Hãy tưởng tượng bạn đang bị lạc, một mình trong một tòa lâu đài bỏ hoang bao quanh là những hồ nước đầy cá sấu. Đột nhiên, một con rồng thở ra lửa lao về phía bạn với hàm răng sắc nhọn sẵn sàng hạ gục bạn bất kì lúc nào. Liệu bạn có thức dậy để thoát khỏi cơn ác mộng này không? Hay bạn sẽ sẵn sàng ở lại, cầm kiếm và chiến đấu... đến hơi thở cuối cùng?
Nếu bạn thiên về lựa chọn thứ hai, nhà nghiên cứu Jayne Gackenbach sẽ cho rằng bạn nhiều khả năng là một kẻ "nghiền" game thứ thiệt.
Gackenbach là một nhà tâm lý học đang làm việc cho trường Đại học Grant MacEwan ở Canada và bà được cho là một trong những chuyên gia đầu ngành lĩnh vực nghiên cứu ảnh hưởng của trò chơi điện tử đến những giấc mơ của con người. Theo đó, vào đầu những năm 1990, con trai bà, Teace bắt đầu chơi máy chơi game Nintendo và Gackenbach ngay lập tức cảm thấy hứng thú với những ảnh hưởng tiềm tàng từ thú vui mới của con trai.
Trong bài báo mới nhất của mình đăng tải trên tạp chí “Dreaming”, Gackenbach cùng các cộng sự đã công bố một phát hiện quan trọng:Những người "nghiền" game có nhiều khả năng được trải nghiệm hiện tượng “lucid dream” (hiểu đơn giản là khả năng tạo ra, điều khiển, xây dựng tình tiết cho chính giấc mơ của mình).
Thực ra kết luận này đã được Gackenbach tìm ra từ năm 2006 khi bà nhận thấy game thủ và những người thường xuyên gặp hiện tượng lucid dream đều biểu lộ các nét tính cách tương đồng như khả năng tập trung cao độ và khả năng nhận thức không gian vượt trội trong cuộc sống thực. Sau đó, Gackenbach đã tiến hành khảo sát 125 người tham gia (gồm cả người chơi game và không chơi game) về mức độ gặp lucid dream của họ. Kết quả là hai yếu tố kể trên có liên hệ mật thiết với nhau.
Sau khi kết hợp các kết luận, Gackenbach cho hay mặc dù có thể điều khiển giấc mơ nhưng các game thủ chỉ có thể điều khiển được bản thân mình trong giấc mơ đó chứ không điều khiển được nhiều yếu tố khác. Đáng ngạc nhiên là Gackenbach cho biết thêm game thủ có thể chọn nhìn nhận giấc mơ của mình dưới góc nhìn thứ nhất hoặc góc nhìn thứ ba tùy ý tương tự như trong một trò chơi.
Bên cạnh những phát hiện kể trên, nghiên cứu của Gackenbach còn chỉ rõ những người chơi game thường ít có xu hướng coi một giấc mơ là ác mộng hơn đối tượng còn lại. Nói cách khác, game thủ thường sẵn sàng đối diện với giấc mơ hơn là thức dậy giữa đêm khuya, mồ hôi như tắm và cảm thấy hoảng loạn tạm thời như đối tượng không chơi game.
Gackenbach thậm chí còn ví trò chơi điện tử như một cách để bảo vệ bạn khỏi việc phải thức dậy giữa đêm khuya vì ác mộng. Tuy nhiên, điểm giới hạn của nghiên cứu này theo Gackenbach đó là nó vẫn chỉ áp dụng trên đối tượng người chơi là nam giới.
Nhìn trên một phương diện rộng hơn, ảnh hưởng nêu trên còn có thể giúp game thủ vượt qua những thử thách trong đời sống thật một cách tự tin và thoải mái.
Mặc dù những phát hiện nêu trên thật thú vị nhưng tương tự như các nghiên cứu khác về một số đối tượng trừu tượng như giấc mơ, các nhà nghiên cứu chỉ dựa trên sự quan sát và diễn giải logic thông thường bởi họ không thể quan sát giấc mơ trong thực tế. Dẫu vậy, Gackenbach cảm thấy vô cùng tự tin và bà cho hay trong tương lai khi những thiết bị chơi game mô phỏng thực tế như Oculus Rift trở nên thịnh hành, những phát hiện của bà sẽ trở nên rõ rệt hơn rất nhiều.
Theo Trí Thức Trẻ