Trong khi thế giới dồn sức để đối phó với tình trạng bất ổn của nền kinh tế toàn cầu và sự tăng trưởng loạng choạng của khu vực kinh tế phát triển thì tình hình tại các nền kinh tế đang phát triển lại ít nhận được sự quan tâm.
Khu vực mới nổi đã bị tác động tiêu cực bởi sự xuống dốc vừa qua của các quốc gia phát triển. Và liệu họ có thể phục hồi bằng chính đôi chân của mình?Biến cố đến từ các nước giàu có
Các nền kinh tế mới nổi lớn đã trở thành cỗ máy tăng trưởng chính của thế giới kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008. Và ở một khía cạnh nào đó họ vẫn giữ vai trò như vậy.
Thế nhưng, sự dẻo dai của khu vực luôn đòi hỏi họ phải khả năng tạo ra được một lượng tổng cầu đủ lớn để thúc đẩy tăng trưởng mà không phải chật vật với những khoản mất mát trong nhu cầu từ các nước phát triển.
Chính tình trạng tăng trưởng kinh tế tiêu cực tại châu Âu và sự xuống dốc của nền kinh tế Mỹ đã tạo ra những mất mát này, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của các nền kinh tế đang phát triển.
Châu Âu là điểm đến xuất khẩu quan trọng của nhiều quốc gia đang phát triển và cũng là thị trường nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc là một thị trường vô cùng quan trọng cho các loại sản phẩm của cả thế giới. Phản ứng dây chuyền từ sự lao đốc của nền kinh tế châu Âu vì thế đã lan nhanh chóng sang phần còn lại của châu Á và thế giới.
Trong khi đó, không chỉ khu vực thương mại của Nhật Bản là dễ bị tổn thương trước sự xuống dốc của nền kinh tế Trung Quốc mà tranh chấp lãnh thổ gần đây cũng đã đặt ra những mối nguy hại cho quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á này. Không những vậy, nền kinh tế Nhật Bản hiện vẫn đang duy trì ở mức yếu bởi khu vực kinh tế phi thương mại lại không phải là cỗ máy tăng trưởng mạnh mẽ của nước này.
Những câu hỏi lớn đặt ra cho thế giới hiện nay là sự đi xuống của nền kinh tế sẽ trầm trọng đến mức nào, sẽ kéo dài bao lâu. Nếu có những chính sách đối phó khôn ngoan thì tác động của cuộc khủng hoảng có lẽ cũng sẽ không quá đáng sợ.
Một trong những đám mây bao phủ lên tương lai ảm đạm của thế giới chính là của ngành tài chính thương mại. Các ngân hàng châu Âu - vẫn được biết đến một nguồn quan trọng cho hoạt động tài chính thương mại - đã thu hẹp chóng mặt do những mất mát từ cuộc khủng hoảng nợ và hoạt động cho vay đầu tư bất động sản. Khoảng trống này có thể làm giảm dòng chảy thương mại cho dù có nhu cầu. Tại châu Á, việc bù đắp vào khoảng trống này với những cơ chế tài chính thay thế trở thành một ưu tiên rất lớn.
Mặc dù hoạt động thương mại của Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào các nền kinh tế phát triển thì chính phủ cũng chấp nhận sự đi xuống trong ngắn hạn hơn là lựa chọn những giải pháp kích thích tăng trưởng có khả năng bóp méo thị trường. Với những những rủi ro liên quan đến bong bóng tài sản tái lạm phát thì có lẽ không ai chào đón một sự nới lỏng tín dụng đáng kể như thời kỳ sau thảm họa 2008.
Giải pháp ứng phó được cho là tốt nhất và phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay là tăng tiêu dùng trong nước bằng cách tăng thu nhập hộ gia đình, thực hiện hiệu quả các chính sách về thu nhập từ tài sản nhà nước và thúc đẩy hệ thống an sinh xã hội của Trung Quốc để giảm tỷ lệ tiết kiệm đang báo động hiện nay.
Không thể không kể đến những cải cách hệ thống quan trọng của Trung Quốc trong đó có kế hoạch chuyển giao lãnh đạo dự kiến là sẽ thực hiện vào tháng 11 tới. Xét về tổng thể thì tốc độ cải cách của Trung Quốc định hướng vào mục tiêu mở rộng thị trường mà nền kinh tế cần để nhanh chóng đạt được những mục tiêu kinh tế và xã hội đầy tham vọng trong 5 năm tới.
Duy trì đông lực tăng trưởng của thế giới
Một số quốc gia đang góp phần trấn an nền kinh tế toàn cầu. Indonesia là một ví dụ. Họ đã có tốc độ tăng trưởng nhanh khi mà niềm tin kinh doanh và tiêu dùng tăng lên nhanh chóng, đầu tư thổi bùng lên mức 33%/ GDP.
Tương tự, tăng trưởng của Brazil trước đó có vẻ ảm đạm nhưng hiện đã hồi phục. Hơn nữa khu vực dân cư nghèo đã ổn định hơn trong khi thất nghiệp thì đang có chiều hướng giảm. Thử thách lớn đến với Brazil là tăng tỷ lệ đầu tư từ mức 18%/ GDP hiện nay lên gần mức 25% bằng cách ổn định mức tăng trưởng nhanh bên cạnh việc đa dạng hóa các loại hình kinh tế.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế tại các nước lớn trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico cũng đã tăng mặc cho những sóng gió đến từ châu Âu và Mỹ. Nhiều quốc gia châu Phi cũng vậy, họ đang cho thế giới thấy được sự hiệu quả của những chính sách kinh tế vĩ mô: tăng trưởng nhanh, ổn định, đa dạng hóa kinh tế và lòng tin của các nhà đầu tư.
Mặc dù vậy, triển vọng của nền kinh tế Ấn Độ vẫn có những bất ổn. Trong khi tăng trưởng gần đây chậm lại từ mức rất cao do ảnh hưởng của kinh tế thế giới, do những yếu kém về công cuộc cải cách và sự sụt giảm lòng tin của nhà đầu tư. Câu hỏi lớn đặt ra là liệu chính phủ nước này có thể vượt qua được những rắc rối nội bộ để đưa ra những giải pháp và những quyết định dứt khoát và nhanh chóng để có thể ổn định lại tình hình kinh tế đất nước.
Kết hợp bức tranh tổng thể với xu hướng phát triển của khu vực đang phát triển: thu nhập tăng, sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu, mở rộng thương mại và dòng đầu tư, hiệp định thương mại tự do, đa phương và sự đóng góp ngày càng tăng trong GDP toàn cầu (gần 50%)- thì thấy đà phát triển của những nền kinh tế này có thể tương đối nhanh trong 1 đến 2 năm nữa.
Dù vậy, cũng phải nói, hầu hết rủi ro có thể ảnh hưởng đến đà phát triển này của khu vực chính là những nền kinh tế quan trọng tại châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Đó có thể là những cơn sốc về nhu cầu từ các nền kinh tế phát triển hay là những thất bại trong quá trình cải cách hệ thống lãnh đạo của Trung Quốc làm cản trở đến công cuộc cải cách hệ thống và ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của nước này.
Mặc dù dự báo tăng trưởng của toàn khu vực phát triển sẽ thấp nhưng những rủi ro hệ thống này có xu hướng sẽ giảm.
Và một khẳng định chắc chắn là ngay cả khi các nền kinh tế phát triển phải trải qua một thời kỳ tăng trưởng èo ọt thì khu vực mới nổi sẽ vẫn là một bộ máy tăng trưởng quan trong của nền kinh tế thế giới.
HungNinh (Theo Guardian)