- Chỉ với một chiếc smartphone có kết nối internet trong tay, người dân có thể "làm chủ" khi theo dõi, giám sát toàn bộ hoạt động của các cơ quan hành chính đang giải quyết những kiến nghị về thủ tục do mình gửi đến ra sao.

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) Ngô Hải Phan đã chủ ý mô tả nôm na như trên về lợi ích người dân có thể thụ hưởng từ một bản đề án tham vọng giải quyết những bất cập về giải quyết thủ tục hành chính thủ công lâu nay, dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin.

Tại hội thảo diễn ra ngày 20/8 tại Hà Nội, bản dự thảo đề án "Thiết lập hệ thống thông tin điện tử tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả, giải quyết thủ tục hành chính ở các cấp chính quyền trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính" được Cục đưa ra tham vấn rộng rãi với các bộ, ngành, cơ quan và các doanh nghiệp công nghệ.

Lẽ dĩ nhiên, không phải cứ có smartphone cài internet như ông Phan nêu, người dân mới có thể giám sát được việc giải quyết kiến nghị về thủ tục hành chính.

Đó chỉ là cách ông đơn giản hóa theo cách dễ hiểu nhất về sự chủ động, làm chủ của người dân cả về không gian, thời gian, thậm chí giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính ở các cấp chính quyền, mà lâu nay, do cách giải quyết thủ công vốn không đặt yếu tố minh bạch làm đầu.

{keywords}
Ảnh: Long Anh

Ông Lê Vệ Quốc, thành viên tổ biên tập đề án trên, cho hay trước đây, nếu người dân làm đăng ký giải quyết thủ tục hành chính, họ phải mất công qua các công đoạn tra cứu tìm hiểu thủ tục, nộp hồ sơ, rồi theo dõi việc giải quyết.

Thậm chí nhiều khi đến hẹn, mất công đi lại, cũng vẫn chưa cầm được trên tay kết quả giải quyết. Với giao diện dịch vụ công điện tử, họ sẽ có một mã số dịch vụ theo kiến nghị  để truy cập vào toàn bộ hệ thống các cấp xem thủ tục của mình đã được triển khai đến bước nào.

Như thế, sẽ không còn chuyện hạch sách, vòi vĩnh, gây khó dễ, tốn kém thời gian đi lại của cán bộ thực hiện dịch vụ công như trước.

Chưa từng có tiền lệ

Mục tiêu của đề án là giảm chi phí tuân thủ thực hiện thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức, chi phí hành chính cho cơ quan hành chính nhà nước trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, giải quyết thủ tục hành chính cũng như việc theo dõi, kiểm soát các hoạt động này, đánh giá xếp hạng về chất lượng của công tác này tại các cơ quan hành chính nhà nước, tạo cơ chế kiểm soát một cách đồng bộ thủ tục hành chính.

Theo ông Quốc, ước tính, mỗi năm, có thể tiết kiệm được 570 tỷ đồng, so với việc vận hành mô hình giải quyết thủ công hiện nay.

{keywords}
Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan. Ảnh: C.H

Ý tưởng của bản đề án có tên gọi khá dài trên được ủng hộ mạnh mẽ. Song do chưa từng có một đề án tiền lệ thực hiện dù chỉ ở quy mô nhỏ để so sánh, nên có những ý kiến băn khoăn.

Ông Lê Quốc Hữu, Công ty FPT, cho rằng, quy mô tiếp nhận, xử lý cho khoảng 600 nghìn thủ tục/ngày ở tất cả các cấp chính quyền, trên tất cả các tỉnh, thành cả nước của bản đề án là rất lớn. Việc lưu trữ thủ tục hành chính giao dịch như vậy được quy định trong bao lâu?

Trong khi đó, quy mô cập nhật thông tin của các cán bộ thủ tục hành chính hàng ngày cũng rất lớn. Ngoài ra cần lưu về bảo mật cho giao dịch thủ tục hành chính.

Với một nhu cầu xử lý giao dịch cao hàng ngày như vậy, đòi hỏi một hệ thống hạ tầng chuyên nghiệp, mà kinh phí tổng đề án 78 tỷ đồng như nhóm thực hiện đề xuất còn quá khiêm tốn, không đủ đảm bảo thực hiện toàn diện ý tưởng.

Như ông Hữu mô tả, đây là bản đề án phục vụ giải quyết dịch vụ hành chính công điện tử cho cả nước, do cơ quan Nhà nước chủ trì, chưa từng có từ trước đến nay. Theo đó, nên ủng hộ đề án có khoản kinh phí hơn 100 tỷ đồng để thực hiện trọn vẹn ý tưởng.

Ông Hoàng Thanh Phúc, Công ty cổ phần tập đoàn HIBT cho rằng, sẽ có khó khăn khi triển khai do mức độ sẵn sàng cung cấp thông tin của các cơ quan thụ lý hành chính, theo đó nên thiết lập cơ chế lấy dữ liệu tự động từ các cơ quan này...

Cục trưởng Phan cho hay bản đề án này có ưu điểm đó là bảo đảm tiết kiệm trên cơ sở kế thừa và phát triển hạ tầng đã có sẵn của các cơ quan nhà nước và hệ thống dữ liệu trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính (đã thành lập).

Nó sẽ giúp kiến tạo một hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, kết quả giải quyết thủ tục hành chính thống nhất, không chồng chéo trên cơ sở pháp lý vững chắc.

Mọi vấn đề còn lại hiện nay là hoàn thiện yếu tố kỹ thuật của các bước triển khai. Bản dự thảo này sẽ được hoàn chỉnh để có thể khởi động thực hiện trong năm sau 2014.

Đến kết thúc 2016, hệ thống này sẽ chính thức hoàn thiện. Việc vận hành, triển khai thí điểm sẽ diễn ra ở 5 thành phố lớn và một số bộ ngành, trước khi có đánh giá, tổng kết để áp dụng đại trà trên cả nước.

Linh Thư