Covid-19 khiến cho các doanh nghiệp không thể vận hành theo cách thông thường. Hầu hết những công ty nhỏ đều chứng kiến thu nhập sụt giảm khi khách hàng giảm chi tiêu và chỉ tập trung vào nhu cầu cơ bản nhất. Dù vậy, dịch bệnh cũng nảy sinh các cơ hội mới cho những doanh nhân nhanh chóng nắm bắt.
Trong bất kỳ thảm họa nào, dù là dịch bệnh hay thiên tai, địch họa đều đòi hỏi những chủ doanh nghiệp phải tìm ra cơ hội trong sự hỗn loạn. Người nào có thể tìm và tận dụng cơ hội sẽ giảm thiểu nỗi đau cho nhân viên, người tiêu dùng, đối tác, cộng đồng và nhà đầu tư. Bài học rút ra từ các cuộc suy thoái lớn trong quá khứ là trật tự cạnh tranh trong các ngành thay đổi hoàn toàn so với thời kỳ hưng thịnh. Người chiến thắng là những người táo bạo nhất, dám bứt phá khỏi số đông, hành động dũng cảm và khẩn trương.
Thương mại điện tử
Lĩnh vực thương mại điện tử ghi nhận tăng trưởng đột phá trong đại dịch khi phần lớn mọi người tránh di chuyển đến khu vực công cộng. Xu hướng này dẫn đến tăng trưởng của các kênh mua sắm kỹ thuật số do khách hàng yêu thích chúng hơn cửa hàng truyền thống. Đối với các doanh nghiệp hiện hữu, việc mở cửa hàng trực tuyến là một xu thế không thể tránh khỏi. Nó cũng là một cơ hội gia tăng doanh số.
Một biến thể của mua sắm qua mạng đó là khách hàng đặt đơn trực tuyến và nhận hàng tại cửa hàng để tránh tiếp xúc tối đa. Doanh nghiệp cũng có thể tìm kiếm đối tác cung cấp các giải pháp quản lý hàng tồn kho và quản trị dữ liệu nhằm đón đầu tâm lý khách hàng.
Ngay cả khi chưa tính đến chuyện kinh doanh qua mạng, Covid-19 đã cho bạn một lý do để làm như vậy.
Giáo dục trực tuyến
Hầu hết các cơ sở giáo dục đều chuyển sang ứng dụng công cụ dạy – học từ xa để thích ứng với Covid-19. Sinh viên tham dự các lớp học qua mạng trong thời gian không thể đến trường. Sự chuyển dịch này tạo ra nhu cầu cho các ứng dụng học trực tuyến. Doanh nghiệp có thể hợp tác với các cơ sở giáo dục để cung cấp phần mềm quản lý học tập và công cụ học tập trí tuệ nhân tạo.
Khám bệnh từ xa
Nhu cầu khám bệnh từ xa lên cao nhất khi các nước tiến hành phong tỏa, buộc bệnh nhân phải tìm con đường khác để khám chữa bệnh tại nhà. Nghiên cứu cho thấy hầu hết người bệnh đều đón nhận các giải pháp khám bệnh từ xa (telehealth), môt số doanh nghiệp trong lĩnh vực chứng kiến nhu cầu tăng mạnh từ cuối năm 2020. Rất có thể, ngày càng nhiều người chọn khám bệnh từ xa hơn, kể cả sau khi dịch Covid-19 kết thúc, vì đã quen với mô hình y tế hiện đại này.
Nhu cầu khám chữa bệnh từ xa đồng nghĩa với các cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ. Doanh nghiệp nhỏ có thể cung cấp các dịch vụ như hỗ trợ bệnh nhân, quản trị hồ sơ y tế, giải pháp trên nền tảng trí tuệ nhân tạo. Nhu cầu hợp tác gia tăng khi các cơ sở y tế muốn tìm đối tác hỗ trợ phân tích dữ liệu, quản lý bệnh nhân.
