- Góp ý cho đề tài cấp nhà nước về công tác nhân tài, GS Hoàng Chí Bảo thẳng thắn "người lãnh đạo phải có sự bao dung trong sử dụng trí thức, biết chấp nhận mọi sự khác biệt, miễn là không trái với lợi ích chung".
Ban Tổ chức Trung ương Đảng sáng nay đã tổ chức hội thảo về công tác nhân tài, tập hợp ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu. Nhiều câu hỏi ngỏ đã được đặt ra, như khái niệm nhân tài, bất cập trong chính sách sử dụng nhân tài, bài học của các nước như Trung Quốc, Singapore có ích gì cho Việt Nam... Theo các diễn giả, quan trọng không chỉ là nhận diện và phát hiện nhân tài mà là lãnh đạo có biết nhìn nhận và có dám sử dụng người tài.
Sử dụng, không trọng dụng
Theo phân tích của GS Hoàng Chí Bảo, việc sử dụng người tài không chỉ là dùng mà phải là đặt niềm tin. Như tâm sự của trợ lý một vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, tuy gắn bó với vị lãnh đạo nhiều năm nhưng ông chỉ được sử dụng chứ không được trọng dụng.
Nguyên Trưởng Ban Tổ chức TƯ Hồ Đức Việt: Không phải hiền tài thì khó sử dụng người tài. Ảnh: Lê Nhung |
GS Dương Phú Hiệp (nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận TƯ) chia sẻ, người tài nếu không được tôn vinh và trọng dụng xứng đáng thì sẽ dễ dứt áo ra đi. Những tranh luận gần đây quanh vấn đề trí thức hèn hay không hèn cũng liên quan đến việc họ được trọng dụng thỏa đáng hay bị hắt hủi.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Vũ Ngọc Hoàng bổ sung, những trí thức chân chính không phải là những kẻ cơ hội. Thậm chí, những người tài, có tầm nhìn đi trước và dự đoán được các xu hướng phát triển lại thường là những người luôn phải chịu đơn độc bởi sự đố kỵ, ghen ghét, quy chụp.
"Chọn người ngồi cùng chiếu với mình trong một cơ quan, đơn vị thì lãnh đạo cũng ngại phải chọn những người cãi giỏi hơn mình", ông Hoàng nói.
Như giải thích của bà Vũ Thị Mai trong tham luận gửi đến hội thảo, rất nhiều trường hợp những người không được đào tạo bài bản, thiếu kinh nghiệm, yếu kém về chuyên môn lại được cất nhắc làm quan. "Đến lượt những người này không thích dùng người tài giỏi hơn mình. Họ hay dùng sức mạnh của quyền lực để gây áp lực với người khác", bà Mai phân tích.
Thậm chí, trong nhiều trường hợp, người tài không có đất dụng võ vì lãnh đạo chỉ bổ nhiệm con cháu, họ hàng, dòng tộc. Theo nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng Trần Đình Huỳnh, "cách dùng người như vậy đã làm nản lòng những người thực tài".
Lãnh đạo phải thực tâm
Kết lại bài phân tích, mổ xẻ rất công phu về khái niệm nhân tài, GS Tạ Ngọc Tấn (Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) chỉ rút ra một điều, với người tài, ngoài chính sách đãi ngộ còn là chính sách ứng xử.
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Phải chiến đấu loại bỏ thói quy chụp. Ảnh: Lê Nhung |
Theo khảo sát của PGS.TS Đỗ Minh Cương (Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương) về chính sách "trải thảm đỏ" ở một số tỉnh thành, thì khâu khó nhất là sử dụng nhân tài. Nhiều cán bộ làm công tác tổ chức đều đồng tình với việc các cơ quan rất có nhu cầu giữ chân người tài. Nhưng, cũng có tỷ lệ không nhỏ cho rằng với quy định hiện nay, không cần thiết phải sử dụng người tài.
Khảo sát cũng chỉ ra, một trong các nguyên nhân khiến nhiều cơ quan nhà nước không sử dụng được người tài là khi xảy ra mâu thuẫn, xung đột thì người tài thường ra đi vì họ chỉ là thiểu số, vì tính cách thẳng thắn, cứng rắn và cũng vì họ có cơ hội kiếm nhiều công việc khác.
Trong rất nhiều tỉnh thành trải thảm đỏ mời gọi, chỉ Đà Nẵng thu hút được nhiều trí thức chất lượng cao vì ngoài việc kêu gọi, tuyển dụng, họ đã sử dụng, bố trí cán bộ đúng người, đúng việc. Đặc biệt, lãnh đạo thực tâm và chu đáo hơn các nơi khác. Khi cần chính sách đặc biệt như cấp nhà, đất thì Bí thư Thành ủy dám quyết và quyết nhanh, dám chịu trách nhiệm.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu khẳng định, mọi chính sách đều phải xuất phát từ việc đánh giá đúng giá trị người tài, không mặc cảm, đố kỵ với những cá tính khác thường hoặc những lời nói trái tai.
"Muốn quy tụ, sử dụng được người tài thì người lãnh đạo phải là người tài và phải đặt cái tâm lên hàng đầu", ông Thu nói.
Như lời bình của Nguyên Trưởng Ban Tổ chức TƯ Hồ Đức Việt, "nếu không phải là người hiền tài thì khó có thể sử dụng người tài".
Các diễn giả cũng gợi mở nhiều vấn đề khác nhằm xây dựng cơ chế, chính sách trọng dụng hiền tài. Nhưng để chiến lược có tính thực tiễn, cần thay đổi từ tư duy những người lãnh đạo.
Nói như ông Vũ Ngọc Hoàng, đừng
bàn chuyện chiêu dụ thế nào để bắt được sư tử mà phải mở ra những cánh rừng cho
sư tử được tung hoành. Nếu không, sẽ không bắt được sư tử mà chỉ săn nhầm những con thú khác.
Lê Nhung