Một chương trình xét nghiệm của Chính phủ Anh đã kiểm tra các sản phẩm tươi sống được bán ở Anh, một số nhập khẩu từ nước ngoài. Theo đó, 95% dâu tây có chứa hóa chất vĩnh cửu (PFAS). Một số thực phẩm khác chứa chất độc bao gồm nho (61%), cherry (56%), cải bó xôi (42%), cà chua (38%) và đào (38%).
Hóa chất PFAS được sử dụng trong thuốc trừ sâu và đồ gia dụng như chảo chống dính, quần áo, mỹ phẩm, bao bì và bọt chữa cháy.
PFAS là một họ gồm hơn 10.000 hóa chất. Một số có thể không bao giờ phân hủy khi ở môi trường bình thường hoặc cơ thể chúng ta. Nếu chỉ tồn tại ở lượng nhỏ, PFAS sẽ không hại cho sức khỏe.
Khi dư lượng đủ lớn, PFAS có liên quan đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng bao gồm ung thư, cholesterol cao, giảm chức năng thận, gây bệnh tuyến giáp, suy giảm khả năng sinh sản, ức chế hệ miễn dịch và sinh ra trẻ nhẹ cân. Người ta cũng lo ngại các hóa chất đó sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, phát triển hành vi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Nick Mole, từ Mạng lưới Hành động Thuốc trừ sâu Vương quốc Anh (Pan UK), cho biết: “Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy PFAS liên quan các bệnh nghiêm trọng như ung thư. Điều đáng lo ngại là người tiêu dùng Anh không còn lựa chọn nào khác, một số hóa chất có thể còn tồn tại lâu dài trong cơ thể họ”.
Một số bao bì thực phẩm bằng nhựa cũng nhiễm PFAS và PFAS có trong đất, nước uống ở Vương quốc Anh. "Chúng ta cần phải hiểu rõ hơn về những rủi ro sức khỏe khi hấp thụ hóa chất vĩnh cửu này và làm mọi thứ có thể để loại trừ chúng khỏi chuỗi thức ăn”, vị chuyên gia trên chia sẻ.
Dấu vết của PFAS được tìm thấy trong hầu hết các nguồn nước. Nghiên cứu của Đại học New South Wales (Austrlia) cho thấy 69% mẫu nước ngầm toàn cầu vượt quá giới hạn an toàn.
Có 25 loại thuốc trừ sâu PFAS đang được sử dụng ở Anh, 6 trong số đó thuộc nhóm “rất nguy hiểm”. Pan UK đang kêu gọi chính phủ cấm những loại đó và hỗ trợ nông dân tìm giải pháp thay thế an toàn hơn.
Năm ngoái, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố PFOA, một loại PFAS, là chất gây ung thư loại một ở người. Các chuyên gia bày tỏ mối lo ngại đặc biệt khi trẻ em tiếp xúc với các hóa chất trên vì có liên quan đến sự chậm phát triển, thay đổi hành vi và dậy thì nhanh.
Tiến sĩ Shubhi Sharma, thuộc Tổ chức CHEM Trust (bảo vệ con người và thế giới hoang dã khỏi hóa chất độc hại), cho biết: “PFAS là một nhóm hóa chất hoàn toàn do con người tạo ra, không tồn tại trên hành tinh cách đây một thế kỷ nhưng hiện đã làm ô nhiễm mọi ngóc ngách. Giờ chúng ta phải sống với tàn dư độc hại này trong nhiều thập kỷ tới. Điều ít nhất chúng ta có thể làm là cấm sử dụng PFAS”.