Biển Đông: COC là công cụ để giải quyết xung đột

Theo giáo sư Carly Thayer, một trong những chuyên gia hàng đầu về Biển Đông, khu vực Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược về cả địa chính trị, thương mại cũng như nguồn tài nguyên khổng lồ về dầu khí và nguồn cá. 

Ý tưởng về COC đã được các Bộ trưởng Ngoại giao Đông Nam Á đề cập nhưng đến nay, bộ quy tắc này vẫn chưa ra đời sau gần 30 năm. Nhìn ngược lại dòng thời gian:

Ngày 22/7/1992, ASEAN thông qua Tuyên bố về Biển Đông kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, kiềm chế để tránh làm cho tình hình căng thẳng thêm, khuyến nghị các bên liên quan áp dụng các nguyên tắc của Hiệp ước thân thiện và hợp tác tại Đông Nam Á để làm cơ sở  xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Hội nghị ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc tại Bruney năm 2021

Đến ngày 21/7/1996, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhóm họp tại Jakarta, Indonesia lần đầu tiên tán thành ý tưởng về việc phải có được một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, tạo nền tảng cho sự ổn định lâu dài trong khu vực và thúc đẩy sự hiểu biết giữa các nước có yêu sách. Ý tưởng này được cho là phản ứng của ASEAN trước việc Trung Quốc chiếm Đá Vành Khăn [ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam – PV] trước đó một năm rưỡi.

Tiếp đó, việc xây dựng COC được lãnh đạo các nước ASEAN nhất trí thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN tổ chức ở Hà Nội (tháng 7/1998). Đầu năm 1999, trên cơ sở dự thảo của Philippines và Việt Nam, ASEAN đã nỗ lực thảo luận về COC và đến cuối năm đó, Hiệp hội đã thống nhất được dự thảo chung của COC để đàm phán với Trung Quốc. Đầu năm 2000, hai bên bắt đầu tiến hành thương lượng về dự thảo COC. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã từ chối đàm phán nên việc xây dựng COC gặp nhiều khó khăn, thậm chí rơi vào bế tắc.

Để tìm lối thoát và duy trì hòa bình, an ninh trên Biển Đông, tháng 11/2002, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 8 tổ chức ở Campuchia, các nước ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Đây được xem như một biện pháp thỏa hiệp tạm thời, bước đầu tạo ra môi trường chính trị có lợi cho việc giải quyết tranh chấp, ngăn chặn xung đột, bảo đảm hòa bình và ổn định ở Biển Đông sau này.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) khó thông qua trong năm nay do còn tồn tại nhiều vấn đề chưa có lời giải. 

Mới đây, trong chuyến công du 5 nước Đông Nam Á, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc - ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc tham vấn về Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và làm việc với tất cả các bên liên quan trong việc tạo ra vùng biển hòa bình và hợp tác.

Song phó giáo sư Hoo Tiang Boon tại Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore) nhận định, đàm phán về COC nhằm kiểm soát căng thẳng ở Biển Đông khó có tiến triển lớn thậm chí trước thời điểm cuối năm 2023.

Còn nhớ, tại tọa đàm với chủ đề “Biển Đông: COC là công cụ để giải quyết xung đột” tại Kula Lumpur cách nay mấy năm, khi điểm lại những diễn biến chính tại Biển Đông từ năm 1992, chuyên gia đến từ đại học Quốc phòng Australia đánh giá cao việc các bên đã xây dựng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời ông cũng phản đối các hành vi gây phức tạp tình hình, leo thang căng thẳng của Trung Quốc, các hoạt động cải tạo, thay đổi hiện trạng tại Biển Đông.

Giáo sư Thayer nhận định Phán quyết PCA là sự diễn giải, áp dụng thực tiễn của UNCLOS 1982 và mang đầy đủ giá trị pháp lý, là một cơ sở quan trọng, giá trị trong giải quyết tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Với nội dung phán quyết PCA, theo chuyên gia này, tuyên bố chủ quyền đường chín đoạn của Trung Quốc không có cơ sở lịch sử và pháp lý.

Về COC, chuyên gia đến từ đại học Quốc phòng Australia nhận định ASEAN sẽ là động lực thúc đẩy quá trình đàm phán bộ quy tắc ứng xử này, trong đó ASEAN cần tăng cường đoàn kết nội khối.

Trung Quốc và ASEAN cần tăng cường các biện pháp xây dựng niềm tin, thúc đẩy các biện pháp ngoại giao và xây dựng cơ chế giải quyết xung đột trên cơ sở luật pháp quốc tế cũng như tự kiềm chế, không gia tăng hành vi gây căng thẳng tại Biển Đông.

COC cần chuẩn hóa cách ứng xử cho mọi tình huống

Việc xây dựng COC cần trên cơ sở luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS 1982 và phán quyết PCA, trong đó Giáo sư Carly Thayer nhấn mạnh bản quy tắc ứng xử này cần phải được các quốc gia thông qua theo trình tự pháp lý của nước mình. Cùng với đó, ông khuyến nghị các nước ASEAN và Trung Quốc tiếp tục duy trì hợp tác giữa các cơ quan chấp pháp biển, nhất là duy trì đường dây nóng, thường xuyên trao đổi thông tin.

Giáo sư Bun Nagara, chuyên gia uy tín tại ISIS, cho rằng quá trình đàm phán, ký kết COC sẽ tiếp tục kéo dài, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ-Trung diễn biến phức tạp.

Theo chuyên gia này, COC cần chuẩn hóa cách ứng xử cho mọi tình huống, xác định nhận thức chung về tình hình, đưa ra tiêu chuẩn trong quá trình triển khai, giúp phân biệt các hành vi vô ý và các hành vi có chủ đích, đồng thời giúp giảm thiểu tối đa các mối nguy cơ xuất phát từ việc không có sự chia sẻ về nhận thức, quan điểm và hiểu nhau cũng như các biện pháp xây dựng lòng tin và lợi ích chung.

Chuyên gia Ang Chin Hup đã phân tích khía cạnh kinh tế trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Trong bài tham luận của mình tại tọa đàm, chuyên gia cao cấp này nhấn mạnh Biển Đông có tầm quan trọng đặc biệt không chỉ đối với khu vực mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại toàn cầu. Theo chuyên gia này, COC sẽ giúp thúc đẩy hòa bình, ổn định tại khu vực cũng như thúc đẩy giao thương và tăng trưởng kinh tế.

Trong phần tranh luận, nhiều đại biểu, khách mời cũng cho rằng để đạt được COC thì sự đồng thuận, đoàn kết nội khối trong ASEAN cần phải được tăng cường cũng như đánh giá cao vai trò và uy tín của Việt Nam, nước đang đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN 2020.

Cựu đô đốc Hải quân Hoàng gia Malaysia, Danyal Balagopal Abdullah, đã chia sẻ những hiểu biết và nhận định của mình về Biển Đông và COC. Ông cho rằng COC với tư cách là sự áp dụng về mặt pháp lý UNCLOS và Luật Biển quốc tế, là công cụ quan trọng giúp giảm thiểu căng thẳng, ổn định tình hình khu vực.

Ông nhấn mạnh việc đoàn kết và chia sẻ thông tin giữa các nước Đông Nam Á vô cùng quan trọng, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình xây dựng COC.

Quyết Thắng, Minh Hưng, Anh Dũng