Các khoản phí trong giao dịch hành chính công hiện đã được chuyển khoản, không còn sử dụng tiền mặt.

Để phát triển công dân số, thời gian qua, Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án 06) đã được triển khai với các nhóm tiện ích nhằm mục tiêu hình thành công dân số, hoàn chỉnh hệ sinh thái số, phát huy nguồn tài nguyên số quý báu về dân cư. 

Trong cuốn Cẩm nang "Chuyển đổi số" do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, định nghĩa công dân số là người dân được trang bị năng lực số để sống giữa môi trường được số hóa toàn diện. Trong đó, 9 yếu tố cấu thành công dân số gồm khả năng truy cập nguồn thông tin số; khả năng giao tiếp trong môi trường số; kỹ năng số cơ bản; mua bán hàng trên mạng; chuẩn mực đạo đức trong môi trường số; bảo vệ thể chất, tâm lý trước ảnh hưởng từ môi trường số; quyền, trách nhiệm trong môi trường số; định danh, xác thực, dữ liệu cá nhân; quyền riêng tư trong môi trường số.

Hiện nay, tỉnh Ninh Bình đang tập trung nguồn lực, nỗ lực chuyển đổi số trên 3 trụ cột gồm xã hội số, chính quyền số và kinh tế số. Trong đó, xã hội số được hình thành dựa trên các công dân số. Theo đó, nhiều tiện ích, cơ sở hạ tầng được các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm đầu tư xây dựng, triển khai phục vụ phát triển công dân số.

Ứng dụng công dân số Ninh Bình (My Ninh Bình) là ứng dụng chạy trên thiết bị di động thông minh, được xây dựng với mục tiêu trở thành kênh giao tiếp tổng hợp chính thức và duy nhất cho việc trao đổi thông tin giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp; nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ hiện đại, hiệu quả. 

Bên cạnh đó, ứng dụng còn là điểm truy cập kết nối tới các ứng dụng, cung cấp các thông tin cần thiết phục vụ người dân trong cuộc sống; là công cụ hỗ trợ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh Ninh Bình. 

Ứng dụng cho phép người dân tra cứu các tiện ích cơ bản như: Thủ tục hành chính, hồ sơ y tế, quan trắc môi trường, đất đai,... Ngoài ra, người dân có thể tạo phản ánh trên ứng dụng cho chính quyền xử lý và theo dõi tiến độ cũng như hiệu quả công việc của chính quyền.

Ông Lê Văn Thành, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố Tiến Yết, thị trấn Me (huyện Gia Viễn) cho biết: Nắm bắt được chủ trương của chính quyền địa phương trong việc cài đặt và sử dụng ứng dụng công dân số My Ninh Bình, là người đứng đầu tổ dân phố, tôi đã được tập huấn, giới thiệu về ứng dụng này, đồng thời tích cực nghiên cứu, tìm hiểu để nắm bắt và thực hiện, sau đó mới cùng các thành viên trong Tổ công nghệ số cộng đồng Tổ dân phố vận động, tuyên truyền cho người dân.

"Tôi nhận thấy, khi cài đặt ứng dụng công dân số My Ninh Bình, có rất nhiều thông tin, dữ liệu về dịch vụ công, tài khoản định danh điện tử VNeID cũng như các hoạt động hỗ trợ người dân tìm kiếm, tích hợp được giới thiệu, mang lại nhiều tiện ích cho người dùng.

Chúng tôi đã tuyên truyền sâu rộng và hỗ trợ cho nhiều người dân tổ dân phố Tiến Yết cài đặt ứng dụng này, từng bước hình thành nên những công dân số, tiến tới xây dựng xã hội số, tạo thuận lợi cho người dân cũng như chính quyền trong triển khai thực hiện các dịch vụ công trực tuyến", ông Lê Văn Thành chia sẻ.

Ông Phạm Ngọc Hà, Chủ tịch UBND thị trấn Me (huyện Gia Viễn) cho biết: Được chọn là đơn vị triển khai thí điểm ứng dụng My Ninh Bình, thị trấn đã phối hợp với VNPT Ninh Bình tổ chức tập huấn cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng.