Nền tảng thanh toán kỹ thuật số
Khủng hoảng Covid-19 đẩy nhanh việc sử dụng các phương pháp thanh toán số do ít đi lại và giảm tiếp xúc trực tiếp. Khách hàng tuân thủ lời khuyên của các chuyên gia y tế khi thanh toán không tiếp xúc sẽ làm giảm nguy cơ lây bệnh. Các doanh nghiệp đang phát triển nhiều giải pháp thanh toán số toàn diện cho người dùng. Đây là cơ hội tạo ra một nền tảng thanh toán đơn giản, dễ sử dụng để ngay cả những người không thạo công nghệ cũng áp dụng được.
Công cụ liên lạc kỹ thuật số
Hạn chế đi lại buộc nhiều nhà tuyển dụng phải tìm đến các giải pháp kỹ thuật số để liên lạc và giao tiếp với nhân viên. Nhà tuyển dụng ngày càng phụ thuộc vào công cụ họp trực tuyến như Zoom, Microsoft Teams. Việc chuyển đổi sang làm việc từ xa càng kích thích nhu cầu của các ứng dụng văn phòng này.
Doanh nghiệp có thể khai thác cơ hội kinh doanh bằng cách phát triển hoặc hợp tác phát triển ứng dụng cho phép các tổ chức liên lạc theo thời gian thực với nhân viên. Hoặc hỗ trợ các đại lý tiếp thị tương tác với khách hàng bằng công nghệ kỹ thuật số. Ngoài ra, còn có những cơ hội như tổ chức triển lãm ảo, hội chợ ảo hay trình diễn sản phẩm ảo.
Ngành chuyển phát
Nhu cầu dịch vụ giao hàng ăn uống và đồ dùng khác ngày càng cao, đặc biệt với những hàng hóa không có mặt trên các kênh thương mại điện tử phổ biến. Doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội để cung cấp dịch vụ giao hàng trong các lĩnh vực như đồ ăn đã qua chế biến, hàng tạp hóa. Các công ty, đặc biệt là công ty trong lĩnh vực khách sạn, lưu trú, nên bổ sung nó vào danh mục dịch vụ, thay vì dùng dịch vụ bên thứ ba.
Bên cạnh đó, nhu cầu thương mại điện tử tăng vọt cũng làm quá tải năng lực logistics của hầu hết doanh nghiệp. Nó là cơ hội để doanh nhân đưa ra mô hình chuyển phát hay hoàn tất đơn hàng sáng tạo hơn cho khách hàng. Các công ty drone cũng có thể hợp tác với nhiều ngành để mang đến giải pháp vận chuyển an toàn.
Nội dung số
Khi mọi người ở nhà nhiều hơn, nhu cầu giải trí và tiêu thụ nội dung cũng tăng lên, bù đắp cho việc không được gặp mặt bạn bè, người thân. Do đó, nhu cầu với các nội dung streaming, game online hay mạng xã hội tăng mạnh. Doanh nghiệp có thể khai thác bằng cách giới thiệu các ứng dụng mới để chia sẻ nội dung hay liên lạc với người khác qua mạng xã hội; hoặc đầu tư vào nội dung và bán nó cho các nền tảng như Netflix, Amazon Prime Video.
Về game, doanh nghiệp có thể đầu tư vào game trực tuyến khi hầu hết người trẻ đều lên cac trang game để giải trí và kết nối với nhau. Các game nên có nền tảng đám mây để game thủ chơi được trên điện thoại mà không cần mua phần cứng đắt tiền.
Nhiều doanh nhân sáng tạo đã nghĩ ra các mô hình kinh doanh mới để giải quyết nhu cầu quan trọng phát sinh trong đại dịch, chẳng hạn phát triển ứng dụng cảnh báo các khu vực phong tỏa hay phát triển thiết bị chăm sóc sức khỏe giá rẻ. Thách thức đặt ra là làm sao để các ý tưởng trở nên bền vững thời kỳ hậu Covid. Nếu hiểu được khách hàng và tiến hành phân tích thị trường thận trọng, họ hoàn toàn có thể sống sót và tăng trưởng tốt.
Du Lam (Tổng hợp)