- Suốt gần 25 năm sau ngày ra trường, chúng tôi chỉ tổ chức được 2 lần họp lớp. Song đó đều là những lần rất vui, nhiều kỷ niệm.

Chúng tôi học khóa 10, Khoa Ngữ văn (Trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn niên khóa 1987-1991). Đó là một khóa nhiều người học giỏi, lắm tài hoa, được nhiều thầy ví là “mang cái hồn của trường”, song cũng lại là khóa được cuộc đời dành cho nhiều thử thách.

Bước ra đời từ một cánh cửa hẹp, đời chúng tôi lắm long đong lận đận. Đó là những ngày xã hội đang vật vã chuyển mình từ thời bao cấp sang thời kinh tế thị trường . Ngành giáo dục thì như đang trong cơn bão, nào tinh giản biên chế theo chỉ thị 76, nào phân ban, cải cách…

{keywords}
Hình ảnh minh họa

Cả khóa vừa thi tốt nghiệp xong thì cũng vừa tan tác, hơn sáu mươi trên bảy mươi đứa ra trường bỏ nghề. Có đứa mở quán hớt tóc, bén nghề rồi làm riết luôn tới nay, không dạy được cái đẹp thì đi làm đẹp cho người vậy.

Rồi có đứa làm phụ xế xe đò, học văn chương cho lắm chỉ để còn xài vài chữ : "Ê! Xe đi Gia Lai đây…Có khách…Tấp vô…."

Tệ hơn, đói quá sinh liều, có đứa dùng vốn Hán Nôm học được về quê vẽ bùa bán chữ lấy tiền ….Vỡ lòng học lấy những nghề nghiệp hay, nhưng chẳng nghề gì chúng tôi nề hà.

Thế rồi, vật vã theo thời gian, giờ đây khóa 10 cũng đã trưởng thành. Có hàng chục đứa gọi là thành đạt, là quan chức cấp tỉnh, cấp huyện.... Có đứa làm ăn kinh tế thành đạt bên trời Âu , đất Mỹ . Nhưng cũng có đứa thất thế, long đong cho tới bây giờ. Cuộc đời là thế …..

Nhưng, chắc cũng vì thế, nên chỉ có tình bạn, tình đồng môn, đứa nào cũng giữ, cũng chắt chiu, trân trọng những kỷ niệm yêu thương một thời ở ngôi trường bên biển .

Cả hai lần họp lớp, chúng tôi gặp nhau trong một chương trình đơn giản.

Lần thứ nhất họp mặt tại trường cũ ở Quy Nhơn, có mời thầy cô cũ tham dự, có liên hoan, có tặng quà lưu niệm cho Khoa cũ.

Lần thứ hai do các bạn ở Nha Trang đăng ký tổ chức, cũng họp mặt toàn lớp làm một cái lễ họp mặt giản dị, rồi liên hoan. Đêm cuối cùng, chúng tôi thuê một chiếc thuyền du lịch trên biển đêm Nha Trang, có đem theo ít đồ ăn nhẹ và ghi ta để đàn hát.

Điều đáng nói là trong cả hai lần hội ngộ rồi chia tay ấy, chúng tôi đều tay bắt mặt mừng trong niềm hân hoan. Mấy ngày ngắn ngủi tách khỏi công việc để ở bên nhau, tất cả như quên tuổi tác, vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Dấu ấn của một thời sinh viên ùa về với biết bao kỉ niệm vui buồn trong những câu chuyện huyên thuyên không hồi kết, rồi giành nhau hát hò ...

Nhớ đêm cuối cùng khi cùng liên hoan trên du thuyền giữa biển Nha Trang thơ mộng, con cái của chúng tôi đi theo, cứ tròn mắt nhìn bố mẹ, các cô chú đã U50 cả rồi, mà vui nổ trời, kể bao nhiêu chuyện cuộc sống sinh viên thời bao cấp ngày xưa cứ như là cổ tích, hát nhiệt tình , hát say mê bao nhiêu là ca khúc tình tứ, da diết…..Cả các cô dâu, chàng rể của khóa cũng tham gia tưng bừng.

Và khi đã về khuya, nhớ tới phút chia ly ngày mai, ca khúc “Chia tay hoàng hôn” vang lên , tất cả cùng hát trong một niềm xúc động.

Xúc động vì một nỗi niềm gì đó, lớn hơn là một cuộc hội ngộ rồi chia ly bình thường, mà hình như cuộc gặp này đã chạm đến miền thẳm sâu,  đến những ký ức sinh viên trong trẻo, dễ thương mà bạn nào cũng đã âm thầm mang theo trong đời.

Trong những lần gặp mặt ấy, không phải không có một chút buồn khi có những người không tham gia họp mặt, vì một nghịch cảnh nào đó, hay vì vương vấn chút mặc cảm riêng.

Nhưng, ai cũng thấy, nhờ những lần họp lớp đó,  mà chúng tôi được gặp lại những người bạn sau mấy mươi năm xa cách tưởng chừng đã thất lạc... để thấy cảm thấy thương hơn cho từng hoàn cảnh, để quí và khâm phục hơn những người bạn giàu nghị lực vượt qua hoàn cảnh vươn lên thành đạt.

Và cả bọn lại hăng hái bàn về kế hoạch họp lớp lần sau , với tâm niệm: "Dù đi đâu về đâu, dù làm nghề gì, chúng ta vẫn là đồng môn, là anh em một nhà…."

Hãy chia sẻ với chúng tôi về cảm nhận buổi họp lớp đáng để nhớ và nên...quên của bạn. Bài viết gửi về bangiaoduc@vietnamnet.vn. Bài viết phù hợp sẽ được đăng tải trên chuyên mục Giáo dục.
  • Vũ Tùng (TP.HCM)