Nếu không có những doanh nghiệp Việt trưởng thành thì chẳng những bỏ mất cơ hội phát triển một lần nữa mà lại còn phải gánh chịu hậu quả rất đáng lo.

LTS: Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2016 về chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế xã hội của đất nước” sẽ diễn ra sáng nay. Đây là diễn đàn quan trọng để Chính phủ lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh và bình đẳng thúc đẩy các doanh nghiệp  phát triển, ngày càng đóng góp lớn hơn vào đất nước.

Nhân dịp này, Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết của TS. Vũ Ngọc Hoàng để mọi người cùng tham khảo.

Ngày xưa, khi chưa có doanh nghiệp như bây giờ thì Đất nước vẫn tồn tại và đánh thắng ngoại xâm đó thôi! Đúng vậy. Đó là “ngày xưa” – một ngày xưa rất đỗi anh hùng nhưng chưa phát triển. Khi ấy, nền sản xuất và buôn bán còn rất nhỏ lẻ, manh mún, kinh tế thị trường còn sơ khai, hiệu quả kinh tế-xã hội thấp kém, sự phát triển rời rạc và vô cùng chậm chạp. Cái ngày xưa ấy sao có thể gọi là kinh nghiệm phát triển! Còn ngày nay thì phải khác, rất khác.

Dù mọi sự ví von đều khập khiễng, nhưng tôi vẫn muốn nói rằng: Nếu như trong chiến tranh, việc xây dựng các đơn vị bộ đội làm nòng cốt cho phong trào toàn dân kháng chiến đã mang ý nghĩa quyết định thắng lợi, thì ngày nay, trong xây dựng kinh tế, việc phát triển các doanh nghiệp Việt Nam đủ mạnh sẽ mang ý nghĩa quyết định thành công. Ngược lại, nếu để các doanh nghiệp Việt yếu kém, thì nước ta cầm chắc sẽ thất bại, tụt hậu, khó ngóc lên được.

Sau 30 năm đổi mới, hơn 20 năm nước ta mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp FDI vào nhiều, giải quyết công việc làm, sản xuất và kinh doanh có phát triển, thu ngân sách tăng lên đáng kể.

Việc mở cửa thu hút đầu tư FDI là đúng, cần phải tiếp tục lâu dài. Tuy nhiên, mặt khác, lại phát sinh nhiều vấn đề rất đáng phải suy nghĩ: Môi trường đang ngày càng bị ô nhiễm nặng hơn. Thất thu tài chính do “kỹ thuật” hạch toán, chuyển giá giữa công ty FDI ở Việt Nam và công ty mẹ ở nước ngoài. Họ chuyển lãi thật thành lỗ giả để không phải nộp thuế. Việt Nam cung cấp giá điện thấp (phải bù lỗ) và cho nhiều chính sách ưu đãi, kể cả những vị trí đắc địa, nhằm muốn dựa vào thương hiệu và kinh nghiệm của doanh nghiệp nước ngoài để doanh nghiệp Việt Nam cùng phát triển, nhưng nhiều trường hợp sau một thời gian thì họ thâu tóm dần, doanh nghiệp Việt Nam giảm dần tỷ trọng và đã bị ra khỏi liên doanh [do không có kinh nghiệm và yếu kém trong quản trị]; lĩnh vực công nghiệp hầu như không tạo được sản phẩm và công nghệ của Việt Nam, mà chủ yếu là gia công làm thuê và cho thuê mặt bằng; nền nông nghiệp có năng suất và hiệu quả thấp, du lịch còn nhỏ bé và yếu kém (dù nước ta có lợi thế đáng kể về nông nghiệp và du lịch); thị trường nội địa cũng mất dần…

{keywords}

Sáu năm qua, gần 300 ngàn doanh nghiệp Việt bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.

Về sự khập khiểng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, một số nhà nghiên cứu đã nói Việt Nam có “hai nền kinh tế trong một quốc gia” [đó là doanh nghiệp trong nước và FDI]. Hai bộ phận đó gần như không tương tác hỗ trợ lẫn nhau, thậm chí có mặt FDI còn lấn ép doanh nghiệp trong nước. Nhìn chung, doanh nghiệp trong nước yếu kém và thua thiệt hơn, kể cả do năng lực và do cơ chế. Đây là một thực tế rất đáng lo ngại, vì nền kinh tế nước ta không thể nào chỉ có làm thuê và cho thuê mặt bằng.

Sáu năm qua, gần 300 ngàn doanh nghiệp Việt bị phá sản hoặc ngừng hoạt động. Có lúc, không ít giám đốc doanh nghiệp phải tạm ngừng làm việc, đi đánh golf để tránh thua lỗ. Các doanh nghiệp nhà nước nhìn chung hiệu quả rất kém, nhiều doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, làm mất nhiều vốn của nhà nước, mất cán bộ và mất lòng tin, có doanh nghiệp đáng lẽ đã phá sản lâu rồi nhưng vẫn cố giữ để phải “sống dở chết dở” hoặc “lây bệnh” sang cho doanh nghiệp nhà nước khác (do tái cơ cấu nợ - chia nợ ra cho nhiều doanh nghiệp cùng gánh chịu...)

