(PLO)- Người tiêu dùng và nhất là các bậc phụ huynh trong cả nước đang lo lắng trước một số loại bánh kẹo có chứa cần sa, mang nhiều rủi ro sức khỏe khi ăn phải.

Hiện nay trên thị trường đang xuất hiện nhiều loại ma túy mới, không chỉ dưới các dạng truyền thống như dạng viên, dạng bột, dạng tem… mà còn được trộn vào nhiều loại thực phẩm, đồ ăn, thức uống.

Bánh ngọt, bỏng ngô có chứa cần sa

Vừa qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra cảnh báo đối với bánh ngọt Lazy Cakes, thường gọi là bánh lười. Đây là một loại bánh ngọt có tẩm cần sa, được du nhập vào Việt Nam với giá bán khá cao từ 200.000 – 300.000 đồng/bánh.

Bánh ngọt chứa cần sa

Công an tỉnh Thanh Hóa phát đi cảnh báo về loại bánh ngọt có tẩm cần sa. Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa

Tiếp đó, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng thông tin về việc một bệnh nhân 56 tuổi tại Hà Nội được chuẩn đoán bị ngộ độc sau khi ăn nhầm bỏng ngô nghi có tẩm cần sa, được đặt mua trên mạng.

Những thông tin trên khiến nhiều người tiêu dùng và nhất là các bậc phụ huynh lo lắng cho vấn đề an toàn thực phẩm.

Chị Lê Tiểu Liên (Phường 12, Gò Vấp) cho biết bản thân rất lo lắng và phải liên tục dặn dò hai cháu nhỏ không được mua và sử dụng các bánh kẹo khi không có sự kiểm soát của người lớn.

“Từ trước tới nay tôi vẫn thường cho hai cháu tiền ăn vặt và cũng ít để ý các con của mình ăn loại bánh gì. Với các thông tin gần đây tôi đã thấy mình chủ quan và cần phải kỹ lưỡng hơn trước các loại bánh kẹo nhập mà không rõ nguồn gốc, giấy tờ, nhất là bán trên mạng”, chị Liên bày tỏ lo lắng.

Tác hại khôn lường

BS.CKII Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm Thần TP.HCM cho biết cần sa tuy chậm nghiện hơn so với heroin và cũng ít gây loạn thần như khi sử dụng ma túy đá và lắc, nhưng nếu sử dụng cần sa với liều lượng lớn, lâu ngày sẽ gây ra những tổn thương cho não.

“Có đến 60- 70% người nghiện ma túy ở Việt Nam đều có khởi đầu bằng việc sử dụng cần sa, sau đó được bạn bè rủ rê, lôi kéo nâng cấp lên những ma túy mạnh hơn. Cần sa có thể coi là khởi đầu của mọi sự khởi đầu của việc nghiện ngập”, BS Huỳnh Thanh Hiển nhấn mạnh.

Theo tìm hiểu trong cần sa có chứa một số cannabinoid, với thành phần chính là chất delta-9tetrahydrocannabinol (THC). THC sẽ gắn với thụ thể cannabinoid CB1 và CB2 ở não có thể gây ra các tác dụng kích thích, an thần hoặc ảo giác phụ thuộc vào liều và thời gian sau khi sử dụng. Ngoài ra THC có thể đồng thời gây các tác dụng giải phóng catecholamine, gây nhịp tim nhanh và ức chế phản xạ giao cảm (bệnh nhân tụt huyết áp tư thế).

Khi sử dụng cần sa người dùng thường có triệu chứng nhịp tim nhanh, vã mồ hôi, chảy nước mắt, nói nhiều hoang tưởng, thậm chí có các hành vi và hành động tiêu cực gây hại cho mình và người khác. Các chuyên gia y tế khuyến nghị, sử dụng cần sa trong thời gian dài thường liên quan đến các bệnh lý tâm thần, viêm phế quản mạn, tăng nguy cơ ung thư, rối loạn nhịp tim... Khi ngộ độc nặng, có thể gây ra tình trạng khó thở, suy hô hấp, co giật, sốc đe dọa tính mạng.

Theo Pháp luật TPHCM