Nền công nghiệp game đã và đang đi trên một con đường phát triển vượt bậc so với những thập kỷ vừa qua. Việc các mạng xã hội thi nhau phát triển đã thúc đẩy việc đa dạng hóa các nhu cầu giải trí. Đây chính là điểm tựa cho ngành công nghiệp game phát triển.

Tuy nhiên phát triển nhanh quá thì sẽ gặp vấn đề là điều tất yếu. Việc phát triển một cách chóng mặt của ngành công nghiệp game đã dẫn đến một vấn đề tiềm ẩn cách đây khá lâu, đó chính là việc crack, cheat, mod, hay gọi tắt là nạn vi phạm bản quyền. 

Thật ra thì việc vi phạm bản quyền đã xảy ra từ rất lâu mà chẳng mấy ai để ý, vì trước đó game không phát triển như bây giờ. Đến thời điểm hiện tại, khi mà khái niệm game đã được thương mại hóa hơn trước, thì vấn nạn này mới thật sự nhức nhói.

Đầu tiên phải xét đến việc tại sao lại xuất hiện nạn crack. Lý do có lẽ không gì khác ngoài tiền, không phải ai cũng có đủ khả năng để chi trả một khoản tiền cho tựa game mình yêu thích. Tựa game “God of War 4” vừa ra mắt năm 2018 có giá ở Việt Nam dao động khoảng 700.000 đến 1.000.000 VND, nó không hề là một con số nhỏ kể cả khi bạn là một dân chơi. Nhất là khi hiện nay các công ty game đã bỏ dần thói quen phát hành kèm một bản demo chơi thử cho các sản phẩm của mình. Liệu bạn có dám bỏ một khoảng tiền lớn ra để mua một tựa game mà những gì bạn biết về nó chỉ có trên những sản phẩm quảng cáo?

Thêm nữa, vấn nạn về DLC hiện nay cũng là một vấn đề nhức nhói cho các game thủ. Không ai có thể chắc chắn rằng việc bạn bỏ 700.000 VND ra để mua game rồi thì có thể chơi một cách…bình thường. Biết đâu khi bạn vét hết tiền túi ra để mua một tựa game mình thích, rồi sau đó nó lại bắt buộc phải mua thêm một mớ DLC nữa mới có thể…kích hoạt game?? Đó chính là những lý do khiến không ít số game thủ không có điều kiện phải đắn đo suy nghĩ rất nhiều.

Hiện nay Steam đã có chính sách hoàn tiền nếu bạn trả game không chơi nữa, nhưng với số giờ chơi quy định. Đây cũng là một biện pháp tốt để vừa giải quyết được vấn đề trên, vừa hạn chế game thủ sử dụng crack. Nhưng cần phải nhấn mạnh là không phải game nào cũng có trên Steam. Nhất là khi hiện nay các ông lớn cũng đã dần có nền tảng riêng cho mình.

Và tất nhiên, có cầu thì sẽ có cung, nạn crack game ra đời tràn lan trên thị trường. Điều đáng nói là crack game như vậy có phá hủy nền công nghiệp game hiện tại hay không? Câu trả lời là không! Có thể nhiều người sẽ há hốc mồm khi biết câu trả lời đó, nhưng thật sự nó là như vậy.

Ví dụ như bạn vô tình tìm được một bản crack của Skyrim. Bạn chơi Skyrim trong một vài giờ và cảm thấy thích thú về nó. Sau đó bạn hoàn toàn có thể mua nó một cách chính thống để ủng hộ nhà làm game. Nên nhớ việc mua và trải nghiệm game sẽ trở nên thú vị và ý nghĩa hơn nhiều việc bạn chơi nó miễn phí. Đối với một game thủ chân chính họ sẽ luôn làm như vậy.

Tất nhiên những tựa game có bản open-beta sẽ không bao giờ bị crack hay cheat. Đơn cử ở đây là Battlefront và Rainbow Six Siege. Vậy quan điểm ở đây là gì? Muốn không bị crack thì các nhà làm game nên hạn chế bớt việc lạm dụng DLC để móc túi khách hàng đi. Thay vào đó là phát hành những bản demo để game thủ có thể trải nghiệm được phần nào đó của trò chơi, sau đó mới quyết định có mua nó hay không.

Thật sự thì sẽ không ai mua một đĩa game về với giá 700.000 VND mà có khi bạn sẽ không thích nó. Nói cách khác, việc crack game về một khía cạnh nào đó có thể nói là đang thay mặt các công ty quảng bá game cho chính họ. Những ai lạm dụng bản crack để mong chờ việc chơi full một bản game thì thật sự bây giờ có đưa 700.000 VND đi nữa chưa chắc họ sẽ bỏ số tiền đó để mua God of War. Vì vậy, nói việc vi phạm bản quyền đã phá hủy nền công nghiệp game không đúng hoàn toàn. Ngược lại, nó còn góp phần thúc đẩy nhu cầu của nhiều game thủ chân chính hơn nữa.

Theo GameK