Đó là một số định hướng mới về đào tạo ngoại ngữ ở trường phổ thông được nêu tại Hội thảo khoa học quốc gia năm 2022 “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam” (UNC2022) do Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức mới đây.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia; Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội; lãnh đạo và cán bộ Trường Đại học Ngoại ngữ; đại diện các trường đại học, học viện và các đơn vị đào tạo, cùng đông đảo giảng viên, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
“Đổi mới chương trình và sách giáo khoa ngoại ngữ tại Việt Nam: hiện trạng và triển vọng” là báo cáo do ông Đặng Hiệp Giang, Chuyên viên Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trình bày.
Báo cáo đề cập những chính sách và định hướng hiện nay về dạy học và đánh giá ngoại ngữ ở bậc phổ thông ở Việt Nam và những xu thế, cách tiếp cận trong giảng dạy ngoại ngữ ở trường trung học tại Việt Nam, thể hiện định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông quốc gia. Theo đó, định hướng của Bộ trong xây dựng chương trình sách giáo khoa phổ thông mới là đa ngôn ngữ (ngoài tiếng Anh còn có các ngoại ngữ khác được giảng dạy), chương trình tiếng Anh phổ thông hệ 10 năm, tổ chức dạy ngoại ngữ 2 như môn học tự chọn với các đơn vị có điều kiện và nhu cầu.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng gợi mở những nguyên tắc làm cơ sở phát triển chương trình, sách giáo khoa và các học liệu ngoại ngữ trong giáo dục phổ thông là: triển khai theo chủ điểm, chủ đề; lấy chuẩn đầu ra làm định hướng; lựa chọn phương pháp giảng dạy rõ ràng, linh hoạt; đa dạng hóa các tác vụ trong lớp học; tích hợp các kỹ năng; định hướng lĩnh hội tự nhiên theo 3 giai đoạn; v.v...
Định hướng trong giảng dạy cũng tuân theo 5 nguyên tắc cơ bản: từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó, có kiểm soát đến tự do, từ cá nhân đến tập thể, từ đơn lẻ đến tổng thể. Việc kiểm tra đánh giá được tiến hành thường xuyên và định kỳ, trong đó chấp nhận sử dụng nhiều hình thức, thay vì hình thức trên giấy và kiểm tra miệng có thể linh hoạt bằng các sản phẩm học tập (video, phỏng vấn,…).
Cũng theo ông Giang, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nghiên cứu một số đề xuất để có thể triển khai, trong đó có việc tổ chức đào tạo các ngoại ngữ mới nếu xã hội có nhu cầu, cho phép giáo viên được tự lựa chọn tài liệu tối ưu để triển khai dạy học theo thiết kế, kế hoạch cá nhân; kiểm tra và đánh giá trong lớp học với nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, còn thi đánh giá trình độ sẽ được tiêu chuẩn hóa theo định dạng của các chứng chỉ phù hợp. Có thể sẽ chấp nhận cho học sinh lựa chọn môn ngoại ngữ là môn tùy chọn nếu các em đã đạt trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu. Việc “1 chương trình nhiều sách giáo khoa” và áp dụng mạnh mẽ công nghệ trong lớp học sẽ tiếp tục được Bộ tiến hành trong thời gian tới.
Hội thảo khoa học quốc gia “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam” là sự kiện thường niên của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Trước ngày chính hội đã có 9 tọa đàm/workshop được tổ chức về các chủ đề khác nhau, thu hút tới 8.000 lượt người tham dự, bao gồm các nhà khoa học, các giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và người quan tâm trong và ngoài nước.
Hơn 500 bài viết, bài trình bày và poster đã được gửi tới hội thảo. Trong ngày 24/4/2022, 3 báo cáo tại phiên toàn thể và trên 300 báo cáo đã được trình bày tại 33 tiểu ban song song với nội dung, chủ đề phong phú như ngôn ngữ học, giảng dạy ngôn ngữ, bao gồm cả ngoại ngữ và tiếng Việt cho người học ở các cấp học, cải tiến phương pháp dạy-học ngoại ngữ, quốc tế học, văn hóa, văn học, chính trị, kinh tế, tâm lý học, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực ngoại ngữ và nghiệp vụ sư phạm ngoại ngữ, công nghệ trong giáo dục ngoại ngữ,…
Doãn Hùng