Sự kiện 2 mạng xã hội Việt là Gapo và Lotus ra mắt đã thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng trong năm 2019. |
Hai giai đoạn bùng nổ hệ sinh thái sản phẩm Việt
Ngay từ thập niên 2000, thời kỳ của web 2.0, hệ sinh thái các sản phẩm số của Việt Nam đã bắt đầu nở rộ như nấm sau mưa với một loạt sản phẩm từ mạng xã hội (Tamtay, Yume.vn…), giải trí (ClipTV, Nhacso.net, Nhaccuatui…), tìm kiếm (Socbay, Xalo, Baamboo…), thanh toán (Nganluong, Baokim) cho đến các trang thương mại điện tử (Chodientu, Vatgia…). Ngay cả FPT, thời điểm đó cũng đã có một loạt sản phẩm số trong dự án vườn chim Visky, có thể kể đến như Vimua (thương mại điện tử), Vitalk (OTT Mesenger), ViKim, ViMusic… Đây có thể gọi là thế hệ đầu tiên của hệ sinh thái sản phẩm số Việt Nam.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, rất ít cái tên còn tồn tại hay nằm trong suy nghĩ của người dùng, có thể kể đến như các sản phẩm tin tức, quảng cáo của VC Corp, Zing Mp3 (VNG), Nhaccuatui (NCT)… Sự thất bại của các sản phẩm Việt khiến thị trường chủ yếu thuộc về những sản phẩm của nước ngoài.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực Internet và nội dung số, việc thất bại của nhiều sản phẩm trong hệ sinh thái thứ nhất cũng giống như ở nhiều nước, khi hầu hết các công ty dịch vụ bùng nổ và xảy ra bong bóng dotcom, chỉ còn lại những doanh nghiệp có các sản phẩm tốt.
Nguyên nhân thất bại thì có rất nhiều nhưng chủ yếu là do sản phẩm phần lớn là bắt chước lại những sản phẩm lớn trên thế giới, và các công ty quốc tế cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, với tiềm lực tài chính, công nghệ và trải nghiệm người dùng cực tốt, đã lấy hết người dùng Việt Nam như Facebook, Youtube, Yahoo Messenger, Google,...
Từ năm 2010 đến nay - giai đoạn 2 của hệ sinh thái số Việt Nam, có thể nói so với giai đoạn trước, số lượng sản phẩm số “make in Vietnam” ngày càng tăng cả về chất và lượng, đồng thời phủ khắp các lĩnh vực từ thương mại điện tử (Tiki, Sendo), fintech (Momo, VnPay, ZaloPay, Tima…), gọi xe (be), giao vận (Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm…), nhắn tin OTT (Zalo), du lịch (Vntrip, Luxstay…), giáo dục (Topica, Funix, MindX…), hệ điều hành (BOS trên Bphone, VOS trên các điện thoại Vinsmart), phần mềm diệt virus (BKAV, CMC Internet Security), các giải pháp bảo mật của CyRadar, CMC Cyber Security, cho đến mạng xã hội (Gapo, Lotus)… Hệ sinh thái số “make in Vietnam” đã góp phần thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội, giúp người dùng Internet và di động ngày càng tiết kiệm thời gian và công sức.
Bên cạnh việc chuyển dịch sang nền tảng Internet di động với sự bùng nổ của smartphone và mạng 3G, 4G, điều đặc biệt của hệ sinh thái số trong giai đoạn này là sản phẩm “ta” có thể cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm của “tây”, có thể kể đến như Tiki, Sendo (thương mại điện tử), Zalo (nhắn tin OTT, mạng xã hội), Cốc cốc (Trình duyệt, tìm kiếm)...
Bên cạnh đó là sự bùng nổ của các startup Việt Nam phủ sóng ở khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mặc dù Việt Nam vẫn chưa tạo ra một câu chuyện thành công được như Grab hay Shopee, nhưng đã có những ngôi sao tiềm năng. Trong đó có thể kể đến như Sendo mới nhận đầu tư 51 triệu USD, VNLIFE- công ty mẹ của VnPay được cam kết đầu tư 200 triệu USD…
Đánh giá về hệ sinh thái thời kỳ này, vị chuyên gia trong lĩnh vực Internet và nội dung số cho biết, đây là thời kỳ của Internet trên di dộng với sự phổ biến của smartphone và dịch vụ 3G,4G. Sự ra đời của iPhone và Android đã dịch chuyển ngành Internet lên di động, đồng thời định hình lại các ngành theo xu hướng di động.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển bùng nổ của các sản phẩm số, các doanh nghiệp Việt Nam gặp vô vàn thử thách khi phải cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp xuyên biên giới khổng lồ từ Mỹ và Trung Quốc. Ngoài ra, chính sách của Việt Nam chưa theo kịp xu thế, dẫn đến 1 số doanh nghiệp bị chậm lại, thậm chí còn bị bảo hộ ngược. Mặc dù vậy, sự cạnh tranh khốc liệt đó đã tạo ra nhiều mô hình mới, nhiều công ty sáng tạo mới và đặc biệt là người dùng được hưởng lợi nhiều nhất, tạo ra cho Việt Nam một nền công nghiệp ICT đa dạng và trưởng thành.
