Mỗi khi chồng bảo nhà có khách là tôi toát mồ hôi hột vì không biết làm món gì. Sang nhà hàng xóm, nhìn bát canh cá chép om dưa, đĩa đậu rán vàng rộm, đĩa nộm bắt mắt, lạc rang đúng độ thơm giòn, tôi thấy ghen tị lắm.
Đọc bài viết của tác giả Kim Minh trong chuyên đề Người trẻ phụ thuộc, tôi thấy rất tâm đắc. Bản thân tôi cũng là một nhân chứng điển hình cho sự phụ thuộc quá đáng vào người thân. Khi có chồng con đề huề rồi, tôi thường kể chuyện thật mà như tiếu lâm về chính mình khiến chị em đồng nghiệp cười rũ rượi.
Ai đời, ngày tôi tuổi đôi mươi, tôi về bán hàng ở nhà dì ruột, tôi rất dốt nát chuyện dọn dẹp nhà cửa, bếp núc. Dì tôi ngoài 8 tiếng vàng ngọc trên cơ quan thì tất bật thu dọn ngôi nhà 3 tầng, nấu nướng phục vụ con cháu. Tôi nhớ những lần dì đi làm về muộn, tôi lao vào bếp nấu cơm. Than ôi, cơm khô sượng, rau luộc quá nhừ, giữa trời mùa hè nóng phát điên thì bát canh cua bê lên, mỗi người chỉ chan một lần là hết.
|
Ảnh minh họa. |
Dì nhìn tôi như kẻ ngoài hành tinh, sau vài lần hướng dẫn qua loa không thấy cô cháu gái tiến bộ, dì phán chắc nịch: giờ mày chuyên tâm ngoài cửa hàng cho dì, không phải động vào bếp núc làm gì. Thế là tôi ung dung ngồi bán thẻ điện thoại, trông coi lũ trẻ choai vào chơi nét, thu tiền. Có lần nhà dì có cỗ, tôi bê mâm bát đi rửa, hậu đậu thế nào làm vỡ mấy cái bát liền. Tôi vẫn nhớ gương mặt hằm hằm của dì tôi, dì bảo "giờ mày không phải rửa bát nữa nhé". Tôi thẹn thò vâng dạ rồi chuồn một mạch về cửa hàng.
Nhìn dì thoăt thoắt làm mâm cơm ngon lành lên tiếp khách mà cháu gái lớn đùng chỉ biết ngồi phụ nhặt rau, ngó nghiêng, thực lòng tôi có bồn chồn chút đỉnh. Rồi ai cũng bảo tôi là "trông đủng đỉnh thế sau này mới sướng". Lại còn vụ ăn mặc chải chuốt, tôi cũng thua xa bạn bè cùng trang lứa.
Hồi đi học, mua sắm gì mẹ cũng mua cho, thế nên cứ ra chợ là tôi gà mờ, lúc thì mua phải hàng đểu, lúc thì hàng lỗi mốt, mặc vào tự mình cũng thấy xấu. Bị người thân, bạn bè chê bai, tôi đâm nản, không chịu tham khảo ai, cứ xuề xòa 2-3 bộ diễn đi diễn lại.
Trong lúc bạn bè dập dìu người yêu đón đưa thì tôi ế toàn tập. Ai mà yêu nổi một đứa vì xấu vừa kém duyên, việc thì bấp bênh, ăn nói nhạt như nước ốc. Câu cửa miệng mà dì tôi hay nói là: không biết làm gì thì đừng nói to.
Làm ở nhà dì 3 năm thì tôi xin được việc làm. Con gái có việc chính thức thế mà cao giá, nửa năm sau tôi đã lên xe hoa với anh chàng đồng nghiệp khi bước sang tuổi 25. Có gia đình mới, tôi loay hoay với bữa cơm xoàng mà chả lúc nào được chồng khen. Tôi quyết tâm bắt tay vào công cuộc chinh phục bếp núc.
Thì đây, kết quả đã rõ: món xôi nấu bằng nồi cơm điện phải đi tong 5 kg gạo nếp thực hành ròng rã cả năm trời vì lúc nát, lúc mặn, lúc thổi quá nhiều phải đi mời chào hàng xóm ăn giúp. Món canh cua, chè đỗ đen cũng phải làm đi làm lại hàng chục lần mới ra đúng vị ngon và lượng nấu ra vừa đủ cho 2 người ăn.
