- Nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương nhìn lại một năm triển khai Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng".

Sau một năm thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", ông thấy kết quả đạt được đã như mong muốn chưa?

Nghị quyết TƯ 4 là cuộc đấu tranh lâu dài, không thể ngay một lúc mà đạt được kết quả. Vì vậy, nếu ai đó có nói chỉ sau một năm đã thành công mỹ mãn là chưa hợp lý vì cuộc đấu tranh này phải làm lâu dài.

Ông Nguyễn Đình Hương: Khi nắm quyền lực trong tay thì ai sẽ giám sát và ngăn ngừa những biểu hiện tiêu cực?

Điều nhìn thấy rõ nhất là việc ban hành và thực hiện Nghị quyết TƯ 4 cho đến nay đã làm bộc lộ rõ ra nhiều vấn đề tồn tại trong nội bộ. Còn đấu tranh như thế nào thì cũng cần xem xét. Bởi ở ta cũng có tình trạng là mọi việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình thường có kiểu nể nang, tránh né vì lo ngại "đấu tranh thì tránh đâu", sợ mất lòng.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng e ngại vấn đề dân chủ trong Đảng, cho rằng nếu đấu tranh mà không cẩn thận sẽ gặp rắc rối. Cũng nên nhớ là khi mà nội bộ đã bộc lộ ra nhiều vấn đề rồi thì từ chuyện này sẽ dễ kéo thêm các chuyện khác.

Không dừng ở vận động

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói rằng Nghị quyết TƯ 4 còn phải làm trong dài hạn song có vẻ sau một thời gian được trông đợi thì những kết quả ban đầu khiến cho tinh thần kiểm điểm theo nghị quyết đã trầm lắng hơn. Cần làm gì để bản nghị quyết này tiếp tục có sức sống lâu dài?

Nghị quyết TƯ 4 đặt ra nhiều vấn đề nhưng cái gốc phải là chống tham nhũng. Như Đảng đã nhận diện rằng tham nhũng là vấn đề đe dọa sự tồn vong của Đảng. 

Nói về chống tham nhũng cho đến nay đã có một số cuộc vận động diễn ra song chưa đạt được thành công mà lý do chủ yếu là các cuộc vận động này chỉ dừng lại ở những lời hô hào, kêu gọi. Đầu tiên là cuộc phát động 3 xây 3 chống thời ông Phạm Hùng, thứ hai là Nghị quyết TƯ 6 lần hai thời Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.

Tôi e ngại rằng nếu Nghị quyết TƯ 4 đi theo con đường này là sẽ khó thành công. Bởi cuộc chiến chống tham nhũng không thể là vận động hô hào mà phải làm thực chất.

Theo quy luật cuộc sống thì mọi thứ đều phải có phanh để hãm. Giống như mình lái xe, phải dùng phanh để xe không bị lao xuống dốc. Nhưng trong cuộc chiến chống tham nhũng thì ta đang thiếu một cái phanh như vậy.

Làm thế nào để có được một cái phanh tốt trong cơ chế hiện nay nhằm kiểm soát được ở cấp cao nhất?

Tôi xin đặt một câu hỏi, đó là ai sẽ kiểm soát lãnh đạo ở cấp cao nhất. Liệu có phải là Ban chấp hành Trung ương?

Thực chất khi nắm quyền lực trong tay thì ai sẽ giám sát và ngăn ngừa những biểu hiện tiêu cực? Hiện nay các nhóm lợi ích hoạt động rất mạnh. Ai sẽ giám sát tất cả những vấn đề đó?

Trong khi đó, các lĩnh vực cần giám sát nhất là những đầu mối nắm giữ tiền, vật tư, đất đai của quốc gia. Việc tổ chức giám sát phải tạo thành cơ chế minh bạch.

'Hễ bố trí cán bộ sai là các khâu khác cũng sai hết'

Mọi thứ đều dính dáng đến việc bố trí cán bộ. Hễ bố trí cán bộ sai là các khâu khác cũng sai hết. Bố trí cán bộ là quan trọng nhất. Đại hội 6 đã nói đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.

Cán bộ có tâm lý, số đến tuổi ngấp nghé nghỉ thì không muốn thay đổi gì hết, muốn giữ an toàn.

Số ở giữa có thể lên hoặc xuống cũng ngại đổi mới sợ rách việc vì cứ muốn giữ nguyên thế có thể được lên hoặc ngồi yên tại vị.

Điều 4 Hiến pháp và yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi đã bổ sung thêm nội dung mới trong khoản 2 điều 4 về việc mọi tổ chức Đảng và đảng viên phải chịu sự giám sát và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Ông bình luận gì về điểm mới này?

Nói riêng về điều 4 Hiến pháp, hiện nay đang có rất nhiều luồng ý kiến đóng góp. Tôi cho rằng đã đưa điều 4 vào Hiến pháp rồi thì không nên thay. Điều đang được bàn thảo hiện nay, đó là làm thế nào nâng cao năng lực và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Sao cho dân chủ hơn, công khai hơn và minh bạch hơn.

Thưa ông, liệu nếu ban hành luật về sự lãnh đạo của Đảng thì có ràng buộc được trách nhiệm các tổ chức, cá nhân hay không?

Muốn ban hành luật về Đảng thì trước hết phải sửa điều lệ về Đảng. Điều lệ không sửa thì không thể ban hành luật.

Lê Nhung - Đăng Tấn- Ảnh: Lê Anh Dũng