Vị này cũng cho rằng, bên cạnh việc tạo cơ chế bình đằng, các cơ quan quản lý cần phải hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển các dịch vụ có yếu tố quan trọng như thanh toán, tài chính, nội dung, thông qua việc tạo điều kiện tối đa về vốn, công nghệ và chính sách. “Điều doanh nghiệp Việt Nam thiếu nhất chính là vốn, là môi trường kinh doanh bình đẳng để họ có thể chiến đấu lại với các doanh nghiệp xuyên biên giới nhiều cả tiền lẫn công nghệ”, vị chuyên gia này cho biết thêm.
Cuối năm 2019, Gapo công bố đã đạt khoảng gần 3 triệu thành viên trong đó có khoảng 1 triệu người dùng thường xuyên. |
Sẽ có “luật chơi” chung cho doanh nghiệp nội và ngoại
Bên cạnh sự phát triển bùng nổ của hệ sinh thái số Việt Nam, đầu tháng 9/2018, Bộ TT&TT đã chính thức đưa ra mục tiêu phát triển hệ sinh thái số Việt Nam. Bộ TT&TT cho rằng, phát triển hệ sinh thái số Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Vì vậy, đối với Việt Nam hiện nay, nhiệm vụ đặt ra là phát triển 5 nhóm sản phẩm, dịch vụ. Cụ thể sẽ tập trung vào nhóm sản phẩm, dịch vụ gồm: tìm kiếm thông tin, mạng xã hội, trình duyệt web, hệ điều hành và phần mềm phòng chống mã độc.
Quan điểm của Bộ TT&TT là hệ sinh thái số Việt Nam phải được phát triển và cung cấp bởi doanh nghiệp Việt Nam, hoạt động theo quy luật cung cầu của thị trường. Nhà nước sẽ tạo ra “luật chơi” chung thông qua các cơ chế chính sách thuận lợi để doanh nghiệp nội có thể tạo ra sản phẩm, dịch vụ của hệ sinh thái số. Tuy nhiên, Bộ TT&TT sẽ không làm thay mà chỉ đóng vai trò thúc đẩy, huy động nguồn lực từ xã hội, từ các nhà đầu tư để giúp đỡ cho doanh nghiệp.
Trong số những nhóm sản phẩm này, Việt Nam đã có sẵn những sản phẩm tiêu biểu do các kỹ sư Việt nghiên cứu và phát triển như trình duyệt web (Cốc Cốc, Viettel Secure Browser, Chim lạc – Bkav); hệ điều hành (BOS trên Bphone, VOS trên các điện thoại Vinsmart); phần mềm phòng chống mã độc và các giải pháp về bảo mật của CMC Cyber Security, Viettel, Bkav, CyRadar, FPT, Vsec…
Còn đối với mạng xã hội, nếu như trước đó, chỉ có 2 mạng xã hội lớn thuần Việt là Zalo (VNG) và Mocha (Viettel Media) thì năm 2019 đã chứng kiến sự ra đời của các mạng xã hội Lotus (VC Corp), Gapo (G-Group). Về mục tiêu, trong khi Lotus chia ra các mục tiêu cần phải chinh phục bao gồm 4 triệu người dùng, 20 triệu người dùng và 60 triệu người dùng, Gapo lại đặt tham vọng sẽ có khoảng 50 triệu người dùng vào cuối năm 2021.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV ngày 8/11, Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam không đặt mục tiêu tạo ra mạng xã hội để thay thế mạng xã hội nước ngoài vì mỗi mạng có chức năng riêng, không gian riêng, khách hàng riêng. Việt Nam đã hội nhập, kêu gọi đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chúng ta có một điều kiện, đó là ai vào đây làm ăn đều phải tuân thủ luật pháp và làm cho Việt Nam thịnh vượng. “Các mạng xã hội Việt Nam sẽ song song tồn tại với điều kiện các mạng xã hội nước ngoài phải tuân thủ luật pháp như các mạng trong nước”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Các mạng xã hội của Việt Nam đều do doanh nghiệp tư nhân thực hiện, nhà nước không có nguồn chi phí để thực hiện. Bộ TT&TT đóng vai trò tạo hành lang pháp lý, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời tạo cơ chế bình đằng giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.
