Hôm nay (3/7), UB TƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị đoàn chủ tịch lần thứ 2 (khóa 9) sơ kết công tác mặt trận 6 tháng đầu năm 2020 và thảo luận chuyên đề "MTTQ Việt Nam vận động toàn dân tích cực tham gia phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".
Có tình trạng đưa người đã chết, người đi tù vào trong danh sách
Báo cáo về kết quả tham gia phòng, chống dịch Covid-19 MTTQ, Phó chủ tịch thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, tính đến 31/5, MTTQ Việt Nam đã tiếp nhận số tiền ủng hộ là gần 945 tỷ đồng. Trong đó tiền mặt là hơn 820 tỷ, hiện vật quy ra tiền trị giá gần 125 tỷ đồng.
Phó chủ tịch thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh. Ảnh: Minh Đạt |
Hiện MTTQ Việt Nam đã phân bổ cho các cơ quan, đơn vị, còn hơn 280 tỷ đồng chưa phân bổ (trong đó số tiền còn tại MTTQ Việt Nam là hơn 262 tỷ đồng; số tiền nhắn tin qua Cổng thông tin nhân đạo quốc gia hiện chưa chuyển về MTTQ Việt Nam là hơn 18 tỷ đồng).
Ở địa phương, MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành đã tiếp nhận hơn 1.000 tỷ. Trong đó tiền mặt hơn 800 tỷ và hiện vật quy ra tiền mặt hơn 225 tỷ. Hiện các tỉnh vẫn chưa có sự thống nhất về nguyên tắc, đối tượng, nội dung, định mức hỗ trợ tiền mặt và đang xin ý kiến; còn hiện vật đã phân bổ xong.
Qua giám sát, MTTQ Việt Nam cho biết, đa phần các địa phương khẩn trương, kịp thời rà soát và chi trả hỗ trợ sớm cho 4 nhóm đối tượng (người có công với cách mạng, hộ nghèo và cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội).
Bên cạnh đó, việc xác định các đối tượng lao động tự do, hộ kinh doanh và hỗ trợ người sử dụng lao động; việc xác định ngành nghề... khó khăn về cơ sở để kiểm tra và xác minh, chủ yếu dựa vào thông tin do người lao động và người sử dụng lao động cung cấp.
Vẫn còn một số khó khăn như hướng dẫn chưa rõ về độ tuổi của người lao động được hỗ trợ; một số trường hợp không thuộc diện được hưởng hỗ trợ nhưng thực tế lại có khó khăn. Đặc biệt, gói cứu trợ 16.000 tỷ cho doanh nghiệp vay lãi suất 0% trả lương người lao động hầu như dậm chân tại chỗ.
Bên cạnh đó còn xảy ra một số sai phạm. Có những đối tượng không đủ điều kiện vẫn đưa vào trong danh sách như người đã từ trần trước ngày 1/4, đang đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam. Hay như tình trạng cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác; hưởng hỗ trợ theo diện đối tượng khác đã chuyển đi, đi xuất khẩu lao động, cắt khẩu, đi lấy chồng; trùng danh sách đối tượng…
Những phát hiện này đều được các cấp Mặt trận phản ánh kịp thời với Đảng, Nhà nước và các cấp ủy, chính quyền để chỉ đạo, giải quyết.
UB TƯ MTTQ Việt Nam đề nghị Chính phủ cho phép được sử dụng một phần kinh phí mà đơn vị này tiếp nhận được để hỗ trợ cho một số đối tượng gặp khó khăn trong cuộc sống do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà không thuộc các đối tượng nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 42 và Quyết định 15.
Cụ thể là hỗ trợ cho nông dân không tiêu thụ được sản phẩn; người lao động làm việc tại các HTX, tổ hợp tác, cá nhân đăng ký kinh doanh; các cơ sở giáo dục ngoài công lập; các đơn vị sự nghiệp công lập; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động…
Nghiêm khắc xử lý trục lợi các gói hỗ trợ an sinh
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan lưu ý, làm thế nào tăng cường vai trò của MTTQ cấp cơ sở trong triển khai các hoạt động của TƯ đến địa phương. MTTQ phải tham gia giám sát việc giải ngân các gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. Ảnh: Minh Đạt |
Bà Doan lưu ý, vừa qua vẫn còn tình trạng tiền hỗ trợ không đúng địa chỉ, từ nhà nghèo đi vào nhà giàu, gói cứu trợ đi vào nhà những người không đáng được hưởng.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân cũng đề nghị Đoàn Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam và các cơ quan liên quan đẩy mạnh giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ của nhà nước trong giai đoạn sau dịch bệnh Covid-19.
"Cần nghiêm khắc xử lý tất cả các hành vi vi phạm nhằm lợi dụng chính sách của Đảng và Nhà nước để trục lợi trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang gồng mình lên để khắc phục hậu quả sau dịch và vực dậy nền kinh tế”, ông Thân nói.
Để phục hồi phát triển kinh tế, ông Thân cho rằng cần tập trung phát triển thị trường nội địa và đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tận dụng tối đa các ưu đãi do các hiệp định thương mại tự do đem lại.
Đồng thời, cân nhắc việc giãn thuế VAT cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; kiến nghị để Chính phủ đưa ra các giải pháp hữu hiệu để thu hút nguồn lực “nhàn rỗi ngắn hạn và dài hạn” trong dân và doanh nghiệp.
Phó ban Kinh tế TƯ Triệu Tài Vinh. Ảnh: Minh Đạt |
Phó ban Kinh tế TƯ Triệu Tài Vinh cho rằng cùng với việc phòng chống dịch Covid-19 nhiệm vụ đặt ra hàng đầu là phải tái cấu trúc nền kinh tế, chú trọng đến việc nội địa hóa khoa học công nghệ cũng như kích cầu du lịch nội địa theo hướng xây dựng thương hiệu quốc gia.
Theo ông Vinh, sau dịch Covid-19, mặc dù việc kích cầu du lịch chúng ta đang làm rất nóng nhưng thực tế vẫn chưa đảm bảo chất lượng. Chính vì vậy, để phát triển kinh tế phải đổi mới tư duy để đánh giá đúng tiềm năng về thị trường để người dân tiếp cận với du lịch theo đúng tầm nhìn.
"Nói đến khoa học công nghệ, nói đến tái cấu trúc nền kinh tế, nói đến du lịch thì phải nói đến thương hiệu quốc gia”, ông Triệu Tài Vinh nhấn mạnh.
Thu Hằng
Thủ tướng đồng ý đưa khoảng 14.000 người Việt ở nước ngoài về nước
Thủ tướng đồng ý đưa khoảng 14.000 công dân Việt Nam ở nước ngoài là các trường hợp đặc biệt về nước. Đồng thời, cho phép và tạo điều kiện các nhà ngoại giao, nhà đầu tư, doanh nhân, chuyên gia... nhập cảnh và cách ly phù hợp