Qua tập huấn, các học viên được hướng dẫn cách cài đặt, sử dụng ứng dụng. Từ những kiến thức tiếp thu được tại buổi tập huấn, các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng triển khai đến người dân sinh sống tại các tổ dân phố. Với việc đẩy mạnh cài đặt ứng dụng sẽ giúp hình thành nên những công dân số, tiến tới xây dựng xã hội số.

Theo đó, từ tháng 6/2023, thị trấn Me bắt đầu thực hiện hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng công dân số My Ninh Bình. Các Tổ công nghệ số cộng đồng bám sát địa bàn, hướng dẫn nhân dân cài đặt, đặc biệt chú ý đến lớp người có trình độ công nghệ còn có mức độ. Đến nay, thị trấn Me đã thực hiện cài đặt được cho hơn 3.700 người dân ở độ tuổi trưởng thành có điện thoại thông minh, chiếm tỷ lệ trên 80%.

Khi được tiếp cận và cài đặt ứng dụng My Ninh Bình, người dân có thể chủ động và kịp thời phản ánh, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền những vấn đề phát sinh trong đời sống, tích cực tham gia vào công cuộc chuyển đổi số của địa phương. 

Cán bộ huyện Gia Viễn tham dự lớp tập huấn về chuyển đổi số.

Tại huyện Yên Khánh, xác định chuyển đổi số muốn thành công phải bắt nguồn từ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, huyện Yên Khánh đã và đang quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ, đẩy mạnh tuyên truyền để hình thành và phát triển công dân số.

Đảm bảo mỗi công dân phải là người có kiến thức, kỹ năng cơ bản để tham gia các hoạt động trên môi trường số an toàn, từ đó đón bắt được cơ hội phát triển, góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số tại địa phương.

Là người buôn bán các mặt hàng thực phẩm, bánh trái truyền thống, thời gian qua, chị Đinh Thị Thúy Hà, xã Khánh Nhạc (huyện Yên Khánh) nhờ ứng dụng công nghệ số trong quảng bá hình ảnh đã giúp nhiều khách hàng biết đến các sản phẩm, việc tiêu thụ cũng thuận lợi hơn.

Ngoài ra, các giao dịch trong thanh toán điện, nước, đóng học phí cho các con… cũng được chị giải quyết nhanh gọn, tiện lợi thông qua điện thoại di động, chị không cần phải đi lại nộp trực tiếp như trước kia nữa. 

Theo chị Thúy Hà, hiện nay, tỷ lệ người dân, đặc biệt là người trung tuổi và trẻ tuổi rất ít sử dụng tiền mặt trong giao dịch mua bán hàng hóa. Ngay cả tại các chợ truyền thống, tỷ lệ người dân mua hàng và chuyển bằng tài khoản cũng tăng dần.

Với nhiều hộ kinh doanh, đặc biệt là các sản phẩm bún, bánh truyền thống, trước đây sản phẩm chỉ tiêu thụ trên địa bàn xã và huyện, từ khi thực hiện chuyển đổi số, nhiều gia đình đã sử dụng mạng xã hội để quảng bá và giới thiệu sản phẩm. Phương thức bán hàng mới này đã mở rộng người tiêu dùng ra ngoài huyện và nhiều địa phương trong cả nước.

Với quan điểm, lấy người dân làm trung tâm, thiết bị di động thông minh là phương tiện chính của người dân trong thế giới số, công dân số được xem là yếu tố nền tảng đối với sự phát triển xã hội số, đồng thời quyết định sự thành công của hành trình chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Xã hội đang chuyển mình mạnh mẽ trên môi trường số, dù còn những bất cập và khó khăn trong quá trình thực hiện, nhưng những công dân số tỉnh Ninh Bình đã và đang chủ động ứng dụng rộng rãi công nghệ trong thực hiện các thủ tục hành chính, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo Huy Hoàng (Báo Ninh Bình)