Bằng việc thực hiện lệnh ngừng bắn hôm 12/4 do cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan đề xuất, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cuối cùng đã thừa nhận mối lo ngại của cả thế giới về cuộc nội chiến tại Syria.

Dù cho có lệnh ngừng bắn nhưng tình hình ở Syria vẫn rất nguy hiểm

Xung đột đã khiến hơn 9000 người thiệt mạng (theo LHQ), còn các NGO thì nói con số là 11000 người. Chính quyền cũng cho biết 2000 binh sĩ đã thiệt mạng.

Khi xung đột trở thành nội chiến, quân đội sử dụng tới nhiều xe tăng hơn, các vũ khí hạng nặng, các máy bay trực thăng có trang bị hỏa tiễn, súng cối. Hàng chục người dân bỏ chạy khỏi đất nước, đa số tới Thổ Nhĩ Kỳ và phần còn lại tới Li Băng và Jordan.

Tình hình trên thực tế vẫn còn rất bất ổn, khi mà lực lượng quân đội và các vũ khí hạng nặng vẫn triển khai trên khắp đất nước, và chính quyền vẫn muốn phản ứng 'thích đáng' với mọi cuộc tấn công, ngay cả khi ông Assad dường như đã sớm từ bỏ yêu cầu trước đó - là một thư đảm bảo rằng lực lượng nổi dậy sẽ từ bỏ vũ khí trước.

Phe đối lập chính là Quân đội Syria Tự do đã bác bỏ kêu gọi đó, và coi đó là một nỗ lực khác của chính quyền trong việc lảng tránh mọi cam kết nghiêm túc để ngừng bắn.

Theo kế hoạch này, ông Annan đóng vai trò là đặc phái viên của LHQ và Liên đoàn Ả Rập cũng kêu gọi Syria tiến hành đối thoại để giải quyết "mong muốn và lo ngại" của mọi người và yêu cầu có tự do đoàn thể, quyền biểu tình hòa bình và tự do cho các nhà báo.

Can thiệp hay không can thiệp Syria?
Trong khi một số người dân Syria ủng hộ can thiệp của quốc tế, những người khác lại cảnh báo về việc Syria có thể trở thành một Iraq mới.
 

Lúc này, súng ống có thể tạm lắng, nhưng tình hình vẫn còn rất nguy hiểm

Thứ nhất là, Liên đoàn Ả Rập vẫn thấy rằng Nga không hề yêu cầu ông Assad từ chức, trong khi Hội đồng Quốc gia Syria (SNC) có trụ sở đặt tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vẫn coi đây là một điều kiện mặc định. SNC là nhóm đối lập chủ chốt tại Syria.

Thứ hai là Tổng thống có thể tuyên bố ủng hộ cho một lực lượng nào đó - ông đương đầu với Israel, phương Tây và ủng hộ cho lực lượng Hezbollah ở Li Băng, nhưng còn lực lượng đối lập ở trong và ngoài nước lại bị chia rẽ sâu sắc.

Phe cánh người Kurd đã tách khỏi SNC vì mâu thuẫn, và Hội đồng này đã bị chỉ trích vì ảnh hưởng quá lớn từ nhóm Anh em Hồi giáo.

Thêm vào đó, một số quốc gia vùng Vịnh muốn có hành động 'cứng rắn' đối với ông Assad, trong khi Li Băng và Iraq lại không muốn điều này. Dẫu vậy, lệnh ngừng bắn vẫn được hoanh nghênh.

Để tạo đà chính trị ngay sau lệnh ngừng bắn, các cường quốc sẽ phải tham gia tạo điều kiện cho tiến trình chính trị tại Syria. Còn với riêng ông Assad và lãnh đạo của Ba'ath, lệnh ngừng bắn này là cơ hội cuối cùng để thúc đẩy cho một tiến trình như vậy. Nếu thất bại, điều đó cũng có nghĩa là khả năng tránh can thiệp từ bên ngoài vào tình hình Syria là bất khả.

  • Lê Thu (theo Hindu)