-Bản chất của văn hóa Hà Nội là đa dạng, đa chiều và đa nguyên. Không có một bản sắc Hà Nội với tư cách là một thực thể văn hóa xác định, bền vững và bất biến.

LTS: Đã từ lâu, những khái niệm: thanh lịch Tràng An, Hà Nội hào hoa, văn hóa Kinh kỳ... thường được nhắc đến như một sự định danh "bản sắc văn hóa Hà Nội". Song cái gọi là "bản sắc" ấy cụ thể là gì, phức tạp, đa dạng đến đâu dường như lại chưa được quan tâm thực sự.

Xung quanh vấn đề này, Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu loạt bài viết của PGS.TS Nguyễn Văn Chính, một phân tích khá tổng quan, để quý độc giả cùng thảo luận, trong thời điểm cận kề dịp kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô.

Phần lớn các nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Hà Nội cho đến nay thường bị ám ảnh bởi ý nghĩ rằng thành phố này có một bản sắc văn hóa riêng với những "đặc trưng khác với các vùng miền khác". Nỗi ám ảnh của giả thuyết về một bản sắc văn hóa riêng của Hà Nội đã làm nảy sinh chủ nghĩa hoài cổ và biến các công trình khoa học thành những bản tụng ca, gán cho thành phố này những giá trị vượt thời gian và không gian, tạo ra một lớp sương mờ ảo như huyền thoại phủ lên trên thành phố ngàn năm tuổi nhưng vẫn đang không ngừng đổi thay này.

Gạt bỏ những khác biệt và đồng nhất hóa tính đa dạng để tìm một mẫu số chung có tên gọi bản sắc văn hóa Hà Nội làm cho việc nhận diện các chiều kích văn hóa của thành phố - thủ đô trở nên khiên cưỡng và đầy cảm tính. Thêm vào đó, việc lý tưởng hóa các giá trị văn hóa của thành phố lại đang tạo ra sức ép vô hình lên các nhà quản lý, mà hậu quả của nó là làm nảy sinh những đòi hỏi về một cơ chế chính sách đặc thù như  một dự án luật từng được đưa ra thảo luận[1].

{keywords}
Liệu có một "bản sắc văn hóa Hà Nội" bất biến? Ảnh minh họa

Cách đây vài năm, tại một hội thảo, nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Ngọc Hiến đã nêu ra sự cần thiết phải làm rõ khái niệm bản sắc văn hóa trước khi có thể nói về đặc tính của nó. Theo ông, khái niệm bản sắc thường khiến người ta nghĩ đến một thực thể ổn định và cố định. Nhưng bản sắc không phải là cái gì đó bất biến. Nó là một quá trình của tiếp biến văn hóa để hình thành nên bản sắc. Ông cho rằng "nó (bản sắc) đến từ nhiều nguồn, tức là nó đa nguyên".

Tôi hy vọng bài viết này là cách để hưởng ứng những gì ông đã nêu ra. Trong đó, tôi cố gắng chỉ ra rằng bản chất của văn hóa Hà Nội là đa dạng, đa chiều và đa nguyên.

Một Hà Nội "đa nguyên"

Nói đa nguyên vì khái niệm Hà Nội không phải để chỉ riêng khu vực đô thị. Hà Nội như một không gian địa - văn hóa luôn luôn bao gồm cả khu vực nông thôn và lối sống nông dân. Trong lịch sử, Hà Nội chưa bao giờ đứng riêng với tư cách là một thành phố độc lập như ta vẫn thấy ở các thành thị phương Tây.

Là một thành phố đô thị hóa chưa triệt để, còn nhiều mối liên hệ chặt chẽ với khu vực nông thôn, quá trình đô thị hóa từ trước đến nay vẫn đang thiên về biện pháp hành chính có tính cưỡng bức hơn là quá trình phát triển tự thân nên trong đời sống văn hóa của Hà Nội, yếu tố nông dân và nông thôn luôn hiển hiện như một bộ phận hợp thành của cấu trúc văn hóa đô thị.

Hơn thế nữa, Hà Nội là một thành phố đa sắc tộc và đa chúng tộc. Người Việt, người Hoa, người Pháp và nhiều sắc tộc khác từng và vẫn đang góp phần vào diện mạo thành phố này. Dấu ấn văn hóa của họ không hề bị hòa tan hay biến mất mà ngược lại, vẫn đang hiện diện trong mọi phương diện vật chất, tinh thần của người Hà Nội.

Tính đa chiều của văn hóa Hà Nội thể hiện ở sự phân bố không gian cư trú với các nhóm xã hội khác nhau và lối sống khác nhau. Văn hóa Hà Nội luôn được bồi đắp và biến đổi do tính năng động dân số học của các lớp người di cư đến thành phố. Di dân nông thôn - đô thị là quy luật, nhưng cũng là sức sống của Hà Nội và văn hóa Hà Nội.

