Văn hóa dân tộc, gia đình được hình thành, phát triển gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, là một chỉnh thể phong phú bao gồm tri thức, tư tưởng, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, pháp luật, phong tục, tập quán và truyền thống… hình thành nên hệ giá trị chân - thiện - mỹ mang bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Ở Bình Thuận, hệ giá trị đó gồm các giá trị về truyền thống dân tộc và chuẩn mực con người như tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng, tinh thần nhân văn, lạc quan, siêng năng, cần cù, sáng tạo, bất khuất, kiên cường, trung dũng, hiếu học, quan tâm sẻ chia, nghĩa tình, thủy chung, hiếu thảo, lễ phép…
Cùng với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc xây dựng chuẩn mực giá trị văn hóa con người Bình Thuận gắn với gìn giữ, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam là một yêu cầu cơ bản, cấp bách để định hướng, đánh giá và điều chỉnh hành vi con người, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tạo môi trường và điều kiện để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật”.
Do đó, việc nghiên cứu, xây dựng chuẩn mực giá trị văn hóa con người Bình Thuận và gìn giữ, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam hiện nay cần phải được đặt trong bối cảnh của tình hình mới.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, cũng xác định rõ nhiệm vụ này, nhất là khi kết quả đạt được trên lĩnh vực văn hóa, con người Bình Thuận và gia đình chưa tương xứng với phát triển kinh tế; thụ hưởng văn hóa còn chênh lệch lớn giữa các vùng miền và tầng lớp nhân dân. Việc xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh tuy được quan tâm nhưng chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Môi trường văn hóa cũng tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng. Chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, thói vô cảm, tâm lý tiêu dùng vật chất, là mặt trái của kinh tế thị trường, đang thâm nhập vào từng gia đình.
Theo đánh giá của ngành văn hóa địa phương, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chuẩn mực giá trị văn hóa con người Bình Thuận và hệ giá trị gia đình Việt Nam đang đứng trước những biến động, có sự suy giảm ở một số giá trị truyền thống. Chuẩn mực giá trị văn hóa con người đối diện nguy cơ, thử thách và có hướng biến đổi theo các biểu hiện phi truyền thống.
Để văn hóa con người Bình Thuận và hệ giá trị gia đình Việt Nam trở lại với các giá trị chân - thiện - mỹ, địa phương đã đề ra kế hoạch xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam. Theo đó, việc phát triển văn hóa con người và hệ giá trị gia đình phải được đặt ngang hàng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững.
Bình Thuận cũng quyết tâm bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan; lấy gia đình, dòng tộc, cộng đồng dân cư, tổ chức trong xã hội làm nền tảng để xây dựng, phát triển văn hóa con người và gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Trong 7 quan điểm về xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam, Bình Thuận chú ý tới vấn đề bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc kết hợp với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại.