Những ngày giáp Tết, đặt chân đến ngõ số 20 Phan Đình Phùng (Hà Nội) sẽ thấy phảng phất một không khí rất riêng: Vài ấm nước đua nhau reo sôi trên bếp lửa dọc lối đi, quán trà đầu ngõ của nghệ sĩ Lê Mai toàn những mái đầu bạc phơ ngồi ôn hoài niệm…Và khi bước vào căn nhà của gia đình NSND Lê Khanh, cảm tưởng như Tết đã về từ không gian gọn gàng, ngăn nắp, cùng dáng ngồi tận tụy nhưng bình thản của người phụ nữ gốc Hà thành ấy.


Rảnh 2 tiếng cũng “xoay” ra nồi bánh

Tự nhận mình bị Tết bỏ “bùa mê”, NSND Lê Khanh giải mã niềm cuốn hút sâu thẳm ấy được bắt nguồn từ cha mẹ mình, cặp nghệ sĩ Trần Tiến – Lê Mai. Trong kí ức Lê Khanh, nếu mẹ là người chỉn chu, lúc nào cũng muốn lo cho chồng con có một cái Tết đủ đầy thì chất phong trần, lãng tử của bố luôn bất chợt nhớ ra đã đến lúc phải trở về nhà khi “năm hết Tết đến” và cố “ giành” cho được một “chân” trách nhiệm với gia đình. 

Thế nên, cho đến bây giờ Lê Khanh vẫn học theo cha mẹ, học theo cái nết ăn ở của người xưa để gìn giữ một truyền thống sum vầy bên nhau đón thời khắc chuyển giao sang năm mới.

{keywords}

Năm nào cũng vậy, dù bận bịu đến mấy, NSND Lê Khanh vẫn tự tay chuẩn bị cái Tết thật tươm tất cho gia đình. Đằng sau những tất bật, lo toan như bao người phụ nữ Việt còn là bóng dáng, cốt cách của người phụ nữ Hà Thành lúc nào cũng lúng liếng một niềm yêu thương, tận tụy đến từng chi tiết nhỏ.

 Nhiều người ví chị như một “nhà văn hóa” trong gia đình bởi cái khát khao luôn tìm cách níu giữ, lan tỏa những nét đẹp, giá trị truyền thống cho thế hệ mai sau. Hỏi chuyện, chị gật gù tâm đắc: “Con người Lê Khanh là thế, cổ điển đến mức cực đoan”. Ấy thế mà, trái với sự nền nã, cẩn trọng của vợ, ông xã chị - nhà quay phim Phạm Việt Thanh – lại rất xuề xòa, bụi bặm. Bên chén trà nóng ủ trọn cái lạnh buổi giao thời, anh hào hứng “kể tội” vợ: “Có năm, tôi nhìn vào lịch diễn dày đặc cho đến mãi 30 Tết của vợ thì chắc mẩm kiểu gì cô ấy cũng phải cắt khoản… bánh chưng. Ai ngờ, sau chừng 2 tiếng tôi ra chợ chọn cành đào thì về nhà đã thấy những vuông bánh chưng xanh biếc xếp chồng lên nhau thật gọn ghẽ. Thì ra cô ấy đã xoay xở tất cả để vun vén cho cái Tết của gia đình trọn vẹn”.

Nghệ sĩ Lê Mai từng khoe, trong ba cô con gái vẫn được ngợi ca là “sắc nước hương trời” thì Lê Khanh nấu ăn ngon hơn cả. Bởi thế, cứ đến Tết, ngôi nhà nhỏ của chị rất rộn ràng, nào vợ ra chợ mua hoa, chồng trang trí nhà cửa, con trai giã lá riềng, con gái ngâm gạo rửa lá dong… Vài năm gần đây, phòng khách có diện tích khiêm tốn của gia đình chị biến thành cái “lò” nấu bánh chưng tập thể những ngày giáp Tết. Bạn bè nghệ sĩ, anh chị em cơ quan, bà con lối phố, tất cả đều tìm đến quây quần, thậm chí gửi cả con cháu sang cho chúng học làm bánh chưng “made in Lê Khanh”.

Ngắm chiếc bánh chưng “made in Lê Khanh” được đích thân chủ nhà mang ra mời khách cũng đủ biết tâm huyết của chị gửi vào sâu nặng đến mức nào. Vừa xắt bánh, NSND Lê Khanh vừa dịu dàng giải thích sự khác biệt của bánh chưng Hà Nội với những vùng miền khác. Người Hà Nội ăn lấy hương lấy vị nên bánh không to, không đầy, chỉ manh mảnh, vuông vức hợp mắt.

