Ngày hôm nay 11/12/2018, trận chung kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2018 giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Malaysia sẽ diễn ra tại sân Bukit Jalil (Kuala Lumpur, Malaysia).
Bukit Jalil được người hâm mộ ví với một "chảo lửa", và không phải tự nhiên nó có được danh hiệu ấy. Được biết, đây là sân vận động (SVĐ) đẹp nhất của Malaysia, nằm trong top 10 SVĐ lớn nhất thế giới và lớn thứ 2 châu Á với sức chứa lên tới 80.000 chỗ ngồi. Trận chung kết lần này đã "cháy vé", nên hãy thử tưởng tượng một SVĐ kín chỗ 80.000 con người sẽ cuồng nhiệt đến mức độ nào.
Trong bất kỳ sự kiện đông người nào cũng sẽ có rủi ro nhất định cho sự an toàn của người tham gia. Tuy nhiên, có một vấn đề mà không nhiều người để ý đến, đó là an toàn âm thanh. Bởi lẽ, Bukit Jalil được xem là SVĐ ồn ào nhất Đông Nam Á.
Tiếng ồn của SVĐ và ngưỡng nghe của con người
Theo các thông tin ghi nhận thì khi Bukit Jalil được phủ kín chỗ ngồi, tiếng cổ vũ của các cổ động viên có thể tạo ra âm thanh với cường độ lên tới 117 dB, biến nó thành SVĐ "ồn ào" nhất Đông Nam Á.
Sự "ồn ào" của sân Bukit Jalil một phần đến từ thiết kế của nó. Sân vận động chính của đội tuyển Malaysia được thiết kế 3 tầng với mái vòm ở trên nên tiếng vang sẽ vọng lại xuống sân. Và với âm thanh 117 dB, các cầu thủ thi đấu dưới sân dù đứng gần nhau trong khoảng cách 2m cũng khó có thể giao tiếp với nhau được.
Cường độ âm quá lớn sẽ gây hại cho con người. Với một cuộc hội thoại thông thường, cường độ âm rơi vào khoảng 60 dB. Tiếng tủ lạnh chạy là 40dB. Cao hơn, ta có âm thanh trong xe ô tô (70dB), máy hút bụi (75dB)... Và biết gì không: tất cả những âm thanh có cường độ cao hơn 85dB đã được xem là ngưỡng gây hại cho tai của chúng ta rồi.
Âm thanh cổ vũ có thể tạo ra cường độ âm cực lớn
Dĩ nhiên, việc gây hại như thế nào phụ thuộc vào độ lớn của âm và thời gian tiếp xúc với nó. Với một âm thanh có cường độ 85dB, sẽ mất khoảng 15 phút để thính giác bị ảnh hưởng. Và nếu bạn đi cổ vũ trong sân bóng, tiếp xúc với âm thanh có cường độ lên tới hơn 100dB trong nhiều giờ, rủi ro tổn thương thính giác sẽ còn cao hơn nhiều.
Nhưng điều quan trọng nhất là...
Tổn hại thính giác là những tổn hại vĩnh viễn
Có thể nhiều người chưa biết, bệnh điếc từ xưa đến nay vẫn được đánh giá là không thể chữa lành - ngoại trừ các trường hợp điếc do thủng màng nhĩ. Lý do là bởi cơ chế cảm nhận âm của chúng ta có liên quan đến các tế bào lông.
Ở ốc tai mỗi bên chúng ta có khoảng 15.000 tế bào lông. Chúng có vai trò cảm nhận, giúp chúng ta định vị được sóng âm thanh. Khi các sóng âm chạm đến, tế bào lông rung động và truyền dần đến màng nhĩ, và đó là cách chúng ta cảm nhận âm thanh.
Khổ nỗi, các tế bào lông này lại cực kỳ mong manh, có thể bị tổn thương theo thời gian hoặc khi gặp âm thanh quá lớn. Và điều quan trọng nhất là tế bào lông không thể hồi phục, nên tác hại gây ra là vĩnh viễn.
Hay nói cách khác, điếc do suy giảm thính giác chính xác là căn bệnh không thể chữa lành.
Cần làm gì để có một trải nghiệm cuồng nhiệt vì bóng đá mà vẫn an toàn cho tai?
Với những rủi ro về âm thanh, bạn phải tự bảo vệ mình thôi. Và giải pháp tốt nhất là trang bị một chiếc chụp tai chống ồn, hoặc nút tai chống ồn (earplugs). Ưu điểm của chúng là nhỏ gọn, dễ cầm, dễ vận chuyển, và bạn có thể dễ dàng nhét chúng vào túi.
Hiệu quả của nút chống ồn phụ thuộc vào nhà sản xuất. Thông thường, chúng có thể hạ bớt cường độ âm bạn phải tiếp xúc, rơi vào khoảng 25 - 40dB. Và hãy nhớ, không phải chỉ riêng SVĐ là bạn có thể gặp tổn hại thính giác bởi âm thanh. Các quán bia, nhà hàng vào thời điểm bóng đá diễn ra cũng rất ồn.
Tùy vào địa điểm, bạn có thể lựa chọn loại nút cho phù hợp. Hãy cổ vũ tuyển Việt Nam theo cách văn minh và an toàn nhất nào.
Theo GenK