- Về sâu xa, đó là cách để “thể hiện”, để “chứng tỏ” với người khác – những người chứng kiến nhiều hơn là đối với người mình yêu, bà Nguyễn Thị Chính, cán bộ tham vấn tâm lý phân tích hiện tượng học trò hôn nhau giữa lớp học.

Hình ảnh hôn nhau giữa lớp, được bạn bè cổ vũ và quay clip đưa lên mạng khá phổ biến trên nhiều trang web
Hôn nhau là cách thể hiện tình yêu của hai người và là nhu cầu cá nhân chính đáng.

Tuy nhiên, trong một lớp học, đặc biệt là với những em ở độ tuổi vị thành niên, vấn đề này rất đáng xem xét.


Tôi chưa trực tiếp hỏi những em hôn nhau trong lớp học nhưng có thể, đó cũng là cách để hai bạn thể hiện tình yêu.


Song về sâu xa, đó là cách để “thể hiện”, để “chứng tỏ” với người khác – những người chứng kiến nhiều hơn là đối với người mình yêu.
Hành động hôn thể hiện một thông điệp rằng: Tớ đã có người yêu/Đây là người yêu tớ/Tớ đã DÁM hôn người ấy ngay tại đây…

Thanh thiếu niên đều có nhu cầu để chứng tỏ bản thân. Nhưng, với cách chứng tỏ kiểu này, tôi e là nó không được phù hợp.

Dưới góc độ về chuẩn mực văn hóa cư xử trong nhà trường thì có thể xem đây là một hành vi lệch chuẩn, cụ thể là chuẩn mực văn hóa của người học sinh Việt Nam – dù chuẩn mực này không quy định một cách chính thức.

Hay nói một cách đơn giản rằng hành động này sẽ gây những phản ứng và đánh giá không tốt cho những người xung quanh.

Câu hỏi đặt ra, nhà trường, cha mẹ cần ứng xử như thế nào trước những trường hợp như trên?

Hành vi hôn nhau chỉ là một biểu hiện cụ thể của nhu cầu thể hiện bản thân và khẳng định tình cảm cá nhân mình.

Nhà trường hay cha mẹ cần quan tâm tới đời sống tình cảm của con em mình nhiều hơn, nắm bắt được mức độ phát triển của tình cảm và định hướng những cách ứng xử đẹp.

Cũng có người đề xuất phạt hay khuyên bảo sẽ là tốt nhất trong trường hợp này.

Trước khi nói tới phạt hay khuyên bảo, gia đình và nhà trường cần đưa ra những chuẩn mực về  những hành vi được phép và không được phép.

Nếu có thể được thì nên tổ chức cho chính các em thảo luận và xây dựng những quy tắc ứng xử của lớp, trường.

Khi các em xây dựng rồi thì tất cả phải cam kết thực hiện, nếu ai phá bỏ quy tắc thì sẽ bị phạt theo quy định đề ra.

Nếu con mình có hành vi này thì trước hết, tôi sẽ đặt ra câu hỏi trên, rằng điều gì khiến cháu muốn làm thế.

Nếu hiểu rõ động cơ rồi, tôi có thể phân tích cho cháu hiểu cái hay cái dở của hành động đó.

Nếu như cháu gặp vấn đề về kiểm soát nhu cầu của bản thân thì tôi sẽ tìm cách giáo dục cháu kiểm soát hành động và tiết chế những nhu cầu bản năng.

Trong quá trình tham vấn, có những thắc mắc, có phải  học trò bây giờ ngày càng “lớn hơn” trước. Nhìn bề nổi thì có thể thấy đúng thể nhưng chưa hẳn là như vậy. Nếu như dám làm nhiều hơn những điều “cấm đoán” của trước đây được coi là lớn hơn thì không phải. Vấn đề là ở trong đầu của các em suy nghĩ như thế nào và sự trưởng thành về mặt ý thức mới là quan trọng.

Tuổi ô mai là tuổi ưa thích thay đổi theo những cái mới, cái từ bên ngoài vào. Phim ảnh, báo chí, đặc biệt là internet nơi có rất nhiều những thông tin làm ảnh hưởng tới các em. Trong đó, chuyện về tình cảm nam nữ, (hôn nhau là một ví dụ) trên internet tác động rất lớn đến các em bởi đây cũng là lứa tuổi tò mò nhất về giới tính.

Xu hướng “du nhập” là tất yếu, người lớn không thể cấm đoán được các em tiếp cận internet hay những luồng thông tin bên ngoài. Tuy nhiên, cần giúp các em có óc phân tích, tu duy phê phán để chọn lọc những cái hay, cái tốt.

Hiện nay, có rất nhiều chương trình dạy kĩ năng sống, giá trị sống để giúp các em làm chủ bản thân, cũng như trưởng thành một cách lành mạnh, gia đình và nhà trường có thể cho các em tham gia.

Đó chính là cách trang bị cho các em một “hệ miễn dịch” khỏe mạnh để có thể xử lý thông tin và có được những quyết định, những hành vi đúng đắn vừa thỏa mãn nhu cầu của các em, vừa có ích cho cộng đồng và những người xung quanh.

  • Nguyễn Thị Chính (Trung tâm tham vấn tâm lý SHARE)