Triển khai 3 mô hình phát triển kinh tế đêm ở Đà Lạt

Được đánh giá hội tụ những điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm, UBND TP Đà Lạt vừa thông tin về định hướng trước mắt tập trung triển khai 3 mô hình phát triển kinh tế đêm trên địa bàn.

Theo đó, 3 mô hình gồm công viên nhạc nước tại Vườn hoa thành phố; tuyến phố đêm tại khu vực Khu Hòa Bình, đường Ba Tháng Hai, Trương Công Định, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Chí Thanh (Phường 1) và tuyến phố ẩm thực tại khu vực hồ Hoàng Văn Thụ, đường Trần Lê (Phường 4).

Trong giai đoạn 2024 - 2030, sẽ hình thành mô hình khu phố đi bộ tại đường Trần Quốc Toản (đoạn từ giao lộ Đinh Tiên Hoàng - Trần Quốc Toản đến Vườn hoa TP. Đà Lạt) với chiều dài khoảng 1.600m; mô hình chợ đêm tại khu vực Công viên Ánh Sáng, phường 1, TP. Đà Lạt; khu vực Công viên mở - nhà triển lãm - đường sách tại Công viên Xuân Hương, phường 3, TP. Đà Lạt; Tổ hợp các khu, điểm du lịch như Thung Lũng Tình Yêu, Đồi Mộng Mơ, Đồi Thống Nhất.

dalatdem.png
Ảnh minh hoạ

Tiếp đó có có thêm mô hình kinh tế ban đêm tương lai như Khu Trung tâm Hòa Bình (phường 1, phường 2, TP. Đà Lạt); Công viên Trần Quốc Toản (phường 10, TP. Đà Lạt); khu dân cư Lữ Gia (phường 9, TP. Đà Lạt); Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm (phường 3, phường 4, TP. Đà Lạt); Khu du lịch hồ Prenn (phường 3, phường 10, phường 11, TP. Đà Lạt); Khu dân cư mới Cam Ly (phường 5, TP. Đà Lạt); Khu phố đi bộ dọc theo suối Cam Ly (phường 5, TP. Đà Lạ

Theo UBND thành phố Đà Lạt, việc phát triển kinh tế ban đêm trên cơ sở phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và văn hóa người Đà Lạt ‘hiền hòa, thanh lịch, mến khách’, với sự tham gia của các nhà đầu tư và cộng đồng dân cư thành phố Đà Lạt.

Mục tiêu đề ra là hình thành, phát triển các mô hình tham quan, mua sắm, giải trí mới lạ vào ban đêm nhằm khai thác, phát huy tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm của địa phương; góp phần tác động tích cực trong việc thay đổi diện mạo ban đêm của TP. Đà Lạt, giảm tải áp lực giao thông cho khu vực trung tâm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, phát triển sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch và người dân; đồng thời, phát triển kinh tế ban đêm nhưng phải hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, việc phát triển kinh tế ban đêm trên cơ sở phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa người Đà Lạt hiền hòa, thanh lịch, mến khách, với sự tham gia của các nhà đầu tư và cộng đồng dân cư TP. Đà Lạt, làm cơ sở để quy hoạch thu hút đầu tư các khu dịch vụ thương mại tập trung, theo chủ đề, có sự liên kết, giao thoa, có tính trọng điểm và quy mô nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, mua sắm, giải trí, ẩm thực về đêm của nhân dân địa phương và du khách.

Hội tụ những điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm

Tháng 8/2023, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch có Quyết định ban hành Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Lâm Đồng là 1 trong 12 địa phương trên cả nước sẽ phối hợp triển khai đề án nhờ hội tụ những điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm.

Hệ sinh thái rừng Lâm Đồng rất đa dạng phong phú trên 600.000 ha, có 2 vườn quốc gia là Bidoup Núi Bà và Cát Tiên; và 1 Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang được UNESCO công nhận. Mặt khác, Lâm Đồng hiện đang sở hữu 2 di sản thế giới là: Không gian văn hoá cồng chiêng của các dân tộc bản địa Lâm Đồng thuộc không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại và Bộ mộc bản triều Nguyễn hiện đang lưu giữ tại Khu biệt điện Trần Lệ Xuân - Đà Lạt được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới (Memory of the World)…

Mặt khác, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có trên 2.500 cơ sở lưu trú du lịch; trong đó, có 457 khách sạn từ 1 - 5 sao, 36 khu, điểm tham quan du lịch được đầu tư và khai thác kinh doanh cùng với hơn 60 điểm tham quan miễn phí khác (các danh thắng tự nhiên, các công trình kiến trúc, cơ sở tôn giáo, làng nghề, làng dân tộc bản địa khảo cổ,…), 51 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành - vận chuyển du lịch, trong đó, có 33 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế. Hàng năm, Lâm Đồng đón trên 7 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Ngoài ra, hạ tầng giao thông tiếp tục được đầu tư phát triển, tăng cường tính kết nối với mạng lưới giao thông trong khu vực. Về đường bộ, các tuyến Quốc lộ 20, Quốc lộ 27, đường tỉnh ĐT.721, 724, 725, đường vành đai, đường đô thị, huyện, xã và giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư. Hiện, tỉnh Lâm Đồng đang tích cực phối hợp các bộ ngành Trung ương và UBND tỉnh Đồng Nai để thực hiện thủ tục đầu tư đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương... tạo điều kiện thông suốt trong giao thông. Đồng thời, hệ thống giao thông công cộng tiếp tục phát triển, rút ngắn thời gian lưu thông, tạo thuận lợi cho người dân và du khách khi tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt - Lâm Đồng. Đường hàng không tiếp tục phát triển, mở mới các đường bay kết nối các tỉnh trong nước và quốc tế.

Với những tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thiên nhiên và văn hóa đặc sắc, Đà Lạt - Lâm Đồng hội đủ các điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm. Không những thế ở đây còn có thể xây dựng xứng tầm trở thành một trong những trung tâm kinh tế đêm của cả nước và khu vực trong tương lai không xa, nếu chúng ta có quyết tâm cao và hành động mạnh mẽ.

Lâm Viên