- Khi tin dữ Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời chiều 4/10 bắt đầu lan đi, trên khắp các mạng xã hội, cộng đồng mạng, phần lớn là các bạn trẻ, bày tỏ lòng tiếc thương với người anh hùng vĩ đại của dân tộc.
Không muốn nhưng đành phải tin…
Lác đác rồi nhiều dần lên những thông báo trên Facebook, mạng xã hội phổ biến nhất, là cách các công dân mạng cập nhật và chia sẻ tin buồn này. Ban đầu họ còn nghi ngại hỏi nhau “có lẽ nào”, “chưa biết thực hư ra sao”, “liệu có thật không”, “lại là tin đồn”…
Rồi họ tìm kiếm khắp các nguồn thông tin để kiểm chứng và xác nhận thông tin về vị tướng lừng lẫy và đáng kính trọng của lịch sử đất nước.
Hàng loạt người dùng đã thay ảnh đại diện và ảnh bìa trang Facebook bằng hình ảnh Đại tướng. Nơi là khuôn mặt cương nghị, đầy bản lĩnh, với ánh mắt sáng ngời ý chí, nơi lại là nụ cười hồn hậu gần gũi, nơi là hình ảnh những trận chiến gắn liền với tên tuổi Đại tướng, nơi lại là hình ảnh bình dị của ông giữa quần chúng nhân dân… Công dân mạng dùng những hình ảnh đẹp nhất để bày tỏ tình cảm với vị lão thành cách mạng.
Hình ảnh thân thương của Đại tướng tràn ngập trên mạng xã hội |
Cùng với đó, họ bày tỏ lòng tiếc thương, lòng kính trọng, sự ngưỡng mộ đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
“Vị tướng huyền thoại thời hiện đại của dân tộc vừa trút hơi thở cuối cùng”, “Vĩnh biệt vị đại tướng của lòng dân”, “Người con kiệt xuất của quê hương Quảng Bình đã ra đi”, “Xin kính cẩn trước ngọn núi sừng sững trong lịch sử, của dân tộc, của thế giới”…, họ viết.
Họ “truyền tay nhau” những bức ảnh, những bài báo, những câu chuyện về Đại tướng tìm được ở rất nhiều nguồn khác nhau. Họ cũng cập nhật những tin bài truyền thông quốc tế viết về sự ra đi của Đại tướng.
Đặc biệt, họ chia sẻ thông tin mà Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, cựu chiến binh nổi tiếng của cuộc chiến tranh Việt Nam, trên mạng xã hội Twitter: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời - nhà chiến lược quân sự lỗi lạc, người từng nói với chúng tôi rằng chúng tôi là ‘kẻ thù đáng kính nể’”.
Những người mà bản thân và gia đình đã có may mắn được gặp và quen với Đại tướng cũng xúc động kể lại những kỷ niệm quý giá ấy.
“Mình có hai kỷ niệm về hai lần được gặp bác Giáp, một lần hồi lớp 5 được đi đại diện đoàn các cháu đến thăm bác, không lưu giữ nhiều lắm. Còn lần này thì rất nhớ, khi bác đến xem triển lãm tranh của hoạ sỹ C.T.T, mình lần đầu tiên được nghe bố kể về Đại tướng, thích và hâm mộ lắm, nên cứ lẽo đẽo đi theo và lọt cả vào ảnh. Bác Giáp hôm đó còn sang thăm nhà mình ở ngay cạnh đó nữa, vì bác biết ông nội và bố, niềm tự hào vui sướng lúc đó đến giờ vẫn còn nhớ”, một công dân mạng tự hào viết.
“Cháu còn nhớ, lần cuối cùng ông bà không vừa lòng với nhau, là khi bà không cho ông đi chúc mừng sinh nhật ông Giáp như mọi năm, vì lúc đấy ông cũng yếu quá rồi...”, một công dân mạng khác chia sẻ chuyện gia đình mình.
Không phải ai
cũng nói ra là mình đã khóc nhưng những giọt nước mắt, những sống mũi cay cay,
những ánh mắt nhòa đi là điều mà họ chia sẻ với nhau.
Công dân mạng cũng nhắc nhở nhau tạm ngừng các hoạt động vui chơi, giải trí, dành trái tim và khối óc để tưởng nhớ và tri ân vị khai quốc công thần thời hiện đại. Họ cũng tự hứa sẽ cố gắng đi dự tang lễ để được đưa tiễn ông đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Một số người đề nghị có những tượng đài Võ Nguyên Giáp và những con đường mang tên ông, được đông đảo bạn bè trên Facebook của họ ủng hộ.
Công dân mạng đem hết tình cảm dành cho Đại tướng chia sẻ trên mạng xã hội |
Hy vọng anh linh Đại tướng sẽ mỉm cười
Bày tỏ sự tiếc thương đối với vị tướng, nhà lãnh đạo, nhân cách lớn Võ Nguyên Giáp, công dân mạng cũng không khỏi băn khoăn về khoảng trống quá lớn mà ông để lại. Đó là khoảng trống về một người mang lý tưởng, truyền cảm hứng, làm tấm gương cho thế hệ trẻ nhìn vào và noi theo.
“Mất mát lớn quá, biết bao giờ đất nước mới lại có một vĩ nhân như thế!”, hay “Đến bao lâu nữa thì mới có một tầm vóc như vậy để rường cột đây?”, họ băn khoăn.
“Ông đã sống qua hai thế kỷ sóng gió của lịch sử dân tộc. Ông đã làm hết những gì mà một Con Người có thể làm để không hổ thẹn với mùa thu lịch sử của dân tộc nhiều giông bão này. Trong buổi gặp gỡ của những người đã theo ông suốt 40, 50, 60, thậm chí 70 năm cuộc đời, có ai đó chợt thảng thốt với câu hỏi: ‘Chúng ta nhớ, nhưng liệu thế hệ trẻ có nhớ những gì ông đã làm, những gì ông đang canh cánh mà chưa làm được, những gì ông gửi gắm?’. Ông đã đi xa nhưng có nhiều điều còn ở lại mà chúng ta phải biết, phải học, phải nhớ và phải làm”, một công dân mạng viết.
Nhưng họ cũng lạc quan và tin tưởng rằng thế hệ trẻ sẽ bước tiếp con đường mà Đại tướng đã đi cho đến tận giờ phút cuối cùng của mình.
Một công dân mạng trẻ tuổi viết: Tiếc thương một con người đã chiến đấu đến cuối đời vì độc lập dân tộc cho đến phát triển đất nước... tự hứa bản thân sẽ có những đóng góp có ích cho Tổ quốc - tự hứa tiếp nối truyền thống cha ông và hy vọng những anh linh sẽ mỉm cười vì sự hy sinh không lãng phí, mỉm cười thấy đất nước đi lên!..”
Chung Hoàng