Trong hội nghị tổng kết 2 năm Việt Nam đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021 diễn ra hồi cuối tháng 1, Thủ tướng Phạm Minh Chính gọi vui Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc là "người ở chiến trường".
Cách nửa vòng trái đất, chia sẻ từ trụ sở phái đoàn Việt Nam ở cạnh LHQ, Đại sứ Quý cho biết, Việt Nam tham gia HĐBA có vốn chính trị rất to lớn, nhưng ông nhấn mạnh rằng "vốn chính trị ấy sẽ ngủ yên" nếu không có sự chỉ đạo và tham gia trực tiếp của lãnh đạo các cấp trong 2 năm qua.
Chiến dịch lớn, nhiệm vụ nặng nề nhưng cơ hội hiếm có
Trưởng phái đoàn Việt Nam tại LHQ chân thành cảm ơn vì đã được "nhà" rất tin tưởng, trao cho nhiều quyền và bảo vệ trước những sức ép.
Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc khi công bố kết quả số phiếu bầu vào Hội đồng Bảo an. |
2 năm qua, có nước thành viên HĐBA đã thay đại sứ, trưởng phái đoàn 2 lần trong 7 tháng nhưng phái đoàn Việt Nam luôn nhận được sự tin tưởng, bảo vệ của các lãnh đạo các cấp.
Ông khẳng định: "Điều này là nhân tố rất quan trọng tạo nên bản lĩnh cho cán bộ ngoại giao, làm cho mọi cán bộ phái đoàn ý thức được trách nhiệm cao hơn, nỗ lực lớn hơn trong thực hiện nhiệm vụ của mình".
Cũng trong 2 năm qua, phái đoàn và tổ công tác liên ngành, nòng cốt là Vụ Hợp tác Quốc tế và một số đơn vị của Bộ Ngoại giao, đã làm việc theo nguyên tắc bình thông nhau. Khi phái đoàn ở New York ngủ thì tổ công tác ở trong nước nghiên cứu tài liệu, thu thập, phân tích thông tin, chuẩn bị lập luận, trình xin chủ trương để buổi sáng ở New York, phái đoàn có đủ thông tin định hướng, sẵn sàng tham gia trao đổi, đàm phán.
Sự hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ này đã biến sự bất tiện về chênh lệch múi giờ trở thành cơ hội, để hai bên bổ sung cho nhau, để thời gian làm việc HĐBA của Việt Nam là 24/7.
Ngoài ra, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là ở các nước thành viên của HĐBA, đã cung cấp thông tin rất kịp thời về các diễn biến trên thực địa, đồng thời phối hợp chặt chẽ với phái đoàn trong xử lý song phương với sở tại về các vấn đề liên quan qua đó góp phần quan trọng giúp phái đoàn Việt Nam tại LHQ triển khai hiệu quả định hướng song phương với đa phương trong suốt nhiệm kỳ.
Theo Đại sứ, tham gia "chiến dịch lớn" tại HĐBA là "nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng là cơ hội hiếm có".
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres. |
Đại sứ Quý nêu ra 5 bài học ngoại giao mà ông rút ra sau hai năm công tác: Chọn đúng thời điểm, vận dụng sáng tạo, tận dụng vị thế, áp bài học cũ vào hoàn cảnh mới, ngoại giao tâm công.
Trước tiên, ông chỉ ra, đó là bài học về chọn thời điểm và tranh thủ thời cơ. Việt Nam chọn nhiệm kỳ 2020-2021 và quá trình vận động để Việt Nam là ứng viên ứng cử duy nhất của nhóm Châu Á - Thái Bình Dương là nhân tố rất quan trọng dẫn đến thắng cử với số phiếu kỷ lục.
Việt Nam có lợi thế vừa là Chủ tịch ASEAN vừa là Chủ tịch HĐBA tháng 1/2020 khi thúc đẩy một trong những ưu tiên là hợp tác giữa LHQ và ASEAN, hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực.
Không phải nước nào cũng mặn mà với việc tham gia HĐBA vì cho rằng không có lợi ích cho họ trong đó, nhưng kinh nghiệm vừa qua cho thấy Việt Nam cần tiếp tục tham gia lần thứ 3 trong vòng 10 năm tới.
Khi đó, chắc chắn Việt Nam sẽ phải cạnh tranh. Khi đó, với thế và lực mới của Việt Nam, các nước, nhất là các đối tác lớn, các đối tác quan trọng sẽ trông đợi sự đóng góp tích cực hơn, thực chất hơn của Việt Nam. Ông nghĩ rằng cần sớm quyết định thời điểm thuận nhất, đắc thắng nhất để đăng ký sớm.
Phát huy vị thế với số phiếu cao kỷ lục
Tiếp theo, là bài học về định hướng sáng tạo. Với tất cả các nước, tháng đầu tiên vào Hội đồng Bảo an đảm nhận ngay vai trò chủ tịch luôn luôn là thách thức.