Hà Nội cũng là một thành phố của sự tương phản trong văn hóa và lối sống. Đó là sự khác biệt giữa lối sống nông dân và thị dân, giữa cái cũ và cái mới, giữa tính năng động và sự trì trệ, giữa cao sang và thấp hèn, giữa tinh hoa và bình dân, giữa quyền lực và bất lực. Vì vậy, bản chất của cấu trúc văn hóa Hà Nội là đa nguyên.

Nhận xét này gợi lên ý tưởng rằng bảo tồn các giá trị văn hóa của thành phố không có nghĩa là bảo tồn những giá trị chung chung và trừu tượng, mà chính là giữ gìn những yếu tố vật chất và tinh thần của từng bộ phận đã tham góp vào quá trình hình thành và phát triển diện mạo văn hóa chung của Thủ đô. Sự mai một của các yếu tố này cũng có nghĩa sẽ làm mất đi một phần bản sắc văn hóa của thành phố. Việc khái quát bản sắc thành những đặc tính chung như thường được nói đến do đó sẽ không mang lại những ngụ ý cho các giải pháp mang tính thực tiễn.

{keywords}

Người HN thường được gắn với đặc tính hào hoa, thanh lịch. Ảnh: Hanoitv.vn

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng không có một bản sắc Hà Nội với tư cách là một thực thể văn hóa xác định, bền vững và bất biến. Việc phân tích các nhóm xã hội trong thành phố với tư cách là những chủ thể văn hóa của Hà Nội cho thấy các bộ phận này có lịch sử, lối sống và bản ngã riêng. Các yếu tố này gặp gỡ, ảnh hưởng và tác động lẫn nhau thông qua chất xúc tác của các hoạt động kinh tế, xã hội và sự điều khiển của các thể chế chính trị nhưng nó không triệt tiêu lẫn nhau.

Hà Nội trong tương lai đang vươn đến vị thế một thành phố có tính toàn cầu. Bản sắc văn hóa như một cấu trúc tưởng tượng có thể trở thành một động lực lớn lao cho phát triển của thành phố tương lai, nhưng bản sắc ấy cần được hướng đến mục tiêu hài hòa và cuộc sống tốt đẹp cho tất cả người dân thành phố thay vì chia rẽ và phân biệt.

Với loạt bài viết này, mong muốn của tôi là trên cơ sở những tư liệu đã có, đề xuất một cách tiếp cận khác để nhận diện chân thực hơn bản sắc văn hóa đô thị và góp phần trả lời câu hỏi liệu có hay không một bản sắc Hà Nội với tư cách là một thực thể văn hóa xác định, bền vững và bất biến mà các nhà nghiên cứu đã gán cho nó.

Trong các bài tiếp theo, tôi sẽ đi vào các khía cạnh cụ thể: khái niệm hóa không gian văn hóa Hà Nội; những năng động dân số học trong quá trình đô thị hóa; tính đa dạng về sắc tộc và chủng tộc của các bộ phận dân cư; những khác biệt trong không gian sinh tồn và lối sống cũng như mối liên hệ của chúng. Tôi hy vọng chúng sẽ là những đầu mối giúp hiểu được bản chất của những giá trị được khái quát thành "bản sắc văn hóa" Hà Nội.

(Còn tiếp)

PGS.TS Nguyễn Văn Chính

*Tác giả là Tiến sĩ chuyên ngành Nhân học Văn hoá - Xã hội tại Đại học Amsterdam, Hà Lan. Hiện ông là Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương và Các vấn đề quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tựa bài viết và các tiểu mục do Tuần Việt Nam đặt.

------

[1] Báo Hà Nội Mới (16/09/2010) cho biết trong Dự thảo Luật Thủ đô, 20 cơ chế chính sách đặc thù riêng cho Hà Nội đã được đề xuất, có nguy cơ biến thành phố này thành một "vương quốc" riêng.

Đọc thêm các bài về Hà Nội:

Đài truyền hình quốc gia chỉ của "người Hà Nội"?

Giây phút thiêng liêng Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, được phát thanh toàn quốc "Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?" thì đâu có ai quan tâm giọng nào là giọng chuẩn?

Nghĩ về cái sự 'chán' Hà Nội

Hôm nay đi lên cầu Long Biên bắt gặp vài cái "khóa tình yêu", chỉ lạ ở chỗ, những người yêu nhau đó họ chọn chỗ để khóa đúng cái chỗ thẳng đuột vô duyên của cầu.

Chúng ta chưa bao giờ hiểu Hà Nội

Chúng ta chưa bao giờ hiểu Hà Nội cả, và nếu cứ như thế này, cũng sẽ không bao giờ hiểu.

Nếu một ngày, Hà Nội không còn cầu Long Biên

Nếu một ngày, HN không còn cầu Long Biên, thì nối hai bờ sông Hồng sẽ chỉ còn khoảng trống hụt hẫng, dù những cây cầu khác thay nhau mọc lên.