Trong bối cảnh hình ảnh và quan hệ của Mỹ với một số nước châu Âu đang có chiều hướng xấu đi sau vụ Snowden, thì cuộc gặp thượng đỉnh giữa Mỹ-Baltic lại trở thành con bài hữu dụng mà ông Obama rất cần để “xoay chuyển” thế sự trong lúc này.

Theo lời mời của Tổng thống Mỹ Barack Obama, nguyên thủ của 3 nước Baltic gồm Tổng thống Litva Dalia Grybauskaite, Tổng thống Estonia Toomas Hendrik Ilves và Tổng thống Latvia Andris Beins sẽ thăm chính thức Washington DC và dự kiến sẽ có cuộc gặp tay tư với Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng vào ngày 30/8 tới. Thông thường, những lời mời trực tiếp từ Nhà Trắng như vậy là rất hiếm, vậy tại sao ông Obama lại quyết định mời các vị nguyên thủ của 3 nước Baltic đến Nhà Trắng vào thời điểm này?

Theo thông báo của Nhà Trắng, mục đích chuyến thăm này này là để kỷ niệm 15 năm năm ký kết Hiệp định Đối tác giữa Mỹ và ba nước Baltic. Đồng thời, với tư cách là những đồng minh trong NATO, cả 4 nhà lãnh đạo sẽ bàn thảo về các vấn đề liên quan đến lợi ích chung, bao gồm hợp tác an ninh năng lượng, đàm phán về Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương, quốc phòng và hợp tác công nghệ cao...[1]. Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ địa-chính trị, hẳn là ông Obama còn có nhiều lý do sâu xa khác khi mời 3 vị nguyên thủ Baltic đến Nhà Trắng vào thời điểm này.

{keywords}

Lý do rõ ràng nhất là việc ông Obama muốn “hâm nóng” lại quan hệ giữa Mỹ và EU. Theo nhà phân tích chính trị Kęstutis Girnius của Học viện Quan hệ quốc tế và Khoa học chính trị thuộc trường Đại học Vilnius (Litva), châu Âu  vẫn cho rằng Mỹ dường như dành ít sự quan tâm đến khu vực này thời gian qua, do đó không nắm rõ những mối lo ngại của “lục địa già”. Hơn nữa, vai trò của Mỹ trong việc giải quyết khủng hoảng tài chính ở châu Âu cũng hết sức mờ nhạt.

Đáng lưu ý, năm 2013 là năm mà Litva giữ chức chủ tịch luân phiên của EU, chính vì thế, cuộc gặp giữa ông Obama và Tổng thống Litva Grybauskaite sẽ giúp Mỹ cải thiện phần nào mối quan hệ với EU và khẳng định rõ hơn vai trò của mình tại châu Âu, nhất là khi Trung Quốc, đối trọng của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương đang xây dựng hình ảnh tích cực ở châu Âu khi có nhiều trợ giúp về kinh tế đối với các nước đang rơi vào khủng hoảng.

Ngoài ra, do các nước Baltic là những nước ủng hộ tự do thương mại mạnh mẽ trong EU, nên Washington cần tranh thủ tiếng nói của các nước này để tháo gỡ các rào cản và thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình đàm phán Hiệp định đối tác Thương mại-Đầu tư xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và EU.

Một lý do khác là Mỹ cần cuộc gặp này nhằm “hạ hỏa” cơn thịnh nộ của châu Âu sau vụ cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden tiết lộ việc chính phủ Mỹ nghe lén thông tin của một số nước đồng minh châu Âu. Trong khi các nước lớn trong EU như Đức, Pháp, Anh tỏ ra giận dữ và phản ứng dữ dội trước thông tin này thì các nước Baltic lại giữ một thái độ bình thản và không có một chỉ trích công khai nào nhằm vào Mỹ.

Cả Litva, Estonia và Latvia thừa biết rằng các nước khác như Nga và thậm chí cả một số nước EU cũng có các chương trình nghe lén hay gián điệp như Mỹ. Chính Tổng thống Litva Dalia Grybauskaite và Tổng thống Estonia Toomas Ilves đều cho rằng phản ứng của một số nước châu Âu là “hơi quá”, đồng thời cũng kêu gọi không nên để scandal nghe lén này của Mỹ ảnh hưởng đến đàm phán Hiệp định đối tác Thương mại-Đầu tư giữa Mỹ và EU.

