Đó chính là câu chuyện cổ tích thời hiện đại của Parisa Tabriz, 31 tuổi, người đang giữ chức danh có lẽ là thi vị nhất trong giới công nghệ: “Công chúa An ninh Google”. Công việc của cô là xâm nhập trình duyệt web phổ biến nhất thế giới, cố gắng tìm ra các lỗ hổng trong hệ thống trước khi các “tin tặc mũ đen” làm điều này.

Thực chất, cũng như các phù thủy thiện – ác trong “xứ sở thần tiên”, các tin tặc được chia làm hai phe: tốt (mũ trắng) – xấu (mũ đen). Để chống lại những kẻ tấn công Google, trước tiên Tabriz phải học cách nghĩ như chúng. Theo cô, ban đầu chức danh chính thức tại Google là “Kỹ sư An ninh thông tin”, khá tẻ nhạt và không nhiều ý nghĩa. Vì vậy, cô chuyển nó thành “Công chúa An ninh” cho vui miệng dù thừa nhận mình chưa bao giờ đủ nữ tính hay phù hợp với hình tượng công chúa.

Vai trò của Tabriz tăng theo cấp số nhân trong 8 năm kể từ khi cô đặt chân tới Google. Khi ấy, cô sinh viên trẻ vừa tốt nghiệp Đại học Illinois là 1 trong 50 kỹ sư an ninh của Google. Ngày nay, con số tăng lên hơn 500.

“Người dùng của tôi có cả Tổng thống của các nước, tôi hi vọng ngài Obama cũng dùng Chrome. Nó bao gồm nhiều đối tượng cao cấp, chính khách, nhà báo và những người đơn thuần đang sử dụng Internet. Google dựa vào niềm tin của người dùng đối với dữ liệu của họ. Vì vậy nếu không thể bảo vệ nó, chúng tôi không thể hoạt động”, Tabriz chia sẻ về công việc của mình.

Trong khi đó, tội phạm mạng cũng diễn tiến nhanh chóng trong thập kỷ qua, từ các chiêu trò lừa đảo trên mạng đến đánh cắp thẻ tín dụng, do thám điện tử qua email. Mối lo ngại lớn nhất của Tabriz hiện tại là ai đó có thể tìm thấy các lỗi trong phần mềm của Google và bán thông tin cho chính phủ hoặc tổ chức tội phạm.

Để đối phó với điều đó, Google đã khởi xướng chương trình trao thưởng Vulnerability Rewards, tặng từ 1000 USD đến 20.000 USD cho những người báo cáo lỗ hổng trong sản phẩm, dịch vụ của hãng.

“Điều chúng tôi rút ra trong vài năm qua là chúng tôi nghi ngờ các chính phủ muốn xâm nhập vào liên lạc. Có trường hợp, người dùng Gmail tại Iran đã bị xâm phạm. Các sự cố này đặc biệt đáng sợ vì chúng dường như được thực hiện bởi các tổ chức lớn, có thế lực hay chính phủ”, Tabriz nói về những đối tượng cô phải đối mặt.

Đó là thế giới khác xa ngôi nhà thơ ấu của Tabriz tại Chicago. Có bố là bác sỹ lai Mỹ - Iran, mẹ là y tá lai Ba Lan – Mỹ, Tabriz không được tiếp xúc nhiều với máy tính cho đến khi bắt đầu học về kỹ thuật tại trường đại học.

Điểm qua đội ngũ nhân viên an ninh của Google, bạn sẽ thấy những người phụ nữ như Tabriz là vô cùng hiếm hoi dù trong vài năm qua, cô đã tuyển thêm một số cộng sự cùng giới. Cô thừa nhận có sự mất cân bằng giới tính rõ rệt tại Silicon Valley. “Những con số này khiến bạn đặt ra câu hỏi “cái gì khiến không có nhiều nữ giới làm trong bảo mật hay công nghệ”. Vấn đề ở đây là gì? Nằm ở văn hóa hay môi trường?”, nữ thần “gác đền” bộc bạch.