Năm 2016, thông tin Angelina Jolie và Brad Pitt ly hôn sau 12 năm gắn bó gây chấn động. Cuộc chia tay của cặp sao Hollywood làm tan nát tâm lý đám đông nhưng tất cả đều quên chuyện tình yêu của họ bắt đầu như thế nào. Thay vào đó, nhiều người đổ lỗi cho Angie vì từng quyến rũ và cướp Brad khỏi tay vợ cũ Jennifer Aniston.

Theo Cosmopolitan, đây là phản ứng thường thấy. Đám đông luôn tìm một người phụ nữ để đổ lỗi.

Khi Angelina Jolie và Brad Pitt tuyên bố ly hôn, đám đông từng đổ lỗi cho người phụ nữ dù chưa biết nguyên nhân là gì. Ảnh: Andrew Cowie/AFP.

Gánh nặng của nữ giới

Xu hướng đổ lỗi cho phụ nữ đã tồn tại từ rất lâu. Trong các cuộc chia tay, họ luôn bị chỉ trích dù là vì quyến rũ người đàn ông đã có gia đình hay không thể giữ chân chồng.

Nhà trị liệu tình dục và các mối quan hệ Esther Perel nhận định: “Khi phụ nữ bị lên án, điều đó cũng ngụ ý rằng đàn ông chỉ là những ‘con tốt’ bất lực và không có tội. Về cơ bản, chúng ta buộc phụ nữ phải chịu trách nhiệm về hành động của cả hai bên”.

TS Helen Fisher, nhà nhân chủng học sinh học và nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Kinsey (Mỹ), cho biết: “Chúng ta có cảm giác rằng phụ nữ là người bảo vệ mối quan hệ. Và khi một mối quan hệ kết thúc, mọi người có khuynh hướng tin rằng phụ nữ đã không dành đủ thời gian và nỗ lực để giữ cho nó ấm êm. Nói cách khác, phụ nữ phải nhận mọi lỗi lầm”.

Điều tương tự cũng xảy ra trong các tình huống thực tế, khi đàn ông bị phát hiện ngoại tình.

Nhà tâm lý học lâm sàng Brandy Engler giải thích: “Trong những lúc dễ xúc động như vậy, phụ nữ thường mang nỗi sợ của mình và soi chiếu lên những phụ nữ khác. ‘Cô ta có đẹp, có sexy không?’, ‘Cô ta có gì mà tôi không có?’. Không công bằng khi nói nguyên nhân đàn ông lừa dối đều hoàn toàn nằm ở sự quyến rũ của người phụ nữ khác”.

Xu hướng đổ lỗi cho phụ nữ khi mối quan hệ rạn nứt hoặc kết thúc đã tồn tại từ rất lâu. Ảnh minh họa: Hiroko Masuike/The New York Times.

Theo The Odyssey Online, quan niệm phổ biến trong xã hội cho rằng người vợ luôn có trách nhiệm duy trì mối quan hệ với chồng. Họ phải đảm bảo nửa kia hài lòng với mình và những việc mình làm như chăm sóc gia đình, nấu nướng vì nếu chồng hạnh phúc thì cuộc hôn nhân mới được coi là tốt đẹp. Do đó, khi có vấn đề gì xảy ra trong một mối quan hệ, xã hội luôn chĩa mũi dùi vào phụ nữ.

Dù không ai biết chuyện gì đã thực sự xảy ra, người vợ chắc chắn có lỗi vì cung phụng chồng chưa đủ, nấu ăn không ngon hoặc không có con.

Gifty Anti, nhà báo và nhà nữ quyền người Ghana, cho rằng thật kinh khủng khi phụ nữ thường bị đổ lỗi cho hôn nhân đổ vỡ còn đàn ông thì không.

“Tại sao phụ nữ lại bị mất phẩm giá chỉ vì ly dị chồng? Liệu cô ấy có nên tiếp tục duy trì cuộc hôn nhân mà thường xuyên bị chồng đánh đập, bạo hành và không tôn trọng chỉ vì muốn giữ thể diện? Nếu đàn ông là chủ gia đình, họ có trách nhiệm đảm bảo mọi chuyện không kết thúc bằng ly hôn và cũng sẽ bị đổ lỗi nếu hôn nhân thất bại. Không phải lúc nào người phụ nữ cũng là vấn đề và đã đến lúc xã hội ngừng rêu rao điều đó”, nữ chuyên gia nói.

Ngừng đổ lỗi

Verilymag đi tìm nguyên nhân đám đông hay đổ lỗi cho phụ nữ. Theo đó, nghiên cứu cho thấy phụ nữ có nhiều khả năng thừa nhận họ đã mắc sai lầm (não bộ của phụ nữ nhận ra nhanh hơn nam giới khi mắc sai lầm).

Nhưng ngay cả khi phụ nữ nhạy cảm hơn với việc mắc lỗi, xu hướng tự trách bản thân này cũng rõ ràng trong các nghiên cứu liên quan đến tổn hại do người khác gây ra cho nữ giới, không phải bởi chính họ.

Trong nghiên cứu trên 129 sinh viên từng bị tấn công tình dục, 62% phụ nữ tự trách bản thân và hơn một nửa cho biết kẻ hiếp dâm họ “hoàn toàn không đáng trách”. Họ thường đổ lỗi cho những điều mơ hồ như “hoàn cảnh” hoặc “xã hội”. Phụ nữ bị bạo lực gia đình cũng thường tự trách bản thân trước khi buộc người bạn đời phải chịu trách nhiệm về hành động của họ.

Theo chuyên gia, xã hội nên ngừng chỉ tay vào phụ nữ khi hôn nhân của họ đổ vỡ. Ảnh minh họa: NY Divorce Firm.

Khi một cặp đôi chia tay, dù là ngôi sao nổi tiếng hay người bình thường, có quá nhiều lỗi để đổ lên đầu ai đó. Điều còn phải xem xét là liệu những người ngoài cuộc có đủ tỉnh táo để không tự động chĩa mũi dùi vào phụ nữ và tập trung vào việc ai thực sự phải chịu trách nhiệm về mối quan hệ đổ vỡ.

Điều cần nhận ra là cả đàn ông và phụ nữ đều phải chịu trách nhiệm về một mối quan hệ và hôn nhân. Khi mối quan hệ lành mạnh, cả hai đều làm cho nhau hạnh phúc và giao tiếp thấu đáo. Nếu mối quan hệ rạn nứt, đôi bên đang thiếu giao tiếp với nhau. Đó không bao giờ chỉ là lỗi của một người.

Theo Zing

Chồng ngoại tình với giúp việc trẻ, vợ thanh thản ký đơn ly hônTôi chưa từng nghĩ cuộc hôn nhân ngọt ngào suốt bao năm của mình lại kết thúc ê chề chỉ vì cô giúp việc.