Tình hình nêu trên đòi hỏi phải hết sức quan tâm vấn đề xây dựng và phát triển doanh nghiệp Việt. Mặt khác, sắp tới đây hội nhập ngày càng mạnh mẽ hơn, với các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới đã ký kết và đang triển khai, các doanh nghiệp mạnh từ nước ngoài sẽ tiếp tục vào Việt Nam, cạnh tranh sẽ nhiều hơn, trên phạm vi toàn cầu và trên lãnh thổ Việt Nam.

Các doanh nghiệp còn nhỏ yếu của Việt Nam phải ra đại dương nhiều sóng gió. Mặc dù đó là con đường để phát triển nhưng thời gian đầu sẽ rất khó khăn. Nếu không có những doanh nghiệp Việt trưởng thành thì chẳng những bỏ mất cơ hội phát triển một lần nữa mà lại còn phải gánh chịu hậu quả rất đáng lo.

Đó là một lý do nữa, đòi hỏi phải tập trung sức phát triển doanh nghiệp Việt. Và phát triển doanh nghiệp cũng là cách quan tâm hữu hiệu nhất đối với công việc và đời sống của người lao động. Gần đây, Chính phủ đã có một số thể hiện quyết tâm giải quyết vấn đề này. Mặc dù mới là bước đầu nhưng tư duy đó là rất đúng, được dư luận đồng tình và đang chờ đợi các hành động cụ thể.

Để có thể phát triển được, trước tiên các doanh nghiệp Việt phải quyết chí tự học hỏi, liên tục bồi đắp và phát huy sức mạnh nội sinh, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, quyết xây dựng thương hiệu của mình và thương hiệu Việt nói chung, với tinh thần Dân tộc và yêu nước.

Người Việt Nam vốn bản lĩnh và thông minh, lẽ nào cứ cam chịu tụt hậu và yếu kém. Việc nâng cao năng lực thì không ai làm thay được lãnh đạo các doanh nghiệp. Năng lực là cái tự thân, không xin – cho được, không bao cấp được, không ai có thể lớn lên thay mình được. Phải tự học một cách thật sự cầu thị. Phải làm ăn thật nghiêm túc, chứ không phải chụp giật, mánh mung gian lận, đầu tư chất xám chứ không phải đầu tư “quan hệ”, không làm doanh nghiệp “sân sau” trong các “nhóm lợi ích”.

Thật đáng kính trọng những doanh nhân giỏi làm ăn chân chính đã vượt qua nhiều khó khăn để thành đạt. Khi tạo được các thương hiệu Việt có uy tín lớn và lâu dài trên thương trường quốc tế, họ xứng đáng được tôn vinh như những người anh hùng của nước Việt trong xây dựng kinh tế.

Còn Nhà nước, trước tiên là đề ra và thực hiện một khung pháp lý tiến bộ, nói chung không hình sự hóa vấn đề kinh tế (trừ trường hợp tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng có tổ chức), tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và doanh nhân hoạt động.

Môi trường ấy phải lành mạnh, bình đẳng và minh bạch; không tham nhũng, hối lộ, không “lợi ích nhóm”; thủ tục hành chánh không gây phiền hà bởi nhiều “cửa” nhiều cấp, ai cũng có thể gây cản trở và không ai phải chịu trách nhiệm về sự chậm trể; nhân viên nhà nước phải được giáo dục kỹ về trách nhiệm tận tâm phục vụ doanh nghiệp, không tham gia “xẻ thịt” làm cho doanh nghiệp phải chọn cách tiêu cực hoặc mệt mỏi, kiệt sức. Bảo đảm sự công bằng thật sự giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, giữa doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, kể cả giữa doanh nghiệp và những người sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ.

Hiện nay đang còn nhiều mặt không công bằng, khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp trong nước. Cần khắc phục ngay tình trạng này.

Các doanh nghiệp từ các thành phần khác nhau đều được bình đẳng thật sự, trong đó kinh tế tư nhân là động lực rất quan trọng và lâu dài của nền kinh tế, không có chuyện cái này chính cái kia phụ, thành phần kinh tế này chủ đạo, còn thành phần kinh tế khác là không chủ đạo.

Nói cách khác, không còn quan niệm sai lầm và phân biệt đối xử theo thành phần kinh tế. Lối tư duy coi thành phần kinh tế quốc doanh mới là con đường chính để đến CNXH hoặc trong xã hội XHCN thì sở hữu và thành phần kinh tế tư nhân sẽ không phù hợp là lối tư duy cũ và sai lầm. Nhất định không phải vậy! Cũng cần phân biệt rạch ròi doanh nghiệp nhà nước với kinh tế nhà nước, cái này không đồng nhất và cũng không phải nằm trong cái kia, đó là hai phạm trù khác nhau (kinh tế doanh nghiệp và kinh tế nhà nước). Nhà nước không trực tiếp can thiệp hoặc điều hành kinh doanh đối với doanh nghiệp, mà tập trung vào việc xây dựng môi trường kinh doanh, bình đẳng, minh bạch và thuận lợi cho tất cả các loại doanh nghiệp.

