởng Vũ Ngọc Mai đi họp. Đồn phó, trung úy Đỗ Sĩ Họa chỉ huy đã khẩn trương triển khai đội hình chiến đấu theo phương án, trực tiếp phụ trách hướng chính diện.

Ở vị trí chỉ huy, Đỗ Sĩ Họa bình tĩnh quan sát địch. Khi địch ngừng bắn pháo để bộ binh xông lên, Đỗ Sĩ Họa đã dũng cảm, mưu trí chỉ huy đơn vị bẻ gãy nhiều đợt tấn công. Nhưng vì lực lượng quá chênh lệch, đồi Quế đã bị địch chiếm giữ. Đỗ Sĩ Họa đã tổ chức lực lượng tấn công địch, chiếm lại được đồi Quế.

{keywords}
Di ảnh Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đồn phó Đỗ Sĩ Họa

Đồn phó Đỗ Sĩ Họa đã đi tới từng ụ súng, động viên chiến sĩ quyết tâm chiến đấu bảo vệ đồn, bảo vệ Tổ quốc. Nhìn người chỉ huy mặt bê bết máu, ánh mắt rực lửa căm thù, các chiến sĩ vô cùng xúc động, tin tưởng. Cả đơn vị ngoan cường chiến đấu, tiêu diệt 227 tên địch, giữ vững trận địa. Đỗ Sĩ Họa bị thương lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba cho đến lúc anh dũng hy sinh cũng không rời trận địa.

{keywords}
Tượng liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm đặt tại Trường THCS Bình Ngọc, TP Móng Cái, quê hương liệt sĩ

"Ký ức về ngày đó không bao giờ quên, bởi chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ tôi đã mất đi 45 đồng đội, hầu hết đều là các chiến sĩ tuổi 19 đến 23. 

Xúc động nhất là hình ảnh cô Hoàng Thị Hồng Chiêm (25 tuổi, quê Móng Cái), cán bộ thương nghiệp gần đồn, khi xảy ra chiến sự đã không sơ tán mà ở lại đồn chiến đấu cùng người yêu là anh Bùi Văn Lượng (26 tuổi, quê Yên Hưng, Quảng Ninh) và đã anh dũng hy sinh", ông Lý ngậm ngùi kể lại.

"Tôi là con của các liệt sĩ hi sinh ngày 17/2"

Cuộc chiến tranh đã cướp đi tuổi thanh xuân của gần hết quân số đồn biên phòng Pò Hèn năm ấy. Trung úy Đỗ Sĩ Họa (SN 1947, quê Hồng Vân, Ân Thi, Hưng Yên) hy sinh khi mới 32 tuổi.

Trước đó, trung úy Họa từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, lập công xuất sắc, được thưởng Huân chương Chiến công; bị thương, sức khỏe giảm sút song vẫn tình nguyện về biên cương Quảng Ninh nhận nhiệm vụ, được giao là Đồn phó phụ trách quân sự.

{keywords}
Ngày 17/2 hằng năm, Đồn Biên phòng Pò Hèn đều tổ chức lễ giỗ chung cho các liệt sĩ

Cô giáo Đỗ Lan Huệ (SN 1979, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh), cháu ruột liệt sĩ Đồn phó, Anh hùng LLVTND Đỗ Sĩ Họa, lên Đài tưởng niệm Pò Hèn thắp hương dịp 27/7.

Cô lặng lẽ thành kính trước Đài tưởng niệm và 2 tấm bia, trong đó, tấm bia thứ nhất ghi tên 45 CBCS đã hy sinh tại đồn sáng 17/2/1979; tấm bia thứ 2 ghi tên 13 chiến sĩ hy sinh từ 1979 đến 1991 và 28 liệt sĩ là cán bộ, công nhân lâm trường.

Cô giáo Huệ chia sẻ, ngày hi sinh, Đồn phó Đỗ Sĩ Họa chưa có con, trước cuộc chiến đã nhắn nhủ em trai mình, năm nay mà sinh con thì cho nhận 1 cháu để nuôi.

"Tôi luôn tự hào về người cha - bác tôi, đó là động lực để tôi phấn đấu. Tôi là con của các liệt sĩ hy sinh cùng ngày với bác tôi. Máu của các bác, các chú đã tô thắm màu cờ Tổ quốc trên biên giới thân yêu, để bầu trời biên cương mãi mãi là màu xanh bình yên.

{keywords}
Cô giáo Đỗ Lan Huệ ngày sinh nhật lần thứ 40

Các bác, các chú là những tấm gương sáng để soi đường cho các thế hệ trẻ chúng tôi tiếp bước noi theo...", cô giáo Huệ bày tỏ.

Pò Hèn - nơi khí thiêng đã trở thành bất tử hôm nay được biết đến như một bản hùng ca của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới. Ngọn lửa tháng 2 năm ấy còn cháy mãi trong tim bao người.

Tên tuổi của các anh hùng, liệt sĩ đã được khắc ghi tại nơi này để lưu truyền cho đến mãi mai sau, như đôi câu đối khắc ghi trong Khu tưởng niệm: "Anh hùng tuy khuất mảnh gương sử sách vẫn còn nguyên/Dân tộc dõi truyền bia miệng công ơn khôn xiết kể" và "Truyền thống muôn đời tạc tâm can/Công đức nghìn năm ghi bia đá". 

Đồn Biên phòng Pò Hèn đã 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vào tháng 12/1979 và năm 2000. 

Xuân Quảng

Chiến tranh biên giới: Ám ảnh từ đáy giếng chôn 43 xác

Chiến tranh biên giới: Ám ảnh từ đáy giếng chôn 43 xác

 40 năm trôi qua, song ám ảnh về vụ tàn sát 43 người dân trong cuộc chiến tranh biên giới tháng 2/1979 vẫn hằn in trong tâm trí những người ở lại.