- Không chỉ có thể kiện TQ ra tòa án quốc tế, Việt Nam còn có thể yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ họp về vụ giàn khoan trái phép Hải Dương-981, luật sư Hoàng Ngọc Giao nói.

Sau khi Liên đoàn Luật sư ra tuyên bố phản đối TQ ngày 11/5, luật sư Hoàng Ngọc Giao, thuộc ban nghiên cứu về Biển Đông của Liên đoàn, trao đổi về những động thái pháp lý mà VN có thể làm:

Có 2 lý do chính để chúng tôi kiến nghị Chính phủ khởi kiện TQ.

Thứ nhất, rất nguy hiểm và nghiêm trọng hơn so với các lần trước, lần này TQ đã đưa giàn khoan vào đến tận vùng biển của VN, không chỉ hiện diện dân sự mà còn đưa tàu công vụ cùng tàu quân sự, và đã có những hành vi dùng vũ lực với tàu VN.

Những hành vi đó về mặt pháp luật pháp quốc tế thực chất là hành vi xâm lược. Hiến chương LHQ nghiêm cấm các nước dùng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, họ đã làm cả hai việc đó.

{keywords}
Luật sư Hoàng Ngọc Giao: Nếu không quyết liệt ta sẽ bị mất vùng biển. Ảnh: Lê Anh Dũng

Lý do thứ hai khiến chúng ta cần quyết liệt hơn trên mặt trận pháp lý là tình hình thực tế đang tiếp nối chính sách lấn chiếm và xâm chiếm Biển Đông. Nếu ta không quyết liệt ta sẽ bị mất vùng biển, mất đường ra Biển Đông, hoạt động kinh tế bình thường của nhân dân bị ảnh hưởng.

Do đó phải kết hợp nhiều mặt trận khác nhau như ngoại giao, pháp lý và trên thực địa, kiên trì, kiên quyết và khôn khéo, để khẳng định và bảo vệ được chủ quyền của chúng ta, không để họ tạo ra tiền lệ và tiếp tục lấn tới.

TQ với việc xâm chiếm các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN lâu nay đã thực hiện hành vi xâm lược. TQ còn có những hành vi khác mang tính xâm lấn như tuyên bố vùng cấm đánh bắt hải sản, mời gọi nhà thầu dầu khí nước ngoài... đối với vùng biển thuộc chủ quyền VN.

Họ rêu rao đó là của họ, rằng họ làm đúng pháp luật. Vậy thì ta thách thức họ cùng ta ra trước tòa án công lý quốc tế để tòa phán xét. Ví dụ vụ kiện giữa Thái Lan và Campuchia liên quan đến đền Preah Vihear, khi tòa án đã ra phán quyết thì các nước phải chấp nhận.

Nếu TQ từ chối công nhận thẩm quyền của tòa án quốc tế, và họ có quyền làm như vậy theo quy định của pháp luật quốc tế, tòa sẽ không thể xem xét vụ kiện. Nhưng điều đó sẽ vạch rõ sự thật về tính hợp pháp hay không hợp pháp của hành vi thôn tính biển đảo Việt Nam của TQ.

Với các lý do trên, tôi nghĩ vụ kiện này Chính phủ VN cần làm một cách chuyên nghiệp, quyết liệt ngay từ bây giờ.

Ngoài ra ta còn có một biện pháp nữa có thể làm ngay: Với tư cách là thành viên của LHQ, ta có quyền đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ nhóm họp để bàn về vấn đề này. Tất nhiên ta cũng hiểu rằng, theo quy chế của Hội đồng này, TQ là một trong năm nước thành viên thường trực nên có quyền phủ quyết, do đó khó có thể ra được một nghị quyết của HĐBA LHQ.

Nhưng việc chúng ta nêu vấn đề này ra trước HĐBA LHQ cũng sẽ cho thấy quyết tâm của chúng ta, cũng là một biện pháp tấn công về mặt ngoại giao đối với TQ trước hành vi sử dụng vũ lực, vi phạm Hiến chương LHQ, đánh động cho toàn thế giới biết rằng chúng ta kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Tôi rất mong Bộ Ngoại giao và Chính phủ khẩn trương tiến hành biện pháp này.

Chung Hoàng ghi