>> Thứ trưởng phải biết ít nhất 1 ngoại ngữ
Tiêu chuẩn quan trọng
Theo người viết, một trong những vấn đề lớn ngăn cản sự phát triển của VN hiện nay là sự khác biệt về tầm nhìn và tư duy, nhất là của cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền. Một yếu tố tạo nên rào cản đó xuất phát từ sự hạn chế về ngoại ngữ.
Tiếng Việt, thật không may, lại không phải là ngôn ngữ thông dụng của thế giới. Ở khắp nơi, mọi người sử dụng tiếng Anh, từ các cuộc triển lãm, các bản tin, các tài liệu đến các hội thảo quốc tế, v.v... Thậm chí những người sử dụng các ngôn ngữ phổ biến khác như tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc,... giờ đây cũng phải nói chuyện và hiểu thế giới thông qua tiếng Anh. Sự phổ biến của tiếng Anh cũng đem lại một cơ hội lớn để thế giới hiểu biết và chia sẻ tầm nhìn, kiến thức.
Tiếc thay, chúng ta có quá nhiều công chức tuy có văn bằng ngoại ngữ như một điều kiện bắt buộc khi họ thi tuyển đầu vào, nhưng lại không sử dụng tiếng Anh, không nói và hiểu được tiếng Anh. Do vậy, họ gặp nhiều khó khăn để hiểu và hành xử theo những điều kiện và tiêu chuẩn chung của thế giới. Điều này phần nào cản trở chính họ trong công việc.
Ai đó có thể cho rằng muốn hiểu ngoại ngữ đã có phiên dịch. Tuy nhiên, bạn gần như không thể xây dựng các mối quan hệ cá nhân thân tình, không thể trao đổi những câu chuyện riêng tư và kín đáo với sự hiện diện của một người phiên dịch ở giữa, chưa kể, câu chuyện sẽ "nhạt" đi đáng kể.
Sử dụng được tiếng Anh, một kho tàng lớn về kiến thức và thông tin sẽ được mở ra, giúp các công chức bồi đắp hiểu biết mỗi ngày, tìm kiếm những giải pháp và kinh nghiệm từ khắp nơi trên thế giới, khi mà mạng internet ngày càng tiện dụng.
Có thể nói rằng, tiêu chuẩn "sử dụng được tiếng Anh hay một ngoại ngữ khác" hẳn nhiên là điều kiện cần, tiêu chí quan trọng đối với công chức. Yêu cầu cán bộ, công chức phải sử dụng tốt ngoại ngữ, theo tôi, là cần thiết và cực kỳ quan trọng.
Đại biểu dự một hội thảo của Bộ Nội vụ - đơn vị soạn dự thảo nghị định. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Một cách tiếp cận mới
Được biết, trong tuyển dụng từ công chức cấp thấp đến bổ nhiệm công chức cấp cao hơn hiện nay đều có những tiêu chuẩn về ngoại ngữ. Song chúng đều được quy về bằng cấp, từ những tấm bằng ngoại ngữ trình độ A, B hay C trước đây đến những tấm bằng cao cấp bậc 4, 5, 6 gần đây.
Cách tiếp cận đó, theo người viết có phần chưa phù hợp. Chúng ta cần những công chức có khả năng sử dụng ngoại ngữ thực sự, chứ không phải là những tấm bằng, giấy chứng nhận trong tập hồ sơ công chức. Chưa kể những quy định "cứng" kiểu đó thậm chí có thể dẫn đến nạn làm bằng giả hoặc bằng thật nhưng học giả, vốn không còn là sự gì lạ lẫm.
Trên thực tế, chính Bộ Nội vụ và nhiều cơ quan Trung ương và cấp tỉnh, thành phố, cấp huyện,... vẫn đang phải tổ chức nhiều lớp "bồi dưỡng" ngoại ngữ cho cán bộ, công chức của nhiều cơ quan.
Vì vậy, có lẽ đã đến lúc thay đổi phương pháp tiếp cận cho mục tiêu "công chức có thể sử dụng tốt ngoại ngữ". Chẳng hạn, tận dụng công nghệ thông tin để phát triển các giải pháp học ngoại ngữ trực tuyến cho cán bộ công chức, và mọi người dân có nhu cầu nói chung. Công nghệ ngày nay cho phép xây dựng những nguồn dữ liệu mở, có khả năng tương tác cao, tạo điều kiện thuận lợi ho việc học ngoại ngữ hàng ngày.
Ví dụ, một số doanh nghiệp nước ngoài như Công ty dầu khí quốc gia Malaysia Petronas đã xây dựng một hệ thống dữ liệu mở, cho phép cán bộ nhân viên ở mọi cấp có thể học và nhận chứng chỉ trực tuyến, như một điều kiện để được bổ nhiệm và nâng bậc.
Chúng ta hoàn toàn có thể, ví dụ, xây dựng một hệ thống học ngoại ngữ như giáo sư Louis Von Ahn và các cộng sự phát triển công cụ Duolingo. Theo đó, những người tham gia học có thể theo dõi, kết bạn với nhau và đăng ký học phù hợp với thời gian rảnh mỗi ngày. Những người cùng một cơ quan hoàn toàn có thể theo dõi đồng nghiệp hay sếp mình học ngoại ngữ thế nào, có chăm chỉ không, năng lực đến đâu... Nhờ vậy, người được quy hoạch bổ nhiệm sẽ được những người khác đánh giá cả về sự chuyên cần và khả năng sử dụng ngoại ngữ, và khi đó, những đánh giá sẽ chính xác.
Không thay đổi mục tiêu là phát triển khả năng sử dụng ngoại ngữ của công chức, tuy nhiên chúng ta cần đặt ra việc phát triển và đề xuất các giải pháp thực tế, hơn là chỉ cứng nhắc quy định bằng các văn bằng, chứng chỉ.
Khi làm được điều đó, tức là thay đổi tư duy về mục tiêu và cách tiếp cận, để có giải pháp đúng, tình trạng Bộ Nội vụ vội vã đưa ra chuẩn ngoại ngữ của công chức rồi lại hạ chuẩn ngay sau khi có một số ý kiến phản đối, sẽ không còn nữa. Quan trọng hơn, nhờ đó chúng ta sẽ tạo ra được nhiều thay đổi và xây dựng được bộ máy chính quyền hiệu quả.
- Phạm Quang Vinh (GĐ Công ty Pham & Partners)