Tôi không ủng hộ cái quy định cấm không cho sinh viên mặc quần
jeans vào trường học nhưng có nhiều điều phải bàn quanh chuyện này.
LTS: Chuyện ĐH Cửu Long và một số trường ĐH cấm SV quần jeans, dép lê tới giảng đường nhận được nhiều góc nhìn khác nhau, đồng tình hoặc phản đối. Tuần Việt Nam vừa nhận được bài viết của một GV trẻ, tôn trọng tính thông tin đa chiều, xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Nếu như có ai đó hỏi tôi “cảm xúc của bạn sau khi đọc các thông tin đó là gì?”, rất chân thành tôi sẽ trả lời: hiện có rất nhiều chuyện đáng bàn hơn thay vì ngồi đó “bất bình hộ cho cái quần jeans”.
Trước ngày cấm, SV ĐH Cửu Long vẫn quần jeans tới trường. Ảnh: Quốc Huy |
Hoặc không nữa tôi sẽ tìm lên cao nguyên Đà Lạt tham quan học tập các bác nông dân về quy trình trồng cải sạch, rau sạch... để xuất khẩu sang thị trường EU (nơi vừa cảnh báo chỉ cần phát hiện thêm hai lô hàng rau nhập khẩu của ta vi phạm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm thì họ sẽ ban lệnh “cấm cửa” không cho ta nhập hàng sang nữa) thay vì ngồi đó vắt óc đặt ra câu hỏi rất nông nổi: Cấm quần jeans thì chúng em mặc cái gì?
Và nếu có điều kiện tôi sẽ lên học viện đào tạo bóng đá của bầu Đức ở Hoàng Anh Gia Lai để tìm hiểu nội quy sinh hoạt của học viện này.
Tôi sẽ tìm hiểu những điều mà bầu Đức và ban huấn luyện nơi đây đã cấm các cầu thủ U19 không được làm từ khi họ còn là những cậu bé con chân ướt chân ráo bước vào học viện. Bởi tôi tin nếu như không có những điều cấm để tạo nên thói quen về ý thức kỷ luật trong sinh hoạt, ý thức và sự tôn trọng bản thân mình và người khác thì không thể có một U19 hiện nay “tả xung hữu đột” ở tất cả các giải bóng đá quốc tế quan trọng thời gian qua giúp 90 triệu người Việt vớt vát lại chút niềm tin về tương lai của nền bóng đá nước nhà.
Và tôi cũng hy vọng mọi người sẽ chia sẻ ý nghĩ chân thành này của tôi: Rằng, quan điểm cấm có phần hơi khắt khe của bầu Đức không phải để làm hại các cầu thủ U19, làm hại bóng đá Việt Nam mà là ngược lại.
Từ đây nhìn rộng ra những biện pháp cấm trong hoàn cảnh tương tự như thế này thực ra cũng là cách làm nhằm tôn vinh cái đẹp, bảo vệ cái đẹp trước nguy cơ lây lan, tiêm nhiễm của cái xấu chứ không phải “sợ cái đẹp”.
Thử hình dung các cầu thủ U19 hay các em sinh viên bị lãnh đạo trường ĐH nào đó cấm mặc quần jeans đến lớp, mà họ còn cả một quãng đời tương lai rất dài phía trước; còn cả một không gian rất rộng lớn để tự do thể hiện cá tính của bản thân. Một trận đấu bóng đá chỉ 90 phút, bốn năm ĐH là một cái chớp mắt và không phải ngày nào các em cũng phải vào trường...
Từ đây mà suy, trong một điều kiện, một hoàn cảnh, môi trường nhất định nào đó quan điểm cấm, biện pháp cấm của những người làm công tác quản trị vẫn có tác dụng tích cực nhằm điều chỉnh hành vi của con người, giúp họ ngày một văn minh và tiến bộ hơn (đặc biệt là với những người mà sự ý thức về những thang giá trị văn hóa còn kém)? Và cấm trong những trường hợp này cần phải được hiểu trên tinh thần của sự cam và kết tuân thủ những điều luật trong một cuộc chơi cụ thể mà anh đã chấp nhận tham gia. Sau khi kết thúc cuộc chơi thì anh được tự do hoặc thương lượng lại.
Cũng giống như muốn vào chùa làm đệ tử của Phật thì phải ăn chay và không được sát sinh; muốn xuất khẩu rau, củ, quả vào thị trường EU thì phải tuân thủ quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở mức cho phép chứ không phải đem nhúng hóa chất như kiểu làm ăn chụp giật của mấy tay thương lái Trung Quốc...
Thật lòng mà nói, với quan điểm cá nhân, tôi cũng không ủng hộ cái quy định cấm không cho sinh viên mặc quần jeans vào trường học nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tùy tiện suy diễn và bóp méo bản chất của sự việc hay “tranh nhau làm người tử tế” mà vô cớ xúc phạm cá nhân người khác.
--------------Nguồn:
1. Tranh nhau làm người tử tế http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2012-10-19-mua-tu-te
2. Quần jeans, áo mỏng cấm hết cho yên tâm http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/201337/quan-jeans--ao-mong--cam-het-cho-yen-tam-.html
3. “Cấm quần jeans thì chúng em bận cái gì?” http://infonet.vn/cam-quan-jean-sinh-vien-chung-em-mac-cai-gi-post146984.info
- Quách Hạo Nhiên