2 mạng xã hội nội mới ra mắt trong năm 2019 đều được cam kết đầu tư khủng, với Lotus là 1.200 tỷ, còn Gapo là 500 tỷ đồng |
Các hệ sinh thái số có còn “đất diễn” để phát triển?
Đánh giá về cơ hội phát triển của 5 nhóm sản phẩm số trong hệ sinh thái, vị chuyên gia Internet và nội dung số cho rằng, những vấn đề về hệ điều hành, trình duyệt, tìm kiếm hay mạng xã hội là những bài toán đã được giải cách đây hơn 1 thập kỷ và đã quá hoàn chỉnh. “Chúng ta sẽ rất khó để phát minh lại cái bánh xe hoặc nếu có làm được ít nhất về mặt công nghệ thì cũng phải mất hàng thập kỷ để giải bài toán thay đổi hành vi người sử dụng”, vị chuyên gia này nói.
Thay vào đó, chúng ta hoàn toàn có thể làm được các nền tảng như siêu ứng dụng, mà ở đó chúng ta có thể tận dụng tất cả lợi thế Việt Nam có được để kéo người dùng, thay đổi hành vi của họ. Ví dụ như Indonesia tập trung phát triển siêu ứng dụng Go-jek, Malaysia có Grab, hoặc Trung Quốc có WeChat. Trong một số lĩnh vực như truyền hình OTT thì luật pháp Việt Nam còn có nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho việc tạo ra các siêu ứng dụng thuần Việt.
Cũng theo vị chuyên gia này, chúng ta có thể bắt đầu từ 1 dịch vụ cơ bản và cần thiết như xem truyền hình trên di động, rồi phát triển dần ra những dịch vụ khác khi đã có đủ người dùng, như vậy Việt Nam sẽ dễ dàng xây dựng hệ sinh thái hơn. “Việt Nam đã trải qua giai đoạn web 2.0, giai đoạn Internet mobile, và sắp tới sẽ là giai đoạn của IoT, Big Data/AI, siêu ứng dụng và sự dịch chuyển sang nền kinh tế/xã hội số”, vị chuyên gia này lý giải.
Ông Hà Trung Kiên, CEO mạng xã hội Gapo cho biết, Gapo không phát minh ra bánh xe mới mà chúng tôi tinh chỉnh một bánh xe phù hợp hơn cho người dùng Việt Nam, dựa trên các tiêu chuẩn về văn hóa, tinh thần và thói quen. |
Trái với quan điểm trên, ông Hà Trung Kiên, CEO mạng xã hội Gapo cho biết: “Trước khi ra mắt Gapo ngày 23/7, tôi và các cộng sự đã có thời gian dài nghiên cứu về tốc độ phát triển Internet và nhu cầu dùng mạng xã hội của người Việt. Chính vì thế, Gapo không phát minh ra bánh xe mới mà chúng tôi tinh chỉnh một bánh xe phù hợp hơn cho người dùng Việt Nam, dựa trên các tiêu chuẩn về văn hóa, tinh thần và thói quen”.
Cũng theo ông Kiên, một doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển cần ba yếu tố: Thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Việc Bộ TT&TT ủng hộ sự phát triển hệ sinh thái số Việt Nam, trong đó có mạng xã hội là thiên thời, giúp Gapo có điều kiện thuận lợi để phát triển. Sau gần 6 tháng đi vào hoạt động, Gapo thu hút gần 3 triệu người dùng, con số này chưa lớn nhưng cho thấy tiềm năng đi lên để chạm mốc mục tiêu 50 triệu người dùng vào cuối năm 2021. “Trong đó sự ủng hộ của Bộ TT&TT với những chính sách mới dành cho hệ sinh thái số nói chung, mạng xã hội nói riêng sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình phát triển này của Gapo”, ông Kiên chia sẻ.
Về những khó khăn ông Kiên cho rằng, khó khăn lớn nhất mà mạng xã hội này đang phải đối mặt là thay đổi thói quen của người dùng và tạo dựng cho họ niềm tin về một sản phẩm do người Việt phát triển. Tuy nhiên, ông Kiên khẳng định dù gặp khó khăn nhưng đội ngũ Gapo xác định là điều này không đồng nghĩa với việc không thể chinh phục. Gapo đang nỗ lực kiện toàn bộ máy nhân sự và tối ưu các quy chuẩn để Gapo không chỉ là một mạng xã hội thú vị, hấp dẫn mà còn đáp ứng tiêu chuẩn về văn hóa, tinh thần và pháp luật.