- Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia năm nay – một kỳ thi có nhiều điểm mới, nhưng câu chuyện được bàn tới nhiều nhất lại là xung quanh một hình ảnh đã tồn tại nhiều năm nay – “hàng rào sống” phân làn trước cổng các điểm thi.

{keywords}

"Hàng rào sống" trước cổng trường ĐH Thủy Lợi. Ảnh: Facebook

Nhiệt huyết hay ngu ngốc?

Hình ảnh sinh viên tình nguyện đứng thành hàng làm “hàng rào” phân làn trước các điểm thi để tránh tình trạng ách tắc khi phụ huynh đến đón thí sinh khi mỗi môn thi kết thúc đã bị “mổ xẻ” trên các mạng xã hội, diễn đàn. Nhiều người cho rằng đây là một việc làm nguy hiểm, tự đày ải mình mà không mang lại hiệu quả cao.

Nhóm người phản đối nêu ý kiến: tại sao không dùng dây thừng, dải phân cách di động hoặc những hình thức khác để phân làn giao thông thay vì hàng chục sinh viên dàn hàng đứng giữa đường đông đúc giữa cái nắng 40 đô C. Nặng nề hơn, một bộ phận cho rằng đây là một hành động “ngu ngốc” của những người trẻ được cho là có học hành, những sinh viên đại học có tri thức.

Một người dân ở Q. Thủ Đức, TP.HCM chia sẻ với báo Thanh Niên: “Giữa trời nắng như đổ lửa, nhìn các cháu tình nguyện viên trong trang phục áo xanh đứng dàn hàng ngay trước cửa nhà, tôi thấy rất thương. Thế nhưng, tôi không đồng tình với việc làm của các cháu vì đoạn đường này nhiều xe tải trọng lớn qua lại. Tôi thấy không an toàn cho các cháu”.

Khác với quan điểm của các bạn cùng lứa, Lê Văn Kha (sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, là người thường xuyên tham gia những hoạt động thiện nguyện cùng gia đình) nêu suy nghĩ: “Theo tôi, nên hạn chế tối đa chuyện tình nguyện viên làm dải phân cách sống, vì nó rất nguy hiểm. Hình ảnh đó quả là có đẹp nhưng nét đẹp ở đây không nên gắn chung với sự nguy hiểm. Làm như vậy, SVTN có khi gây ra tai nạn cho chính bản thân mình”.

Cần nhiệt huyết một cách tỉnh táo

Đáp lại luồng ý kiến phản đối "hàng rào sống", một nam tình nguyện viên – người tham gia trực tiếp công tác tiếp sức mùa thi năm nay – đã lên tiếng trên trang Facebook cá nhân của mình.

Cậu nói rằng: việc đứng làm “hàng rào sống” dưới cái nắng như đổ lửa của Hà Nội là phản khoa học, là không nên, nhưng đó là cách khả dĩ nhất mà sinh viên tình nguyện có thể làm để đảm bảo giao thông thông suốt trong khi họ không có tiền mua hàng rào di động và ý thức người dân quá kém, chỉ có người là không dám đâm.

Bên cạnh đó, có những ý kiến “vơ đũa cả nắm”, chỉ trích hầu hết công tác tình nguyện của sinh viên từ trước tới nay, cho rằng “hình thức”, “hiệu quả thấp”… và khuyên các em nên dành thời gian cho những công việc tình nguyện đòi hỏi tư duy, phù hợp với trình độ và kiến thức mà các em tốn công học hành để có được.

{keywords}
Nam sinh này trong một chiến dịch tiếp sức mùa thi. Ảnh: Tri Thức Trẻ

Về vấn đề này, một độc giả báo Nhịp Cầu Thế Giới – người đã có cơ hội đi tình nguyện ở một số quốc gia khác - có một số chia sẻ.  

Một mặt, độc giả này cho rằng dư luận không nên chỉ trích công việc tình nguyện của những người trẻ - những người đang tràn đầy bầu nhiệt huyết với cuộc sống, với xã hội, những người được phép sai lầm để học được từ những sai lầm đó. Công việc của họ, dù rất nhỏ, dù chưa thực sự hiệu quả đều đáng quý và đáng trân trọng.

Chị cho biết, công tác tình nguyện ở một số nước “cũng hoạt động chân tay cả thôi, nhưng thường mang tính chất một dạng đi “thực hành” về một chủ đề nào đó (ví dụ ai học ngành kiến trúc có thể ra công trường phục chế một bức tường thành cổ)”.

Chị cũng chia sẻ rằng còn có rất nhiều kiểu tình nguyện khác như giúp đỡ việc nhà cho người già neo đơn, vận động xin tiền cho các quỹ… Và chị cho rằng nếu nói tình nguyện viên Việt Nam xin tiền ủng hộ như ăn xin thì tình nguyện viên ở các nước còn đứng giữa đường, đeo bám từng người qua đường để xin vài phút nói chuyện về các quỹ, còn “thảm” hơn ở ta nhiều.

Tuy nhiên, chị cũng nêu một thực tế: tình nguyện viên ở nước ngoài có vẻ quý tính mạng mình hơn. Họ có trang bị đầy đủ đội cứu thương, cứu hỏa chờ sẵn…, những việc gì nguy hiểm thì người ăn lương và chuyên trách đứng ra làm, tình nguyện viên chỉ làm những việc an toàn hơn.

Đặc biệt, nếu làm từ thiện bằng tiền của sẽ được nhà nước bồi hoàn lại 75%, trừ ngược vào thuế thu nhập. Làm hoạt động xã hội, tình nguyện nếu số giờ lớn sẽ tính phần trăm (%) vào năm hưu trí. Điều này cho thấy quan điểm của nhà nước là nhân dân không phải tham gia từ thiện bằng tiền túi, không làm hoạt động xã hội mà không được ghi nhận, mà nếu muốn làm thì nhà nước sẽ hỗ trợ, sẽ đền bù phần nào.

Độc giả này kết luận: điều cần thiết ở đây là việc tổ chức hoạt động tình nguyện sao cho hiệu quả hơn, thực chất hơn, tránh rủi ro, đảm bảo an toàn cho các em (trước mắt rút ngắn thời gian, luân phiên, giảm người...). Người tham gia giao thông cũng nên có ý thức hơn, chứ đừng chen nhau ngoài đường rồi về nhà lướt Facebook chỉ trích "các em dại".

  • Nguyễn Thảo (tổng hợp)