Thứ gạo nếp ngâm nước là riềng vừa đủ độ khi luộc nhừ sẽ có màu xanh như cốm non bao bọc lấy nhân đỗ xanh tự đãi vỏ, thịt lợn thơm ngon và những gia vị được pha trộn, tẩm ướp theo bí quyết gia truyền rất công phu, tinh tế. “Ngày Tết nhà nào cũng sẽ có bánh chưng nên người tề gia nội trợ phải khéo léo, tính toán làm sao để bánh nhà mình có hương vị riêng khi thưởng thức, có thể mới tự tin mời khách, dễ được lòng khách”, Lê Khanh nói.

Bếp lửa hồng cời than ba góc

“Tết đến, cảm tưởng rằng, khát khao về sự đủ đầy, sung túc dồn hết vào ánh mắt con người ngắm nghía chiếc bánh chưng, con gà luộc vàng ươm cài bông hoa thật khéo hay cây giò lụa chắc nịch trên tay…”, chị cười, đôi mắt cũng cười. Lê Khanh hồi tưởng lại những cái Tết tuổi thơ nghèo khó, chị gái Lê Vân phải nhận công việc dán hộp mứt về cho ba chị em cùng làm để kiếm thêm chút tiền sắm Tết. 

{keywords}

Mẹ bận bịu công tác, mấy chị em vẫn tự lo được nồi bánh chưng ngon không thua gì mẹ. “Mình vẫn nhớ như in, dưới cái rét cắt da cắt thịt, chị Lê Vân vẫn ngồi vo gạo, Lê Khanh rửa lá dong còn Lê Vy lăng xăng giúp việc vặt, bố thì bổ củi ngoài sân… Rồi mấy bố con tự tay trang trí nhà cửa, thỉnh thoảng đánh điện cho mẹ báo đã làm được cái này cái kia. Nghe thì tội, nhưng đó là cảm giác ấm áp, hạnh phúc của gia đình và những giá trị thiêng liêng ngày Tết khó có gì mua được, mà tới bây giờ Lê Khanh vẫn còn nhớ mãi”.

“Khái niệm phong tục cổ truyền hay bản sắc văn hóa đối với trẻ con là quá lớn. Dù chúng ta không thể gò ép được cảm xúc nhất thời cho con trẻ nhưng phải là người gìn giữ, lan tỏa những giá trị ấy”, NSND Lê Khanh tâm sự. 

{keywords}
Gia đình NSND Lê Khanh

Chị thổ lộ rất thật lòng, con cái mình cũng như bao đứa trẻ thành thị bây giờ, ham chơi cùng bạn bè hoặc muốn có không gian riêng nên chẳng mấy mặn mà với những phong tục, bản sắc. Có điều, cứ phải “ép” khéo, dạy khéo bằng cách sai vặt việc nọ việc kia. Nghĩ thế nên nhiều khi chỉ nghe con tranh công việc với khách “Cái này cháu làm chứ không phải chị cháu đâu” là chị đã “mở cờ trong bụng”.

Trong câu chuyện cuối năm, ánh mắt người đàn bà đẹp ấy chợt rưng rưng khi kể cho chúng tôi nghe về bếp lửa tuổi thơ. Mỗi khi Tết đến, ngoài nồi bánh chưng sôi lúc búc tỏa hương thơm nồng ấm, bếp lửa ấy còn được cời than ra ba góc: Một góc để trẻ con vùi khoai sắn, một góc bố đặt chảo say sưa rang cà phê, góc còn lại mẹ đặt nồi nước lá mùi già để sau khi hoàn tất những công việc cuối cùng của năm cũ, cả nhà sẽ tắm gội cầu mong một năm mới bình an, yên ấm. 

Khóe mắt chị không ngăn nổi những giọt nước mặt, chị cười bảo: “Nghĩ đến những mùi hương ngày xưa cùng nhau hòa quyện trong rét mướt, nghèo khó bỗng dưng cay mắt”. Hình ảnh ấy đọng lại trong chúng tôi ấn tượng thật khó phai nhòa. Cảm giác rằng, người phụ nữ Hà Thành tài sắc, mẫu mực ấy cũng như một bếp lửa hồng được cời than ba góc: góc dành cho gia đình, góc vui cùng bạn bè và một góc rất riêng với những khát khao, vun đắp và níu giữ âm thầm.

Theo Gia đình và xã hội