Hàng quán cóc nhếch nhác mọc lên ở khắp lòng đường. Kèm với đó là ti tỉ thứ tạp âm cũng được hỗ trợ bởi loa công suất lớn để bán hàng. Và khi bài hát Con bướm Xuân vang vang bên đồi Lim, nhiều người thưởng ngoạn Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại lắc đầu ngao ngán.

Hình ảnh trớ trêu trên không phải là điều khó coi duy nhất của Hội Lim 2014 diễn ra hôm qua (13 tháng Giêng Âm lịch).

{keywords}

Liền anh liền chị cưỡi thuyền rồng, chìa khay “miễn cưỡng” nhận tiền.

Hát quan họ qua loa do… dân số tăng

Trao đổi với TT&VH tại lễ hội, ông Lê Xuân Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Du (Bắc Ninh), Trưởng ban Chỉ đạo tổ chức lễ hội khẳng định: Năm nay, chúng tôi đã thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức lễ hội từ rất sớm. Quan họ sẽ là tâm điểm của nội dung lễ hội. Hội Lim sẽ là nơi Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại này lan tỏa. Cùng với quan họ, chúng tôi cũng tổ chức những trò chơi truyền thống để khơi gợi văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, trên thực tế BTC không kiểm soát được âm lượng loa từ những hàng quán bên đường. Bởi vậy, những Gangnam Style, Con bướm Xuân, Anh không đòi quà… vang dội khắp hội. Điều này khiến những làn điệu quan họ có phần bị lấn át và nhiễu âm thanh trong lễ hội.

Cũng theo chia sẻ của ông Lê Xuân Lợi, thí điểm phục cổ bằng việc hát quan họ không dùng micro năm ngoái đã thất bại. “Năm nay chúng tôi đã buộc phải cho các lán dùng loa trở lại vì… dân số tăng, hội đông hơn xưa rất nhiều. Năm ngoái, không dùng loa, liền anh liền chị hát khản cổ mà du khách vẫn không thể nghe được những lời ca vang, rền, nền, nảy.”

Khi được hỏi về vấn đề “chạy đua âm thanh” giữa các lán quan họ, ông Lợi khẳng định: “Chúng tôi đã giới hạn âm lượng của các lán quan họ nên không có chuyện các lán cố đua âm thanh để gây chú ý như mọi năm”.

Tuy nhiên, ông Lợi không đề cập tới vấn đề kiểm soát âm lượng và quy định loại nhạc của hàng quán nhan nhản quanh hội.

Về vấn đề  hàng quán rong thỏa sức dùng loa đài, ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Sở VH,TT&DL Bắc Ninh cho hay: Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện yêu cầu các hộ bán hàng rong trong khu vực phải ký cam kết tuân thủ quy định lễ hội. Song thực tế diễn ra không như ý. Sở ghi nhận đóng góp của báo giới và sẽ tiếp tục tham mưu để chính quyền vào cuộc mạnh tay.

“Không bao giờ ngả nón xin tiền”

Ông Nguyễn Văn Phong nói tiếp: Năm nay, Sở tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện nghiêm cấm ngả nón nhận tiền. Đây là những hình ảnh phản cảm, cần tránh của lễ hội. 

Theo ghi nhận của TT&VH, để “lách” tham mưu, chỉ đạo của Sở, năm nay, liền anh liền chị không dùng nón nhận tiền như mọi năm. Thay vào đó, liền anh, liền chị dùng các khay kim loại nhận tiền. Khi nhận tiền, liền anh liền chị cũng không quên đưa cho du khách têm trầu hoặc tờ rơi của CLB quan họ như một hình thức đáp lễ. Việc làm khéo léo này khiến việc đưa - nhận tiền bớt phản cảm phần nào.

Giải đáp vấn đề này, ông Lê Xuân Lợi, Trưởng ban chỉ đạo tổ chức Hội Lim 2014 cho hay: “Liền anh, liền chị không bao giờ ngả nón xin tiền trong hội Lim. Tại du khách nghe hát hay rồi rút tiền ra bồi dưỡng liền anh, liền chị. Những năm trước, theo phép lịch sự của người Kinh Bắc, liền anh, liền chị miễn cưỡng ngả chiếc nón đang đội để khách thả tiền vào”.

Khi được hỏi về lệnh cấm “ngả nón xin tiền”, ông Lợi xác nhận: Lệnh cấm được thực hiện rất nghiêm ngặt và chúng tôi không phát hiện trường hợp nào ngả nón xin tiền. Vì như tôi đã nói, liền anh, liền chị không bao giờ ngả nón xin tiền”.

Hội Lim diễn ra trong hai ngày 12, 13 tháng Giêng (Âm lịch). Theo thông tin từ BTC, do không phải ngày nghỉ, Hội Lim năm nay thu hút 20 vạn du khách (thấp hơn 10 vạn so với năm ngoái).

Theo Thể thao & Văn hóa