“Cấm tiệt” trẻ sử dụng công nghệ có thể phản tác dụng |
Năm 2015, Đài Loan khiến thế giới sửng sốt khi ban lệnh cấm trẻ từ 2 tuổi trở xuống sử dụng bất kỳ hình thức công nghệ nào. Trẻ lớn hơn cũng bị hạn chế chặt chẽ, chỉ được dùng thiết bị điện tử trong một khoảng thời gian “hợp lý”, song “hợp lý” là bao lâu thì nhà chức trách không nói rõ. Phụ huynh sẽ bị phạt nặng nếu vi phạm quy định mới.
Trẻ em khắp thế giới đều được tiếp cận công nghệ từ sớm. Điều này gây lo lắng cho nhiều người. Chính phủ và các tổ chức vận động đều nỗ lực để trẻ không phụ thuộc, lạm dụng thiết bị điện tử. Thậm chí, năm 2014, một số thành phố Nhật Bản còn cấm trẻ dùng smartphone, di động sau 9 giờ tối.
Những biện pháp nói trên đều xuất phát từ ý tưởng công nghệ có hại cho trẻ. Cấm chúng tiếp cận công nghệ sẽ giúp chúng lớn lên hạnh phúc và khỏe mạnh, không bị bắt nạt qua mạng, không bị béo phì, không gặp các vấn đề sức khỏe tinh thần…
Sức khỏe và hạnh phúc của trẻ đương nhiên là mong muốn của tất cả mọi người. Song, xóa bỏ công nghệ khỏi cuộc sống của chúng không phải phép màu hiện thực hóa được mong muốn đó. Trẻ em có thể nhỏ nhưng không có nghĩa cuộc sống của chúng đơn giản. Có nhiều yếu tố dẫn đến trẻ bị bắt nạt, cũng như nhiều yếu tố khiến trẻ béo phì.
Công nghệ đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại. Bản thân nó cũng mang đến nhiều lợi ích. “Cấm tiệt” trẻ sử dụng công nghệ có thể phản tác dụng.
Các trường học ngày càng dựa vào công nghệ trong giảng dạy, giúp trẻ học tập và khám phá thế giới thông qua hình thức sinh động hơn. Nếu trẻ không được tiếp cận công nghệ, cơ hội học hỏi của trẻ về lâu dài cũng bị tước mất.
Chẳng hạn, những đứa trẻ không biết sử dụng smartphone, máy tính làm thế nào để trang bị kỹ năng tìm kiếm, sắp xếp và tổ chức ý tưởng khi lớn lên, lao vào thị trường việc làm. Trong thời đại này, thiết bị điện tử cũng tương tự như bút và sách vở của học sinh trước đây.
Ngoài ra, khi cấm trẻ dùng công nghệ, người lớn phải gánh thêm nghĩa vụ giám sát. Nó có thể gửi đến cho trẻ thông điệp rằng chúng không đáng tin, gia tăng sức ép lên mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái, thầy cô và học sinh, ảnh hưởng đến sự tự trọng, tự tin và hạnh phúc của trẻ.
Công nghệ sẽ không biến mất mà ngược lại còn phát triển hơn và tích hợp sâu hơn với cuộc sống của chúng ta. Nhốt trẻ trong một tòa tháp nói không với công nghệ cho tới khi chúng trưởng thành không phải là câu trả lời. Vì sao người lớn không hướng dẫn trẻ sử dụng công nghệ đúng đắn, có trách nhiệm, bổ ích thay vì cấm đoán?
Điều đó không đồng nghĩa phụ huynh phải gật gù đồng ý với tất cả những quảng cáo mà nhà sản xuất đưa ra. Chúng ta nên áp dụng cách tiếp cận cân bằng giữa lợi ích và tác hại của công nghệ, giúp trẻ khai thác những mặt lợi và tránh xa những điều xấu. Một phần của cách tiếp cận này chính là nhìn công nghệ từ góc độ của trẻ để hiểu chúng nhìn thấy giá trị gì trong công nghệ và nó khớp với mục tiêu riêng của chúng như thế nào trong quá trình lớn lên.
Chẳng hạn, các game và ứng dụng cho trẻ có tính tương tác cao, mang đến cơ hội học hỏi nhiều hơn là các hoạt động thụ động như xem tivi. Song, chúng lại là nguy cơ nếu trẻ chơi quá nhiều, dẫn đến nghiện game. Chìa khóa ở đây chính là sự điều độ. Cũng như thức ăn của chúng ta, loại và chất lượng của công nghệ là quan trọng nhất. Hãy lựa chọn cẩn thận các chương trình mà trẻ “tiêu thụ” qua máy tính bảng, smartphone, máy tính.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng phải kiểm soát được việc sử dụng công nghệ trong gia đình để những lời phàn nàn về thói quen dùng thiết bị của con cái không diễn ra hàng ngày. Nhiều gia đình đã tìm ra chiến lược riêng, phù hợp với tất cả thành viên.
Cấm công nghệ xuất phát từ mong muốn tốt cho con của mình, song tốt hơn chính là học cách sống chung với công nghệ. Bằng cách này, trẻ sẽ tận hưởng được những lợi ích và cơ hội mà công nghệ mang lại, đồng thời không trở thành “nô lệ” của công nghệ.
Du Lam (Tổng hợp)
Tôi giúp con “cắt” cơn nghiện màn hình chỉ sau vài ngày
Chia sẻ của một bà mẹ Mỹ về phương pháp 7 bước cai nghiện màn hình cho trẻ có thể giải tỏa tâm lý cho các phụ huynh đang “đau đầu” vì con.