- Cha mẹ tôi có 3 người con. Năm 1987 cha mẹ tôi ly dị, tòa phân chia quyền nuôi con như sau: tôi và em trai út ở cùng mẹ, em gái thứ hai ở với bố.
Nay chúng tôi đều đã có gia đình riêng. Mẹ tôi cũng đã già yếu, bà có một ngôi nhà trên đất muốn lập di chúc cho hai chị em tôi. Em trai tôi đã từ chối nhận quyền thừa kế và toàn bộ khối tài sản đó đã được chuyển quyền sở hữu cho tôi. Nhưng vừa qua, em gái thứ hai của tôi về đòi mẹ chia tài sản. Mẹ tôi không đồng ý vì cô ấy thường xuyên nợ nần, ăn chơi đua đòi khiến gia đình khánh kiệt. Xin hỏi luật sư, việc mẹ tôi thừa kế tài sản cho tôi như vậy có đúng luật không? Em gái tôi có quyền đòi hỏi quyền lợi không?
Em gái tôi có quyền đòi hỏi khi mẹ tôi truất quyền thừa kế (Ảnh minh họa) |
Thứ nhất: Quy định về lập di chúc
Theo 626 Bộ luật dân sự 2015, quyền của người lập di chúc được quy định như sau:
1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;
2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;
3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;
4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;
5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản”.
Tuy nhiên, Điều 644 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc như sau:
Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.
Di chúc được coi là hợp pháp khi có đủ các điều kiện sau:
- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật”.
Bộ luật này cũng quy định về hình thức của di chúc như sau: “Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng”. “Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc...”. Di chúc có hiệu lực kể từ thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết.
Thứ hai: Tặng cho quyền sử dụng đất.
Nếu mẹ bạn muốn chuyển quyền sử dụng đất cho bạn khi mẹ bạn còn sống thì mẹ bạn nên làm thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất. Theo quy định của Luật đất đai 2013, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Theo Điều 168. Thời điểm được thực hiện các quyền của người sử dụng đất
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận. Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”
Theo quy định của pháp luật về đất đai, giấy chứng nhận cấp cho cá nhân thì người đó được toàn quyền thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Nếu có đủ căn cứ chứng minh tài sản không phải là tài sản chung của hộ gia đình, mà là tài sản riêng của cá nhân, như: quyết định cấp cho cá nhân đó, hợp đồng tặng cho riêng cá nhân đó, văn bản thể hiện cá nhân được thừa kế riêng… thì chỉ cá nhân đó có quyền định đoạt tài sản và các thành viên khác trong hộ gia đình không tham gia việc định đoạt tài sản đó.
Nếu mẹ bạn là người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và đã có thỏa thuận với bố bạn đây là tài sản riêng của mẹ bạn thì mẹ bạn có quyền tặng cho quyền sử dụng đất. Cụ thể Theo Điều 167 Luật Đất đai 2013 bạn có các quyền như sau:“Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này”
Mẹ bạn tặng cho quyền sử dụng đất sau đó bạn sang tên quyền sử dụng đất tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc