Ngành cơ khí của Việt Nam trong bối cảnh mới có rất nhiều cơ hội cũng như thách thức cạnh tranh cần phải đối mặt. 

Cơ hội

Nói về cơ hội, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển công nghiệp chế tạo (nằm trong khu vực kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới giai đoạn 2020 - 2040), thuận tiện cho xuất khẩu hàng hóa với các cảng biển lớn. Môi trường chính trị ổn định và môi trường đầu tư liên tục được cải thiện trong thời gian qua.

{keywords}
Cơ hội và thách thức cạnh tranh của doanh nghiệp cơ khí Việt Nam

Phát triển công nghiệp chế tạo, công nghiệp cơ khí, đặc biệt là công nghiệp chế tạo thông minh là một trong những định hướng ưu tiên được Đảng và Chính phủ xác định trong việc xây dựng và thực thi các chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Thị trường nội địa ngày càng được mở rộng nhờ kinh tế trong nước năng động với tốc độ tăng trưởng tương đối cao và ổn định, quy mô nền kinh tế ngày càng lớn, nhu cầu các sản phẩm cơ khí tăng nhanh.

Hiệp định thương mại tự do (FTAs) được ký kết tạo cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm cơ khí mới, có khả năng cạnh tranh như: ô tô, xe máy, tàu thuỷ, máy công cụ, phụ tùng máy móc thiết bị...

Nguồn nhân lực của Việt Nam dồi dào, trẻ với giá thành lao động phù hợp. Người lao động Việt Nam có trình độ chuyên môn và tay nghề khéo léo phù hợp với đặc thù ngành cơ khí nếu được đào tạo bài bản.

Cơ hội thu hút các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào công nghiệp cơ khí đón đầu xu thế chuyển dịch đầu tư công nghiệp và chuỗi cung ứng trên thế giới hiện nay trong bối cảnh căng thẳng thương mại Trung - Mỹ.

Hội nhập là cơ hội thúc đẩy cải cách và đổi mới, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ của lực lượng nghiên cứu khoa học công nghệ và thiết kế trong nước giúp cho doanh nghiệp trong ngành cơ khí nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Thách thức

Việt Nam đã thực hiện hội nhập quốc tế thông qua nhiều Hiệp định thương mại tự do để mở rộng cơ hội thị trường và thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp. Dư địa để can thiệp bằng chính sách vào phát triển công nghiệp cơ khí không còn nhiều do phải tuân thủ các cam kết quốc tế.

Năng lực doanh nghiệp cơ khí Việt Nam hạn chế, khó tận dụng được các cơ hội thị trường khi phải cạnh tranh quyết liệt với các Tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực mạnh và các sản phẩm cơ khí nhập khẩu, đặc biệt là các sản phẩm từ Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực ASEAN.

Môi trường kinh tế vĩ mô vẫn chưa thực sự thuận lợi, lãi suất ngân hàng thường xuyên biến động ở mức cao khiến doanh nghiệp cơ khí khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng. Các yếu tố đầu vào có khuynh hướng tăng giá thành nên rất khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực cơ khí.

Bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp ngành cơ khí trong nước trước áp lực về nguồn lực đầu tư để đổi mới sáng tạo, đột phá về công nghệ và sản xuất.

Khánh Vy