- Về thăm Trường Mầm non Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, hơn 100 đại biểu tới từ 23 tỉnh thành phía Bắc đã vô cùng ấn tượng với sự tự tin, nhanh nhẹn của những đứa trẻ vùng cao nơi đây.

{keywords}
Học sinh lớp 5 tuổi ở Trường Mầm non Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Nguyễn Thảo

Trẻ học - cô học - phụ huynh học

Trường Mầm non Thải Giàng Phố là trường thuộc xã đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Hà. Với 7 điểm trường, trong đó 6 điểm lẻ, trường có 14 lớp với 360 trẻ thì có tới 359 trẻ là người dân tộc thiếu số (DTTS). Trẻ em dân tộc Mông chiếm 98% học sinh.

Với đặc điểm kinh tế, xã hội đó, việc những đứa trẻ 3-4 tuổi nói sõi tiếng Việt là điều đáng tự hào của những cô giáo đang đứng lớp ở Thải Giàng Phố.

Cô giáo Đào Linh Ngân về trường đã được 10 năm. Những ngày đầu về trường, cô được phân công dạy lớp 3 tuổi.

“Cô và trò bất đồng ngôn ngữ. Tôi là người Kinh, không biết tiếng Mông. Tên của trẻ cũng khiến tôi khó nhớ. Trẻ cũng không hiểu cô nói gì. Cô hỏi ‘Cháu tên là gì?’, trẻ cũng nói ‘Cháu tên là gì?’. Cô nói cao giọng, trẻ cũng lên cao giọng”.

Do không nói được tiếng Mông những ngày đầu, việc dạy trẻ tiếng Việt càng trở nên khó khăn hơn. “Trừ con em cán bộ, còn lại ở nhà bố mẹ nói 100% tiếng Mông với trẻ” – cô Ngân cho biết.

Để đạt được những thành quả như ngày hôm nay, cô Ngân và các cô giáo của Thải Giàng Phố phải kiên trì từng ngày, mỗi tiết học.

Thực hiện mô hình tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS, ngoài các hoạt động vui chơi, học tập hằng ngày, các cô giáo trường Thải Giàng Phố cho trẻ học thêm 15 phút mỗi ngày. Trong 15 phút ấy, các cô cho trẻ tiếp xúc với 3 từ quen thuộc, sau đó phát triển từ thành câu.

Cô Nguyễn Thị Duyên – hiệu trưởng nhà trường – cho biết, đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số rất bổ ích với giáo viên và có ý nghĩa quan trọng với học sinh. Bởi vì nếu học sinh có vốn tiếng Việt tốt thì sẽ nhận thức tốt được tất cả các hoạt động khác, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt.

Cô Duyên chia sẻ, bố mẹ trẻ hầu hết đã học hết lớp 12, nói được tiếng Việt nhưng do thói quen nên ở nhà vẫn còn nói tiếng mẹ đẻ. Chính vì thế, công việc của các cô giáo không chỉ là dạy tiếng Việt cho trẻ, mà còn phải vận động, tuyên truyền bố mẹ tích cực nói tiếng Việt với con ở nhà.

{keywords}
Học sinh Trường Mầm non Thải Giàng Phố rất tự tin và dạn dĩ trước người lạ. Ảnh: Nguyễn Thảo

Tham gia chuyến tham quan mô hình tăng cường tiếng Việt tại các trường mầm non huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, đại diện các tỉnh miền núi phía Bắc cũng chia sẻ về tình hình và đề xuất cho đề án sau 3 năm thực hiện.

Cô Phan Thị Thu Hằng – Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Văn, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, ngôi trường có 100% giáo viên và học sinh là người dân tộc Tày – cho rằng, mỗi trường, mỗi khu vực vùng cao sẽ có những đặc thù khác nhau.

“Dạy trẻ khó một thì khi trao đổi với phụ huynh khó hơn nhiều lần. Phụ huynh ở khu vực chúng tôi hầu hết đi làm ăn xa, trẻ ở nhà với ông bà”.

“Ở khu vực của chúng tôi, không khó khăn lắm trong việc dạy tiếng Kinh nhưng lại khó khăn trong việc dạy nói chuẩn. Vì dân địa phương vẫn hay nói ngọng, ví dụ như ‘quên’ thì nói thành ‘quyên’, lẫn lộn dấu sắc và dấu ngã. Hay chính bản thân giáo viên là người bản xứ cũng nói ngọng. Vì thế, các cô giáo cũng phải được yêu cầu sửa ngay”.

{keywords}
Cô giáo Hoàng Thị Sử, người Mông, giáo viên Trường Mầm non Thải Giàng Phố trong tiết dạy tiếng Việt cho trẻ. Ảnh: Nguyễn Thảo

Cùng chung khó khăn như các địa phương khác, cô Liễu Thị Dứa – Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Xuân Lễ, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn – chia sẻ, học sinh của cô cũng 100% là người DTTS, nằm ở xã thuộc vùng vùng đặc biệt khó khăn của huyện Cao Lộc với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo là 46,7%.

