-Mấy đoàn Israel hồi đó gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt và đề nghị cho họ thuê ít nhất 30 héc ta đất xấu nhất ở Việt Nam, loại mà không canh tác được, để họ làm thử. Ông Kiệt rất thích, nhưng cơ chế hồi đó, cứ đá qua đá lại...

Những chuyện giật mình ở dân tộc thông minh

Tuần Việt Nam xin được tiếp tục cuộc phỏng vấn với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Việt Nam được lựa chọn thoải mái hơn

Những kết quả do bà mang về đã được tận dụng và phát triển như thế nào?

Kết quả tốt nhất là tiến tới thoả thuận thành lập quan hệ ngoại giao. Vai trò ở Bộ Ngoại giao phải kể đến Thứ trưởng Vũ Khoan khi ông kết luận rằng, nền hoà bình ở Trung Đông đã thể hiện khá rõ rệt và ổn định hơn nhiều rồi, và đề xuất của ông đã thuyết phục được lãnh đạo bộ, rồi chính phủ.

Xu thế là bạn với tất cả, sau khi Liên Xô và các nước XHCN châu Âu tan rã, xu hướng hội nhập ở Đông Nam Á, cũng khiến cho Việt Nam thoải mái hơn trong sự lựa chọn. Tức là Việt Nam vẫn có thế chơi với Israel, mà không ngại làm mất lòng Palestin và cộng đồng Ả rập, vốn có quan hệ tốt với Việt Nam từ hồi chống Mỹ.

Tức là Việt Nam cũng thắng trong việc cứ phải tẩy chay Israel để thế hiện lập trường với Palestin và thế giới Ả rập?

Đúng thế. Tôi nhớ Thứ trưởng Vũ Khoan còn nói rằng "không còn cái thời đó nữa, phải học cách chơi khác đi trong thế giới hiện đại và hội nhập".

Còn về thương mại, sau khi có quan hệ chính thức, các công ty Israel vào ngày càng nhiều. Nhiệm vụ của chúng tôi ở VCCI là giới thiệu tối đa cho họ đi các nơi để cho họ làm. Chẳng hạn, khi mới thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1993, các công ty Israel bán điều hoà nhiệt độ, rất tốt, trong khi các nước khác rất ngại bán ở Việt Nam do lệnh cấm vận của Mỹ, bởi điều hoà đối với họ không phải là sản phẩm công nghệ cao để bị cấm vận.

Nhưng điều tôi tiếc nhất mà không làm được là đưa mô hình sản xuất nông nghiệp của họ vào Việt Nam, mô hình nông nghiệp không cần nhiều nước.

{keywords}
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan Ảnh Hoàng Ngọc

Vì sao, thưa bà?

Đại sứ Israel đầu tiên David Matnai rất yêu thích Việt Nam. Mấy đoàn Israel do ông thu xếp đưa vào Việt Nam đã được gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Gặp ông, họ đã đề nghị cho họ thuê ít nhất 30 héc ta đất xấu nhất ở Việt Nam, loại mà không canh tác được, để họ làm thử.

Họ hứa sẽ đưa mô hình tổ chức sản xuất của Israel vào, đưa những giống cây của họ vào, còn Việt Nam đưa dân cư vào, và công nghệ sẽ được chuyển giao dần dần. Bởi vì ở Israel đất xấu hơn Việt Nam nhiều lắm mà họ vẫn làm nông nghiệp có hiệu quả. Khi thành công, Việt Nam có thể nhân rộng mô hình này ra.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hồi đó, đã rất thích mô hình này, và ra lệnh cho Bộ Nông nghiệp bố trí đất đai để làm. Nhưng cơ chế của mình hồi đó cứ thích "đá qua đá lại" cho nhau, Bộ Nông nghiệp đồng ý thì Tổng cục Địa chính không đồng ý cung cấp, vì chưa chọn được vùng nào, tỉnh nào...

Họ cứ lằng nhằng như thế rồi qua luôn nhiệm kỳ đại sứ của ông Matnai, người khi kết thúc nhiệm kỳ của mình đã biểu lộ điều nuối tiếc là không thực hiện được điều đó, bởi vì ông đã có một khao khát lớn, và liên tục thúc đẩy việc này. Đến những đại sứ sau thì họ không có khao khát như vậy, lại thấy Việt Nam không muốn làm nữa, nên cũng quên luôn.

Sau này, có lẽ nhờ những chuyện này, mà quan hệ giữa họ và Bộ Nông nghiệp Việt Nam phát triển khá nhiều. Chúng ta áp dụng nhiều kỹ thuật nông nghiệp của họ như tưới nhỏ giọt, hay các giống cây, hoặc đào tạo nhiều kỹ sư nông nghiệp bên Israel...