15 thành viên của HĐBA sẽ luân phiên giữ ghế chủ tịch mỗi tháng. Tháng 1/2020 khi Việt Nam làm Chủ tịch cũng là tháng LHQ kỷ niệm 75 năm thành lập.
"Thách thức đã trở thành cơ hội. Khi chúng ta chọn chủ đề của phiên thảo luận mở là thượng tôn Hiến chương trong duy trì hòa bình quốc tế. Cuộc thảo luận này với chủ đề này đã làm nên kỷ lục về số phát biểu (111 bài phát biểu).
Hội đồng cũng lần đầu tiên thông qua tuyên bố Chủ tịch về vấn đề này. Trên thực tế, Trung Quốc nói là muốn làm chủ đề tương tự nhưng không làm được vì tháng chủ tịch của Trung Quốc diễn ra sau 2 tháng và Việt Nam đã làm rồi", Trưởng phái đoàn Việt Nam tiết lộ thêm.
Việt Nam cử sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. |
Bài học thứ 3, theo Đại sứ, là bài học phát huy vị thế thành viên HĐBA. Tại LHQ, vị thế thành viên HĐBA được xác lập bằng những đóng góp tích cực cho công việc chung của cộng đồng quốc tế và được ghi nhận qua số phiếu bầu hoặc mức độ ủng hộ các sáng kiến tại Đại hội đồng và các diễn đàn khác. Trong nhiệm kỳ, Việt Nam đã phát huy được vị thế đó.
"Nếu chúng ta tiếp tục phát huy được những sáng kiến, sản phẩm của chúng ta trong 2 năm qua về ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh, nhóm bạn bè Công ước Luật Biển thì những sáng kiến, nghị quyết mang dấu ấn Việt Nam sẽ sống mãi với lịch sử LHQ và sống mãi với lịch sử nhân loại", ông nói.
Bài học thứ 4, theo Đại sứ là khai thác các bài học lịch sử trong bối cảnh mới. Khi Việt Nam vào HĐBA LHQ, các nước trông đợi Việt Nam có đóng góp tích cực và hiệu quả cho công việc của HĐBA. Ông khẳng định: "Hai năm qua chúng ta đã nỗ lực và làm được điều này".
Ngoài vấn đề bom mìn, sáng kiến của Việt Nam sau trở thành nghị quyết của HĐBA về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu với cuộc sống của người dân, phần nào đó bắt nguồn từ ký ức về sự tàn phá đê Yên Phụ, nhà máy điện Yên Phụ, bệnh viện Bạch Mai năm 1972.
Hay những đóng góp của Việt Nam trong quá trình giải quyết vấn đề Libya ở cả 2 khía cạnh bên trong và bên ngoài phần nào xuất phát từ bài học giải quyết vấn đề Campuchia… “Chúng ta đã đem được kinh nghiệm của mình vào trong những ý tưởng và sáng kiến được nêu ra tại các cuộc thảo luận ở HĐBA”.
Có tình, có lý
Bài học cuối cùng của Đại sứ Quý là về phương pháp ngoại giao Hồ Chí Minh “ngoại giao tâm công” - tức là tranh thủ trái tim của mọi người.
Việt Nam nhận được 192 lá phiếu bầu cũng là 192 lá phiếu trao trách nhiệm.
“Làm việc tại HĐBA là làm việc với các nước lớn và các đối tác quan trọng hàng đầu của ta nhưng chúng ta cũng phải đại diện cho lợi ích của đa số các nước vừa và nhỏ", Đại sứ cho hay.
Hai ngày trước khi chúng ta bắt đầu nhiệm kỳ, Đại sứ Paraguay nói với ông rằng "đừng quên chúng tôi". Câu nói này có nghĩa chúng ta phải luôn nhớ tới lợi ích của các nước bạn khi đưa ra lập trường và cũng tiếp tục góp mặt ở sự kiện của họ.
"Hai năm qua, đối với tất cả các nước, khi đấu tranh, khi hợp tác, chúng ta đều tôn trọng đối tác, giữ nguyên tắc nhưng có tình, có lý. Tôi nghĩ rằng ở Hà Nội, ở thủ đô các nước, trong các cuộc trao đổi liên quan đến công việc của HĐBA, chúng ta đều đã làm như vậy.
Cảm nhận chung của các thành viên phái đoàn là sau 2 năm, các nước lớn nể Việt Nam hơn, bạn bè đối tác quý Việt Nam hơn”, Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định.
Trần Thường
Điều tâm đắc của Bộ trưởng khi Việt Nam hoàn thành trọng trách tại Liên Hợp Quốc
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chiều nay chủ trì họp báo quốc tế về việc Việt Nam hoàn thành nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc 2020-2021.