Sự “tiếp sức” của thương mại điện tử xuyên biên giới

Trong những năm gần đây, với sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, doanh số thương mại điện tử bán lẻ có mức tăng trưởng trung bình khoảng 20% trong 10 năm qua, đưa Việt Nam lọt top những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất khu vực và thế giới.

Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thực tế cho thấy, không chỉ các doanh nghiệp lớn, mà các doanh nghiệp vừa nhỏ với sự “tiếp sức” của thương mại điện tử xuyên biên giới đã mở toang cánh cửa để doanh nghiệp đưa thương hiệu ra thế giới.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Báo cáo đánh giá với việc triển khai xuất khẩu như vài năm gần đây của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì kim ngạch xuất khẩu năm 2027 sẽ đạt 5,5 tỷ USD. Nhưng với kịch bản triển khai đồng bộ và mạnh mẽ của cả doanh nghiệp và các bên liên quan, con số này sẽ là 13 tỷ USD vào năm 2027.

Với sự hỗ trợ đắc lực từ thương mại điện tử, xuất khẩu trực tuyến Việt Nam sẽ bước từ giai đoạn khởi động sang giai đoạn cất cánh. Mở ra một cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt.

Ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CVI Pharma chia sẻ, trước đây doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó khăn trong việc tiếp cận thị trường thế giới từ xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác và không đủ nguồn lực để làm việc đó, thì hiện nay doanh nghiệp có cơ hội nhanh chóng và dễ dàng, với một chi phí thấp và có cơ hội để bán sản phẩm của mình đến các khách hàng nước ngoài, trong khi những thủ tục pháp lý… kể cả nhân lực trong lĩnh vực thương mại điện tử phục vụ công tác bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới đều được phía Amazon hỗ trợ.

“Thời điểm này là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp chuyển đổi việc bán hàng đa kênh, xuất khẩu trực tiếp ra thế giới, vì vậy khi tham gia sân chơi này doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận thị trường…,” ông Phan Văn Hiệu nói.

Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng Số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Nguồn nhân lực về thương mại điện tử xuyên biên giới còn chưa đáp ứng được yêu cầu

Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử lớn trên thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là đối với nhiều doanh nghiệp khu vực phía Bắc, bởi nguồn nhân lực về thương mại điện tử xuyên biên giới còn chưa đáp ứng được yêu cầu; Thiếu thông tin về xu hướng các quy định liên quan của thị trường nước ngoài; Các kỹ năng, kiến thức về xây dựng chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu trong thương mại điện tử xuyên biên giới còn hạn chế.

Để hóa giải những bất cập này, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển Thương mại điện tử (Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế Số) cho biết bên cạnh những hoạt động đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy tiêu thụ nội địa các sản phẩm địa phương qua thương mại điện tử, thời gian qua, Cục đã phối hợp với các tỉnh, thành phố triển khai chuỗi các hoạt động liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử, đào tạo nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về thương mại điện tử cho các địa phương, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp Chuyển đổi Số; quảng bá các sản phẩm đặc trưng địa phương trên Sàn Việt và các nền tảng Số.