- Không giống như ở Việt Nam, Valentine là ngày đặc biệt, đáng trông đợi đối với nam giới Nhật Bản. Vào dịp này, người có nhiệm vụ tặng quà là phụ nữ và món quà được mặc định là chocolate.
Tuy là Lễ Tình nhân, theo một truyền thống có tên là giri choco (chocolate lịch sự/nghĩa vụ), không chỉ chồng hay người yêu của các cô gái được nhận quà, mà ngay cả những người con trai trong gia đình (cha, anh em trai…) hoặc cấp trên, đồng nghiệp, bạn trai bình thường cũng được tặng chocolate.
Với ý nghĩa ban đầu là món quà thể hiện sự biết ơn, quý trọng nhưng nhiều phụ nữ Nhật Bản cho rằng họ đang bị ép buộc mua quà tặng đồng nghiệp để tạo mối quan hệ tốt tại nơi làm việc và giri choco chính là biểu hiện của bất bình đẳng giới.
Phụ nữ Nhật Bản đau đầu vì "chocolate nghĩa vụ" trong ngày Valentine. Ảnh: Guardian. |
'Chocolate nghĩa vụ' trong ngày Valentine
Theo tờ Guardian, mỗi phụ nữ Nhật Bản thường phải chi hàng nghìn yên cho việc mua chocolate tặng các đồng nghiệp nam để hoàn thành "nghĩa vụ" trong ngày Valentine. Nam giới sẽ đáp lễ vào ngày 14/3 (gọi là Valentine Trắng) - một ngày lễ được các nhà sản xuất chocolate khởi phát vào đầu những năm 80 để tăng doanh thu.
Tuy nhiên, giri choco đang ngày càng bị phụ nữ Nhật Bản phản đối. Bên cạnh những áp lực về tài chính, nhiều người cho biết họ cảm thấy khó chịu khi phải cố làm vừa lòng đồng nghiệp, cấp trên bằng việc tặng quà trong Lễ Tình nhân.
Giri choco gây ra gánh nặng tài chính với nữ giới Nhật Bản. Ảnh: Sugoi. |
Thay vì được hiểu theo nghĩa là "chocolate lịch sự", nhiều cô gái gọi giri choco là "nghĩa vụ", hay thậm chí là "nỗi ám ảnh chocolate tập thể" trong ngày Valentine.
"Chúng tôi luôn phải lo nghĩ không biết nên mua chocolate bao nhiêu tiền và người mà mình sẽ rút thăm để tặng quà là đồng nghiệp nào", một nữ nhân viên văn phòng nói với Japan Today.
Một cuộc khảo sát của cửa hàng bách hóa Tokyo cho thấy hơn 60% các cô gái Nhật Bản muốn mua chocolate như món quà cho bản thân vào ngày 14/2. Hơn 56% cho biết họ sẽ tặng chocolate cho người thân trong gia đình. Trong khi đó, 36% sẽ tặng cho bạn trai hoặc người mà họ có tình cảm, chỉ 35% dự định tặng chocolate cho đồng nghiệp nam.
Truyền thống lâu đời hay hình thức quấy rối?
Giri choco đã phổ biến tại Nhật Bản vào giữa những năm 1950, phát triển thành thị trường trị giá hàng triệu đô, đem về doanh thu khổng lồ cho các nhà sản xuất và phân phối trong hàng chục năm qua.
Thế nhưng, với nhiều phụ nữ Nhật Bản, giri choco không còn là truyền thống đáng lưu giữ, mà coi đây như hình thức lạm quyền, quấy rối nơi làm việc.
Một số công ty tại xứ sở hoa anh đào hiện cấm việc nhân viên nữ tặng quà cho nam đồng nghiệp trong ngày Valentine. Phản ứng gay gắt với giri choco đã khiến các nhà sản xuất bánh kẹo phải thay đổi chiến dịch quảng cáo của mình.
Các nhà sản xuất, phân phối chocolate thay đổi chiến lược truyền thông khi làn sóng phản đối giri choco ngày càng mạnh mẽ. Ảnh: Getty, AFP. |
Trước dịp Lễ Tình nhân năm ngoái, hãng chocolate Bỉ Godiva gây tranh cãi khi đăng quảng cáo kín trang trên báo Nhật, kêu gọi các công ty khuyến khích nhân viên nữ "đừng ép buộc bản thân phải tặng quà bất kỳ ai".
"Valentine là ngày bạn trao gửi những cảm xúc chân thật, không phải lúc đối phó với các mối quan hệ công việc", quảng cáo viết.
Trong bối cảnh phong trào #MeToo chống nạn quấy rối và tấn công tình dục ngày càng phổ biến, Nhật Bản nhiều lần phải đối mặt với những chỉ trích về tình trạng bất bình đẳng giới.
Năm 2019, quốc gia Đông Á xếp vị trí 110 trong số 149 quốc gia về mức độ bình đẳng giới theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF). Dù cải thiện 4 bậc so với năm trước, Nhật Bản vẫn xếp cuối trong số các nước G7, thậm chí đứng sau Ấn Độ - nơi được mệnh danh là nguy hiểm nhất với phụ nữ.
Bê bối gian lận điểm thi đầu vào để đánh trượt thí sinh nữ của một số trường đại học y, hay vụ việc tạp chí Nhật xin lỗi sau khi công bố danh sách các trường có nữ sinh "dễ dụ dỗ" gần đây khiến dư luận thêm báo động về tình trạng bất bình đẳng giới tại xứ phù tang.