Cuộc gặp Thượng đỉnh giữa lãnh đạo Mỹ và 3 nước Baltic còn có một mục đích khác không kém phần quan trọng là gây áp lực lên phía Nga. Quan hệ Mỹ-Nga lâu nay vốn đã tồn tại nhiều vấn đề, nay lại càng thêm xấu đi sau khi Nga đồng ý cho phép Edward Snowden được tỵ nạn chính trị và Tổng thống Obama đã từ chối thăm chính thức và họp Thượng đỉnh với Tổng thống Nga Putin khi sang dự Hội nghị G20 tại St Petersburg vào tháng 9 tới. Bản thân quan hệ Nga-Baltic cũng chưa bao giờ “xuôi chèo, mát mái” sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 và Nga luôn tỏ ra không hài lòng trước việc ba nước Baltic tham gia NATO.

Chính vì thế, cuộc gặp Mỹ- Baltic sắp tới, diễn ra ngay sau Hội nghị G20 tại Nga, sẽ là tín hiệu mà Mỹ muốn gửi đến Nga rằng Mỹ sẽ tăng cường hỗ trợ những đồng minh NATO của mình ở Baltic, nhất là trong lĩnh vực an ninh năng lượng và an ninh mạng, để tạo đối trọng với Nga. Điều này sẽ giúp các nước Baltic tự tin hơn trong quan hệ với Nga vì đằng sau lưng họ là sự hậu thuẫn mạnh mẽ của siêu cường Mỹ.

Lý do cuối cùng không gì khác hơn ngoài việc xóa bỏ những rào cản trong quan hệ Mỹ-Baltic, nhất là với Litva. Từ khi nhậm chức Tổng thống đến nay, ông Obama chưa có bất kỳ cuộc gặp chính thức nào với những người đồng cấp ở khu vực Baltic. Tờ Vilnius Diena của Litva đã đặt câu hỏi trong một bài báo vào tháng 3/2013 rằng có phải ông Obama không coi trọng vai trò của các nước Baltic như Litva hay không? Thậm chí, Tổng thống Litva, bà Dalia Grybauskaite đã từng từ chối lời mời đến Nhà Trắng của Tổng thống Obama vào năm 2010 mà không rõ nguyên do. Chính bà Grybauskaite cũng đã phản ứng dữ dội thỏa thuận do chính Mỹ khởi xướng yêu cầu các thành viên NATO dành 2% GDP cho chi tiêu quân sự.

Tuy nhiên, vị thế của Litva và bà Grybauskaite đã thay đổi sau Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Chicago vào tháng 5 năm 2012. Với vai trò chủ tịch luân phiên của EU hiện nay, Litva vừa có những động thái tích cực ủng hộ chính sách quân sự của NATO, vừa dành những lời lẽ “có cánh” để ca ngợi quan hệ Mỹ-NATO trong thời gian gần đây. Do đó, cuộc gặp này dự kiến hứa hẹn sẽ đưa quan hệ của Mỹ với 3 nước Baltic phát triển theo hướng tích cực hơn và xóa nhòa những bất đồng còn tồn tại trong quá khứ giữa các bên.

Rõ ràng, cuộc gặp sắp tới tại Washington giữa Mỹ và 3 nước Baltic được coi như là “ một mũi tên nhắm nhiều mục tiêu”. Trong bối cảnh hình ảnh và quan hệ của Mỹ với một số nước châu Âu đang có chiều hướng xấu đi sau vụ Snowden, thì cuộc gặp thượng đỉnh giữa Mỹ-Baltic lại trở thành con bài hữu dụng mà ông Obama rất cần để “xoay chuyển” thế sự trong lúc này.

Bùi Lê Quý

----------------------------

[1] White House, Statement by the Press Secretary on the Visit of Baltic Leaders.

Tham khảo:

* Opinion: En route to the White House- The Lithuania Tribune, 10th August 2013.

* White House, Statement by the Press Secretary on the Visit of Baltic Leaders.

* Why does Barack Obama need Dalia Grysbauskaite- The Lithuania Tribune..

* Is Barack Obama avoiding Dalia Grybauskaite?- The Lithuania Tribune.