{keywords}
Tưới nhỏ giọt - công nghệ nông nghiệp đặc sắc của Israel đang được Việt Nam thí điểm sử dụng (ảnh Internet)

Thế về công nghệ cao lúc đó mình đã để tâm chưa ạ?

Rồi. Chúng ta cố gắng xúc tiến quá trình tiếp xúc với công nghệ cao. Chẳng hạn, tôi có giới thiệu quan hệ làm ăn với các công ty quân đội Việt Nam, bởi thiết bị quân sự của Israel rất giỏi, và công nghiệp quốc phòng là ngành công nghiệp lớn của họ. Ngay cả sau khi bỏ cấm vận, việc giao dịch với các nước phương Tây vẫn chịu nhiều hạn chế, vì vậy kênh Israel là kênh tốt. Theo tôi biết Israel đã chia sẻ với Việt Nam một số công nghệ và thiết bị.

Đặc tính làm ăn của doanh nhân Israel có gì đặc biệt không?

Israel có ít dân, nên con trai và con gái đều phải tham gia quân đội. Trước khi có 1 triệu người từ Nga về, sau khi Liên Xô tan rã, dân chỉ có khoảng 5 triệu thôi. Chính vì vậy, sau khi rời quân đội ra, người Israel vẫn duy trì được kỷ cương của quân đội và tinh thần.

Tiếp xúc với họ, tôi thấy tác phong quân sự của họ còn nhiều lắm. Từ đi đứng, đến phong cách làm việc đều mang phong cách quân nhân. Chính vì tình cảm của họ với Việt Nam về quá khứ chiến tranh, nên khi nói về quân đội, họ lại thể hiện lòng nhiệt tình của mình, sẵn sàng chia sẻ và hợp tác cao.

Tại sao bà nghĩ rằng Việt Nam nhất thiết thúc đẩy quan hệ với Israel?

Israel là nước nhỏ nên không có vị thế kênh kiệu như nước lớn. Họ có nhu cầu thị trường, nhu cầu hợp tác rất lớn. 7 triệu dân của Israel cộng với gần 90 triệu dân của Việt Nam có thế cùng nhau làm được rất nhiều việc, bởi họ có nhiều nghiên cứu, nhưng đến bước triển khai thì cần phải có qui mô kinh tế đủ lớn mới làm được. Chính vì vậy nếu kết hợp với Việt Nam được thì rất hay.

Trong quan hệ làm ăn giữa Việt Nam với Israel còn có những khó khăn gì mà chưa phát triển là bao?

Trước hết là khoảng cách và sự đi lại chưa thuận tiện. Thứ hai báo chí vẫn tiếp tục đưa tin về những xung đột trong khu vực Trung Đông, bắn tên lửa sang nhau,... và người ta vẫn có mặc cảm là mảnh đất đó chưa phải là mảnh đất an toàn, dễ đụng vào mấy ông cảm tử Hamas.

Nhưng, tôi nghĩ, tư duy chính trị vẫn là trở ngại chủ yếu trong mối quan hệ của Việt Nam với Israel.

Xin cám ơn bà!

Lê Doãn Hợp, nguyên bộ trưởng Thông tin - Truyền thông, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam

Tôi được vinh dự đã đến Israel 2 lần. Một lần với cương vị là Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, một lần với tư cách là Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, đi về hôm 22.5.2013.

Tôi thấy bất kỳ cái gì của Israel chúng ta cũng nên học. Nhưng có 4 lĩnh vực nên học sớm hơn, và học quyết liệt hơn. Đó là 4 lĩnh vực mà chúng ta đang chọn, và cũng là 4 lĩnh vực mà chúng ta có tiềm năng và lợi thế.

Một là ý chí vượt khó và hoài bão lập nghiệp, lập thân và lập quốc của đất nước Israel.

Thứ hai là học cách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Như doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đã nói, mỗi con người Israel có nhiều tố chất trong đó, và mỗi người có thể làm rất nhiều việc, và quan trọng là làm việc gì cũng tốt.

Thứ ba là học về công nghệ thông tin. Và tất cả những ai làm công nghệ thông tin muốn làm tốt, không thể không học Israel. Điều này tôi đã nói khi làm bộ trưởng, và khi làm Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam tôi xin được lặp lại. Cũng chính vì vậy, tôi đã cùng với 14 anh em đam mê công nghệ thông tin bỏ tiền túi ra đi sang Israel tháng 5 vừa rồi.

Thứ tư là học nông nghiệp, chất lượng cao, năng suất cao trong điều kiện thiên nhiên cực kỳ bất lợi.

Huỳnh Phan (Thực hiện)

>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam