- Cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang được vay tối đa 840 triệu đồng để xây hoặc sửa chữa nhà ở.

>> Không có tiền cho dân nhưng giúp dân bằng chính sách

Đây là một trong những đối tượng mở rộng được tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng được nêu trong tờ trình của Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 29/4. 

{keywords}
Ảnh minh họa: Minh Thăng

Theo tờ trình, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng cho phép sửa đổi một số quy định có liên quan gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng tại nghị quyết 02 để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Cụ thể, kéo dài thời hạn trả nợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân từ 10 năm lên 15 năm và mở rộng đối tượng vay vốn đối với nhiều thành phần.

Đó là hộ gia đình, cá nhân tại đô thị mua nhà ở thương mại riêng lẻ có tổng giá trị hợp đồng cả nhà và đất không quá 1,5 tỷ đồng, các hộ dân ở vùng bão lũ thuộc các tỉnh duyên hải, miền Trung đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, chưa có nhà ở hoặc đã có nhưng chưa đảm bảo an toàn khi bão lũ được vay để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở, các hộ dân ở đô thị, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tại các đô thị ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở được vay để xây mới hoặc sửa chữa nhà ở, nhưng tổng số vốn vay không vượt quá 840 triệu đồng (80%x1,5 tỷ đồng).

Các hợp đồng mua nhà ở xã hội đã ký trước 7/1/2013 chưa thanh toán hết cũng thuộc diện có thể vay vốn từ gói hỗ trợ trên. Ngoài ra, để quản lý thị trường bất động sản, sẽ không cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới trong năm 2014.

Lãi suất vẫn cao

Theo Bộ Xây dựng, tính đến ngày 15/4, tổng số tiền 5 ngân hàng đã cam kết cho vay từ gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng là 3.365,9 tỷ đồng. Đánh giá về gói tín dụng giải ngân chậm, Bộ cho rằng lãi suất cho vay ưu đãi dù đã giảm từ 6% xuống 5%/năm nhưng vẫn cao so với thu nhập của người dân, chỉ những người có thu nhập trung bình và ổn định mới có khả năng tiếp cận.

Thời hạn cho vay tối thiểu 10 năm là ngắn so với khả năng tích lũy, trả nợ. Một số tiêu chí do ngân hàng quy định quá chặt chẽ và thận trọng, nên khách hàng vay vốn không thể đáp ứng được.

Một nguyên nhân chậm khác là chính quyền một số địa phương còn chậm trễ trong việc triển khai các thủ tục hành chính, cho phép doanh nghiệp điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cơ cấu căn hộ… Do đó, số lượng dự án đầu tư xây dựng mới nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi sang nhà ở xã hội và dự án được điều chỉnh cơ cấu căn hộ còn thấp so với nhu cầu thực tế.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn chưa hồi phục như kỳ vọng, Bộ Xây dựng hy vọng việc điều chỉnh quy định liên quan gói tín dụng 30 nghìn tỷ sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Linh Thư