Thực tế sau hai năm thực hiện nhiệm vụ của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 cho thấy, hiện trạng triển khai IPv6 tại Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn cần được giải quyết, báo cáo của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho hay.
Các tin liên quan |
Báo cáo của VNNIC tại Hội nghị Tổng kết giai đoạn 1 Kế hoạch hành động quốc gia IPv6 diễn ra ngày 14/4 tại Hà Nội khẳng định, sau 2 năm thực hiện nhiệm vụ của giai đoạn 1 (2011-2012), Ban Công tác thúc đẩy phát triển quốc gia cùng các doanh nghiệp tiêu biểu đã thực hiện nhiều hoạt động tích cực nhằm thúc đẩy nhận thức cũng như ứng dụng IPv6 tại Việt Nam. Về cơ bản, các mục tiêu của giai đoạn 1 đã thực hiện được.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng. |
Từ nhận thức còn mơ hồ trong việc triển khai IPv6, các tổ chức, doanh nghiệp Internet Việt Nam đã có những chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong việc triển khai IPv6. Tại Việt Nam, IPv6 đã được thừa nhận như một thực tế tất yếu.
Chính sách thúc đẩy phát triển IPv6 đã được đưa vào văn bản pháp lý, chính thức (dự thảo Nghị định Internet). Các quy định về tiểu chuẩn, công nghệ cũng đang được xây dựng, mạng thử nghiệm IPv6 quốc gia đã hình thành hoạt động ổn định. Internet Việt Nam đã có các kết nối IPv6 thuần ra quốc tế.
Các doanh nghiệp Internet chủ đạo cũng đã thực hiện công tác khảo sát, đánh giá hiện trạng mạng lưới cũng như có kế hoạch về kỹ thuật và nhân lực cho việc chuyển đổi sang IPv6 tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo báo cáo của VNNIC, hiện trạng triển khai IPv6 tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều tồn tại và vướng mắc cần được giải quyết.
Thứ nhất, mặc dù có các đường kết nối IPv6 thuần đi quốc tế, song lưu lượng IPv6 và sự hiện diện của IPv6 tại Việt Nam còn rất thấp.
Thứ hai, mức độ hưởng ứng các hoạt động về IPv6 của các doanh nghiệp vẫn chưa đồng đều. Đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp nội dung.
Thứ ba, hiện vẫn chưa có hoạt động thử nghiệm cung cấp dịch vụ thực tế. Theo báo cáo của VNNIC, mặc dù hiện tại các doanh nghiệp đã triển khai các hoạt động đánh giá mạng lưới cũng như các hoạt động thử nghiệm mạng lưới và dịch vụ IPv6, tuy nhiên, cho tới hiện tại vẫn chưa có doanh nghiệp nào cung cấp rộng rãi dịch vụ IPv6 thử nghiệm cho khách hàng. Mức độ triển khai IPv6 trên mạng lưới thực tế còn rất hạn chế.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cũng khẳng định, trong 2 năm qua, dù đạt được một số nội dung, song việc triển khai IPv6 tại Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại. Các doanh nghiệp Internet vẫn chưa tích cực, chủ động tham gia trong khi đó, các doanh nghiệp Intenet chủ đạo mặc dù đã báo cáo sẵn sàng cho việc chuyển đổi IPv6 nhưng chỉ mới dừng lại ở báo cáo và trong phòng thí nghiệm. Ngay cả những thử nghiệm thực tế trên quy mô nhỏ cũng chưa có.
Bên cạnh đó, một trong những vướng mắc lớn nhất, theo Thứ trưởng Thắng chính là chưa có sự tham gia của các nhà cung cấp nội dung cũng như các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối. Khi các doanh nghiệp Internet đã sẵn sàng song các nhà cung cấp nội dung cũng như các thiết bị đầu cuối chưa theo kịp thì việc triển khai IPv6 vẫn chưa thể thực hiện được.
“Hiện nay, việc triển khai IPv6 đã trở thành một thực tế tất yếu, không thể đảo ngược. Tuy nhiên, đây là một quá trình lâu dài và cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đồng bộ cả về hạ tầng kết nối, cung cấp nội dung và các thiết bị đầu cuối”, Thứ trưởng Thắng nói.
IPv6 là địa chỉ Internet thế hệ mới với thiết kế chiều dài 128 bit cho phép đánh số địa chỉ Internet lên tới con số gần như vô hạn, lên đến 2128 địa chỉ, một sự gia tăng khổng lồ so với 232 (khoảng 4,3 tỷ) địa chỉ của IPv4. IPv6 cũng được thiết kế với những khả năng ưu việt đáp ứng nhu cầu của thế hệ mạng mới và hỗ trợ bảo mật vượt trội. Ngày 29/03/2011, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, xác định mục tiêu lộ trình cụ thể chuyển đổi sang IPv6 của Việt Nam với ba giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị (2011-2012), Giai đoạn khởi động (2013-2014), Giai đoạn chuyển đổi (2016-2019). Mục tiêu chung là bảo đảm trước năm 2020, toàn bộ mạng lưới và dịch vụ Internet Việt Nam sẽ được chuyển đổi để hoạt động một cách an toàn, tin cậy với địa chỉ IPv6. |
Lê Văn