Nói chung, nên lần lượt cổ phần hóa hầu hết các doanh nghiệp nhà nước hiện nay, trừ những trường hợp trực tiếp phục vụ quốc phòng hoặc có ý nghĩa đặt biệt quan trọng đối với nền kinh tế mà tư nhân chưa ai chịu đầu tư. Cổ phần hóa theo đúng nghĩa chứ không phải biến doanh nghiệp nhà nước thành doanh nghiệp tư nhân một cách gian lận theo kiểu “lợi ích nhóm”, gây thiệt hại cho Nhà nước còn cán bộ thì giàu lên bất chính.

Phân bổ nguồn lực cho các doanh nghiệp theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm cơ sở, không phân biệt thành phần. Từ bỏ cách suy nghĩ sai lầm trước đây (kể cả còn đến nay) về vai trò bị xem nhẹ của kinh tế tư nhân. Nền kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ phải tiến lên chủ yếu bằng kinh tế tư nhân. Đó là chiến lược lâu dài, mãi mãi chứ không phải là sách lược giai đoạn. Kinh tế tư nhân sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ và đem lại sự phát triển hiệu quả của nền kinh tế. Và sự phát triển mới là con đường lên CNXH. Không có sự phát triển sẽ không bao giờ có CNXH trong hiện thực.

Kinh tế tư nhân khi phát triển tối đa, tự nó sẽ vượt qua giới hạn của chính mình, hình thành sở hữu xã hội, đó là kinh tế cổ phần (và kinh tế hợp tác). Kinh tế cổ phần xuất hiện và phát triển một cách tự nhiên, tự nó, do chính yêu cầu tiến lên của kinh tế tư nhân. Và kinh tế cổ phần không phủ định kinh tế tư nhân, ngược lại dựa trên sự phát triển của kinh tế tư nhân. Khi kinh tế cổ phần phát triển phổ biến, tính chất của xã hội (mối quan hệ giữa con người và con người) sẽ thay đổi, “ông chủ” cũng thay đổi, từ ông chủ tư nhân thành ông chủ là một cộng đồng, sở hữu xã hội xuất hiện, hình thái kinh tế mới dần dần hình thành. Đó sẽ là CNXH.

Như vậy, chính kinh tế tư nhân phát triển đến trình độ cao, tính chất xã hội hóa ngày càng nhiều (cộng với xã hội nhân văn và chính trị dân chủ) sẽ dẫn đến CNXH. Còn nếu cứ đặt nặng kinh tế quốc doanh, xã hội phân biệt đối xử theo thành phần và mất dân chủ thì sẽ là con đường sai lầm, bế tắc.

Chính C. Mác cuối đời, khi thấy kinh tế cổ phần và sở hữu xã hội xuất hiện, ông đã nhận định rằng “con đường đây rồi”.

Nhà nước rất cần có cơ chế và tạo điều kiện tốt cho công dân khởi nghiệp và phát triển kinh doanh. Trong đó, quan trọng hàng đầu thuộc về thể chế kinh tế, cải cách hành chánh, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, tạo môi trường ổn định, thông thoáng và dễ tiếp cận các nguồn vốn đầu tư. Cần có quỹ tài chính từ sự hỗ trợ của Nhà nước và của xã hội cho việc khởi nghiệp. Tất nhiên không bao cấp tràn lan.

Trong chương trình giáo dục phổ thông trung học cần giúp cho học sinh có những hiểu biết ban đầu về kinh tế thị trường. Trong chương trình đào tạo của các trường đại học và cao đẳng cần lưu ý vấn đề khởi nghiệp. Các tổ chức hiệp hội, công luận và các luật sư cần quan tâm hỗ trợ khởi nghiệp cho những người trẻ về tinh thần, chia sẻ kinh nghiệm, kiến nghị cơ chế, giúp đỡ điều kiện và bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chính đáng để họ không bị chèn ép bởi các “nhóm lợi ích” hoặc cán bộ tiêu cực ở các cơ quan hành chính.

Dư luận xã hội cần đấu tranh phê phán mạnh mẽ những tiêu cực trong bộ máy Nhà nước gây khó khăn cho khởi nghiệp, cho doanh nghiệp cũng như cách làm ăn gian lận, chụp giật của các doanh nghiệp kém…

Chính các doanh nghiệp Việt trưởng thành (chứ không phải ai khác) là nhân tố quyết định sự thành công của nền kinh tế nước nhà!

Vũ Ngọc Hoàng

* Tăng trưởng bằng mọi giá sẽ khiến ta sa lầy
* Việt Nam: Mãnh hổ hay mèo rừng?