“Một lớp có thể có học sinh của nhiều dân tộc khác nhau nên ban đầu các cô không thể hiểu trẻ nói gì. Đã có trường hợp ở điểm lẻ, cô giáo phải nhờ học sinh tiểu học sang phiên dịch giúp khi trẻ đòi đi vệ sinh mà cô không hiểu. Trường đã đưa ra giải pháp phân công cả cô giáo biết tiếng dân tộc và cô giáo không biết tiếng vào dạy cùng một lớp”.

Theo cô Dứa, yếu tố cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập rất quan trọng trong việc dạy tiếng Việt cho trẻ. “Khi trẻ được tri giác chữ tiếng Việt thì trẻ sẽ nhớ nhanh hơn. Ở các điểm lẻ, trang thiết bị luôn khó khăn hơn, nên khi tổ chức hoạt động trải nghiệm tiếng Việt bao giờ cũng không thuận lợi bằng điểm chính”.

Khó khăn tìm nguồn kinh phí

{keywords}
Các đại biểu là giáo viên, hiệu trưởng, cán bộ ngành mầm non các tỉnh phía Bắc về dự hội thảo sơ kết 3 năm thực hiện đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số. Ảnh: Nguyễn Thảo

Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS được tổ chức tại tỉnh Lào Cai, một số đại biểu đã có những đề xuất về mặt chính sách.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Bắc Kạn là một tỉnh nghèo, nguồn kinh phí để triển khai đề án tăng cường tiếng Việt hoà vào nguồn ngân sách chung và rất hạn chế”.

“Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch ngân sách hằng năm để thực hiện nhiệm vụ tăng cường tiếng Việt để sang bảo vệ với Sở Tài chính, nhưng quá trình bảo vệ rất khó khăn. Có những lúc xây dựng 10 mà bảo vệ được 1, 2 đã rất quý rồi.

Vị này cho biết, thành công nhất trong 3 năm triển khai đề án tăng cường tiếng Việt là bảo vệ được kinh phí để mở 2 lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc cho giáo viên mầm non và tiểu học. Hiện tại, Sở vẫn tiếp tục đề xuất xin kinh phí nhưng cho đến nay, Sở Tài chính vẫn trả lời là ‘rất khó khăn, đang cố gắng cân đối’. "Đó là một khó khăn mà chúng tôi cảm thấy rất nan giải. Về phía Sở Giáo dục thì chỉ có thể hỗ trợ về mặt chuyên môn”.

Với Lai Châu, phòng mầm non đã tham mưu với tỉnh có những chính sách riêng như: chính sách hỗ trợ nhân viên nấu ăn, chính sách hợp đồng giáo viên để bổ sung những nơi còn thiếu.

Trong năm học này, Lai Châu thiếu 257 giáo viên mầm non, nên chủ yếu chỉ bố trí được 1 cô/ lớp.

{keywords}
Trẻ 5 tuổi hoạt động trong giờ kể chuyện. Ảnh: Nguyễn Thảo 

Tiếp xúc thực tiễn, cô Liễu Thị Dứa (Lạng Sơn) phản ánh, theo nghị định 86, trẻ mẫu giáo, hộ nghèo được miễn giảm học phí, hỗ trợ ăn trưa nhưng trẻ nhà trẻ lại không được nhận hỗ trợ này. “Phụ huynh thấy con mình không được hưởng chế độ ăn trưa thì không đưa con ra lớp nữa, mà chờ đến 3 tuổi. Trong khi việc trẻ ra lớp sớm sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ”.

Ghi nhận các ý kiến, đề xuất tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu và tìm giải pháp quản lý, chỉ đạo chuyên môn nhằm thực hiện đề án một cách hiệu quả hơn.

Thứ trưởng cũng khẳng định: “Việc tăng cường tiếng Việt, trở thành nhiệm vụ quan trọng số một đối với trẻ DTTS trước tuổi đi học tiểu học. Đây là công việc mà chương trình giáo dục mầm non cần phải thực hiện nhằm chuẩn bị cho trẻ học tốt ở chương trình lớp 1 cũng như cho việc học tập suốt đời, tìm kiếm các cơ hội việc làm, hòa nhập với cộng đồng và có đóng góp cho xã hội”.

Clip: Tiết học kể chuyện bằng tiếng Việt của trẻ 5 tuổi ở Trường Mầm non Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai

Theo báo cáo của các địa phương, đến thời điểm tháng 8/2018, có 99,2% trẻ DTTS đến trường được tăng cường tiếng Việt. Số giáo viên mầm non người Kinh dạy trẻ DTTS chiếm 47%, 53% là giáo viên người DTTS.

Tổng số giáo viên mầm non được tập huấn về nội dung, phương pháp tăng cường tiếng Việt đạt 86%. Một số địa phương có biên soạn bổ sung tài liệu phù hợp với vùng miền, văn hoá cộng đồng dân tộc nơi trẻ sinh sống.

Số tổ chức xã hội tham gia tăng cường tiếng Việt cho trẻ ở các địa phương là 3.636 lượt đơn vị. Số cha mẹ được tuyên truyền về tăng cường tiếng Việt cho trẻ là 647.126 lượt cha mẹ. Số nhóm lớp được mua sắm mới trang thiết bị, học liệu về tăng cường tiếng Việt là 29.780 nhóm lớp (đạt 65%). Số nhóm lớp có đủ tài liệu, học liệu tăng cường tiếng Việt đạt 77%.

Nguyễn Thảo