Mỗi khi chồng dóng giả bảo nhà có vài người khách là tôi toát mồ hôi hột, vì không biết làm món gì. Sang nhà chị hàng xóm, chỉ nhìn bát canh cá chép om dưa, đĩa đậu rán vàng rộm, đĩa nộm bắt mắt, lạc rang đúng độ thơm giòn là tôi đã thấy ghen tị lắm.
Tôi quyết về thực hành, đầy hôm lạc rang quá lửa khét đắng phải đổ bỏ thùng rác, cá rán cả con thì bê lên gần như món ruốc cá. Lòng buồn mênh mang, tôi tự nhủ chả nhẽ những món bình dân nhất thế này mình cũng không làm được sao.
Vậy là sau 3 năm thực hành bếp núc không mệt mỏi, tôi đã làm thành công vài món điển hình, có thể cao giọng một chút với anh chồng chuyên dao thớt ở đám giỗ chạp. Anh chồng thỉnh thoảng nhắc lại vài chiến tích rồi cười hơ hớ bảo "biết vụng thế chả thèm lấy".
Cơ quan tôi có mấy bà mẹ chăm con vô cùng. Thằng bạn tôi 27-28 tuổi, sáng ra còn đang giao ban chém gió với anh em thì mẹ yêu ngó vào hỏi "con ơi ăn mì thịt bò nhé, về nhanh để mẹ nấu. Thằng bạn xấu hổ lầm bầm "con ăn gì kệ con". Bà mẹ chăm con kỹ càng nên thằng bạn tôi chả biết làm gì hết, đi làm thì mẹ cầm lương, bà chỉ đưa cho một ít để tiêu pha. Cái lý của các bà mẹ là "giữ hộ chứ ai thèm tiêu đồng nào của nó". Bạn có ý tìm hiểu ai là mẹ săm soi xem hình dáng ra sao, có thuộc diện tứ hành xung không?
Thằng bạn ngột thở trong vòng tay bao bọc của mẹ nên trải qua dăm vố thất tình vì mẹ không đồng ý, ngoài 30 mới lấy hết quyết tâm để lấy vợ mà không cần xin ý kiến mẹ nữa. Cả đơn vị hay truyền tai kể câu chuyện của bạn, ngày mẹ về quê ngoại chơi chục ngày, bà phải lên thực đơn, hướng dẫn chi tiết cách nấu ra sao cho con giai.
Năm 2008 Hà Nội lụt lội, mấy anh em hò nhau đi bắt cá về rán rán, nấu nấu. Lúc đấy, mọi người té ngửa anh chàng chưa tay dao tay thớt bao giờ, đến thái thịt còn rón rén. Anh chàng được cái công tử bột, nom thì hào hoa đấy mà việc gì cũng thờ ơ vì ở nhà có phải động tay đến thứ gì đâu.
Thời đại giờ, nhà ai cũng sính bằng cấp. Nhà chú tôi, bố mẹ nai lưng ngoài đồng, chăn bò, nuôi gà lợn không lúc nào ngơi tay. Con nhà nông chính cống nhưng các em tôi thì đều cậu ấm, cô chiêu cả lượt. Bố mẹ lao động cật lực, đen đúa, gầy rộc nhưng không muốn con động tay việc đồng áng, chỉ bắt con học. Các em tôi thành đạt nhưng chưa biết thương đến bố mẹ, thường đòi hỏi quá mức, về nhà cơm nước vẫn để bố mẹ hầu, có khi cơm bưng lên tận mồm mà chúng nó còn chê bôi.
Từ những kinh nghiệm xương máu của bản thân và nhìn xung quanh, tôi suy nghĩ nhiều về cách dạy con sống sớm biết tự lập. Ngoài việc học hành, con được hướng dẫn làm việc nhà, cách ăn mặc của con cũng cần tươm tất, sạch sẽ.
Lúc con phụng phịu, tôi thường kể chuyện chú dế mèn con được mẹ cho ở riêng từ sớm, chỉ để lại vài lá cỏ non đủ ăn một vài ngày (trong truyện Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài). Con cần biết lao động vất vả ra sao mới quý công lao của mẹ cha.
Thanh Mai